Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với lòng nhiệt huyết và ý chí quyết tâm vươn lên, Nguyễn Tuấn Cảnh, sinh năm 1989, ngụ tổ 4, ấp Tân Thuận, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh) hiện là chủ một cơ sở sản xuất cửa sắt đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên tại một vùng nghèo, mẹ mất đi khi Cảnh chỉ vừa tròn 3 tuổi. Hoàn cảnh gà trống nuôi con cùng cái nghèo lại càng đeo đuổi gia đình nhỏ và quãng đời ấu thơ của 2 chị em Cảnh. Mái trường, con chữ cũng dần xa lạ đối với anh bởi cuộc sống mưu sinh để phụ giúp gia đình chính là điều mà bản thân Cảnh phải làm lúc bấy giờ.
Không chấp nhận với cuộc sống hiện tại, năm 16 tuổi, được người thân giới thiệu, Cảnh xin phép ba xuống huyện Trảng Bàng học nghề hàn cửa sắt. Những ngày tháng tại đây, Cảnh đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ các bậc đàn anh trong nghề. Thêm vào đó là những trãi nghiệm thực tế khi xin làm thuê qua nhiều cửa hàng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cửa sắt lớn trên địa bàn huyện lúc ấy nên anh đã tích lũy được vốn kiến thức đáng kể cho cái nghề mình.
Công việc hằng ngày của Nguyễn Tuấn Cảnh
Trở về địa phương, Cảnh bắt đầu từ số vốn chỉ hơn 6 triệu đồng mà bản thân anh dành dụm được từ tiền công làm thuê. Tận dụng phía trước nhà, anh quyết định mở xưởng hàn cửa sắt trong phạm chỉ vỏn vẹn gần 30 m2. Một trang mới đã được mở ra trong cuộc đời đồng thời cũng chính là thử thách mới đối với Cảnh. Khi mới thành lập, xưởng hàn cửa sắt của anh chỉ có 1 chiếc máy hàn, 1 chiếc máy mài, 1 chiếc máy cắt sắt, 1 máy khoan vặn vít là bộ khung cơ bản để sản xuất. Thời gian đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn, nào là thiếu vốn, thiếu máy móc, nhân công, cở sở lại quá chật hẹp, công việc phải làm tạm bợ ngoài trời, khi mưa phải tất tả thu dọn. Bên cạnh đó, khách hàng cũng chưa tin tưởng vào cơ sở nhỏ do một người trẻ mới vào nghề làm chủ.
Nhớ về những ngày đầu mới mở cơ sở, Cảnh cười, tâm sự: “Thật sự nhìn lại thời gian đầu khi xưởng sản xuất mới bắt đầu hoạt động thiếu thốn đủ thứ, đơn hàng thì ít. Lúc đó mình rất nản nhưng từ sự động viên của người thân trong gia đình, bản thân mình cũng tự động viên chính mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để vượt quá khó khăn ấy.”
Nhờ siêng năng, cần cù, trách nhiệm với công việc cùng sự quyết tâm của bản thân, Nguyễn Tuấn Cảnh cũng đã dần tháo gỡ được những khó khăn. Bên cạnh việc khách hàng tìm đến đặt hàng, anh không ngồi một chỗ chờ khách hàng, mà tự chủ động tìm đến khách hàng. Song song đó, nhiều ưu đãi về giá cho khách đặt hàng cũng như việc tạo dựng uy tín bằng cách luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, tay nghề cũng được anh đặt lên hàng đầu. Chỉ hơn một năm sau, cơ sở của anh đã được nhiều người biết đến, người này giới thiệu người kia, đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn nên cơ sở của anh dần dần tạo được uy tín, được nhiều khách hàng tìm đến. Cùng với đó, anh tích cực nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường để có những bước tiến tiếp theo.
Từ những thành công ban đầu, anh từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Từ chỗ cơ sở chỉ có 30m2, đến nay Cảnh đã mở rộng thêm trên 250m2. Cơ sở đã có đến 4 nhân công thợ, trong đó 2 thợ chính với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/ tháng cùng 2 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại địa phương được anh nhận dạy nghề miễn phí mà còn trả lương để hỗ trợ thêm cho cuộc sống gia đình các bạn. Xúc động chia sẻ thêm về câu chuyện được giúp đỡ, em Nguyễn Văn Minh, quê An Giang nghẹn ngào nói: “Bản thân em cùng gia đình rời quê An Giang lên Tây Ninh mưu sinh. Hằng ngày, em làm nghề cá kiếm sống. Được anh út Cảnh cảm thương nhận em về dạy nghề miễn phí, rồi còn trả lương để em phụ giúp gia đình thêm nữa, bản thân em rất cảm ơn tình cảm của anh Cảnh.”
Không chỉ là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, Nguyễn Tuấn Cảnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội của địa phương và là một trong những thành viên tích cực trong câu lạc bộ khởi nghiệp của huyện Tân Châu. Chị Phan Mộng Tuyền – Phó Bí thư Xã đoàn Tân Thành cho biết: “Với vai trò Phó Bí thư Chi đoàn ấp Tân Thuận, xã Tân Thành anh luôn nhiệt tình, năng động và gương mẫu. Với nhiệm vụ được giao, anh luôn mang theo kinh nghiệm và cả khát vọng vươn lên làm giàu của tuổi trẻ để truyền đạt tới đoàn viên thanh niên địa phương tham gia phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, tích cực vận động thanh niên địa phương cùng chung tay tham gia các hoạt động tình nguyện.”.
Mặt khác, từ khi cơ sở sản xuất cửa sắt của anh hoạt động hiệu quả, hàng năm, bản thân anh luôn trích kinh phí từ nguồn thu nhập để hỗ trợ cho các hoạt động của chi đoàn như: thăm tặng quà gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, người già neo đơn. Đặc biệt là từ cái nghề của chính mình anh sửa chữa lại nhà miễn phí cho hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Với những thành quả đó, Nguyễn Tuấn Cảnh vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức, cùng nhiều giấy khen tiêu biểu khác trong các hoạt động phong trào Đoàn – Hội của huyện nhà.
Nhật Khang
Ý kiến bạn đọc