Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Tố Hữu có lẽ là nhà thơ có nhiều bài thơ, câu thơ về Đảng hơn cả. Ông được mệnh danh là ngọn cờ đầu của nền văn học cách mạng, các tác phẩm của ông giống như một biên niên sử của mỗi chặng đường dân tộc trong thế kỉ XX. Theo thống kê của tác giả bài viết, hình tượng Đảng đi vào tất cả 17 bài thơ của Tố Hữu với 50 lần xuất hiện, bao quát một hành trình dài 50 năm làm thơ của ông, từ năm 1937 (bài Từ ấy) cho đến năm 1987 (bài Đảng và thơ).
Từ năm 18 tuổi, người thanh niên Nguyễn Kim Thành đã cảm nhận được lí tưởng sống cao đẹp mà Đảng mang đến cho mình, khẳng định chân lí và con đường cách mạng mà người đảng viên sẽ đi theo trọn cuộc đời: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim (Từ ấy). Việc giác ngộ, tin tưởng và đi theo Đảng là cả một quá trình nhận thức, tìm hiểu, thử thách: Hai mươi năm xưa/ Khát khao ánh sáng/ Tôi đi tìm Đảng/… Ờ cách mạng phải đâu là đùa bỡn/ Khi đời ta vỗ cánh bay lên/ Một thanh niên/ Thành một đảng viên/ Đảng ta đó. Người thợ in hiền hậu/ Đến bên tôi/ Trên đường chiến đấu/ Đảng ta thêm đồng chí hôm nay (Từ đêm nay, 1958). Như đã nói, thơ Tố Hữu giống như cuốn biên niên sử của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX, vì thế, khi viết về Đảng cũng là sự tái hiện lịch sử Đảng, từ những ngày đầu trứng nước cho đến khi Đảng khẳng định được vai trò và sứ mệnh lịch sử trong lòng dân tộc Việt Nam: Thuở anh chưa ra đời/ Trái đất còn nức nở/ Nhân loại chửa thành người/ Đêm ngàn năm man rợ/… Những đầu lên máy chém/ Nhìn đao phủ hiên ngang/ “Muôn năm Đảng Cộng sản/ Chào Xô-viết Liên bang”/ Ơi người anh dũng cảm/ Lũy thép sáng ngời ngời/ Đây Việt Nam tháng Tám/ Em Liên Xô tháng Mười (Bài ca tháng Mười, 1950). Nhà thơ hơn một lần khẳng định vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô và Cách mạng tháng Mười: Cách mạng tháng Mười/ Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó/ Với Lê-nin, làm lại loài người/ Với Lê-nin, làm thế kỉ hai mươi/ Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực (Với Lê-nin, 1958). Hình tượng Đảng gắn liền với hình tượng Bác Hồ, luôn đặt trong sự ca ngợi, kính yêu, tự hào, trang trọng: Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại (Sáng tháng Năm); Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận/ Có Đảng ta đây, có Bác Hồ (Theo chân Bác); Bạc phơ mái tóc người cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Ở đây, ta thấy có sự gặp gỡ giữa Tố Hữu và Chế Lan Viên khi viết về Đảng cũng đồng thời là viết về Bác: Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên).
Tố Hữu khẳng định sức mạnh của Đảng luôn gắn liền với sức mạnh của nhân dân, không thể tách rời nhân dân. Nhân dân làm nên Đảng. Nói cách khác, Đảng được khai sinh từ nhân dân: Hãy rèn luyện những tâm hồn gang thép/ Và đứng lên/ Tin ở sức mình/ Không sợ gian nan/ Không sợ thần linh/ Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân - thần thánh/ Và chỉ Đảng làm nên sức mạnh/ Cho ta đôi cánh/ Bay tới chân trời (Trước Kremlin, 1958).
Bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng (257 câu), một trong những bài thơ dài nhất của Tố Hữu, có thể xem là một bản hùng ca, có giá trị tổng kết một chặng đường dài, trong đó thể hiện rất nhiều tình cảm, trạng thái, cung bậc, các góc nhìn khác nhau về Đảng, tất cả nhằm làm nổi bật tình yêu với Đảng. Đảng đi từ giai đoạn đầu còn non nớt sơ khai đến chỗ phát triển lớn mạnh: Đảng ta, con của phong trào/ Mẹ nghèo mang nặng khổ đau khôn cầm/ Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương, sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay. Tố Hữu ca ngợi sức mạnh lớn lao và khả năng tập hợp quần chúng của Đảng, đã mang về đầy đủ quyền lợi cho nhân dân: Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta Mác Lê-nin vĩ đại/ Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người. Tố Hữu tiếp tục khẳng định lòng thủy chung với Đảng và mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với dân: Sống cùng Đảng chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu/… Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn, quên đau/… Ơn người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con…/ Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình.
Đảng đi từ cái chung đến những câu chuyện riêng, trong những góc tưởng chừng riêng tư nhất - tình yêu đôi lứa - nhà thơ vẫn không quên nghĩ về Đảng: Mà nói vậy: “Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu/ Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”/ Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí (Bài ca xuân 1961). Câu chuyện về những con người cụ thể, những cuộc đời có thật, cũng thể hiện sự gắn bó tha thiết với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, như những câu thơ viết về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Đã vang dội. Và ánh đôi mắt sáng/ Của anh đã chói ngời trên báo Đảng (Hãy nhớ lấy lời tôi, 1964). Tố Hữu đã nói những lời cám ơn Đảng tha thiết, chân thành: Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn ngàn năm chan chứa ân tình/ Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn bạo chúa/ Kiếp tì nô vùng dậy chém nghê kình (Chào xuân 67); Cảm ơn Đảng của chúng ta/ Đảng làm ra ánh sáng (Bài ca xuân 68). Cũng như nhiều nhà thơ cùng thời, Tố Hữu khẳng định về vai trò giáo dục của Đảng cho mỗi con người, làm cho mỗi cuộc đời sang trang mới: Đảng dạy tôi biết ngửng đầu, đứng dậy/ Vững hai chân, đứng thẳng, làm người/ Tôi đi tới, với bạn đời, từ ấy/ Đến hôm nay mới thấy trọn vùng trời/… Xứ sở mình có đủ nắng quanh năm/ Cuộc sống ấm ân tình, với Đảng/… Lịch sử sang trang/ Đại hội Đảng mở mùa vui. Phơi phới (Với Đảng, mùa xuân, 1977); Từ vô vọng, mênh mông đêm tối/ Người đã đến. Chói chang nắng dội/ Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu/ Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu/.../ Đời vui thế, khi ta làm chủ/ Anh em ơi, đồng chí mình ơi!/ Trẻ lại rồi, thế kỉ 20/ Và trẻ mãi, mỗi người/ Một nhành xuân, của Đảng (Một nhành xuân, 1980 - tặng Đảng thân yêu tròn 50 tuổi). Vào năm tròn 50 tuổi Đảng, Tố Hữu đã xúc động viết một bài thơ 8 câu như một lời tâm sự chân thành. Đảng đã mang lại một nguồn cảm hứng thơ ca dào dạt trong ông: Tròn 50 tuổi: Đảng và thơ/ Từ ấy hồn vui mãi đến giờ/ Mái tóc pha sương chưa cạn ý/ Con tằm rút ruột vẫn còn tơ/ Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả/ Nghĩa lớn xuôi dòng lộng ước mơ/ Một nửa đường thôi. Còn bước tiếp/ Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ (Đảng và thơ, 1987).
Không chỉ thi ca, mà nhiều ca khúc cũng viết về Đảng, song nổi tiếng hơn cả, được trình diễn nhiều, có ca từ hay và giai điệu đẹp, được đông đảo quần chúng đón nhận, phải kể đến 6 ca khúc theo trình tự thời gian như sau: Đảng Lao động Việt Nam (Đỗ Minh, 1951), Đảng cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên, 1957), Đảng là cuộc sống của tôi (Nguyễn Đức Toàn, 1976), Màu cờ tôi yêu (Phạm Tuyên - Diệp Minh Tuyền, 1979), Lá cờ Đảng (Văn An, 1980), Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi (Huy Du, sau 2000).
Điểm thú vị là ở chỗ, tất cả các ca khúc trên đều được viết với điệu thức trưởng chứ không hề dùng điệu thức thứ. Điệu thức trưởng mang đến âm hưởng tươi sáng, lạc quan, khỏe khoắn, vui tươi. Về mặt biểu hiện đường nét giai điệu và ca từ trong từng ca khúc, mỗi tác giả có một cách diễn đạt và khai thác riêng. Bài Đảng Lao động Việt Nam có nhịp điệu vừa phải, ca từ mộc mạc chân thành. Bài Đảng cho ta một mùa xuân có nhịp điệu nhanh hơn, rộn ràng với nhịp 3/8. Bài Màu cờ tôi yêu cũng kí âm với nhịp 3/8 nhưng cách thể hiện ca khúc lại mềm mại, nhịp nhàng hơn, thích hợp với áo dài và múa phụ họa, có thể thể hiện như một điệu valse. Bài của Nguyễn Đức Toàn có cách thể hiện tự sự, sâu lắng, nhịp điệu chậm rãi. Bài của Văn An nhịp điệu vừa phải, chất tự sự xen lẫn niềm tự hào. Nếu như Nguyễn Đức Toàn là tự sự hướng vào trong thì Văn An là tự sự hướng ra ngoài. Trong diễn biến ca khúc của Văn An có sự thay đổi về sắc thái: chậm rãi nhẹ nhàng ở đoạn trước và mạnh mẽ tha thiết ở đoạn sau. Bài của Huy Du có nhịp điệu nhanh hơn cả, được trình bày như một hành khúc, chuyên dùng cho đồng ca, tốp ca chứ ít thấy đơn ca. Tính chất biểu đạt của các khúc mạnh mẽ và hào sảng. Có thể nói, chính tình cảm với Đảng, sự yêu mến, thủy chung và lòng tự hào phơi phới đã làm nên âm hưởng, nhịp điệu, tiết tấu của những ca khúc viết về Đảng.
Nhìn lại, “Đảng” từ chỗ là một danh từ chung, nay được sử dụng như một danh từ riêng, có giá trị đại diện cho toàn bộ tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật từ trước đến nay, Đảng luôn gắn với những sắc thái tích cực, tôn kính, tin yêu, trang trọng. Các văn nghệ sĩ có nhiều dụng công tìm tòi sáng tạo khi biểu hiện về hình tượng Đảng trong thơ và nhạc, mỗi người có cách biểu đạt riêng. Các tác phẩm ra đời và được công chúng đón nhận vừa là thành quả sáng tác nghệ thuật, vừa khẳng định được giá trị tinh thần của tác phẩm, vừa bộc lộ tấm lòng, tình yêu của văn nghệ sĩ với Đảng, với Bác Hồ, với dân tộc./.
Nguồn:tuyengiao.vn
Châu Minh