Kỷ niệm 80 năm Mặt trận Việt Minh ra đời và Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941 –2021)

Thứ năm - 18/03/2021 03:37 68 0

Kỷ niệm 80 năm Mặt trận Việt Minh ra đời và Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941 –2021)

Kỷ niệm 80 năm Mặt trận Việt Minh ra đời và Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941 –2021)

Mùa xuân năm 1941 là một mùa xuân đặc biệt trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của cả dân tộc Việt Nam, đó là mùa xuân mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh  trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba khắp năm châu để tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, trở về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, để từ đó, đất nước ta liên tiếp giành được thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41 Trắng rừng biên giới nở hoa mơ Bác về... Im lặng. Con chim hót Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

                             (Trích bài thơ: Theo chân Bác – Tố Hữu)

Bác về nước đúng vào mùa xuân - mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941.

Ngày 5-6-1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó mới 21 tuổi chỉ với hai bàn tay trắng nhưng với tình yêu đất nước cùng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã quyết chí ra đi tìm con đường để giải phóng cho dân tộc để rồi đến năm 1941 Người trở về đất nước sau 30 năm bôn ba khắp bốn bể năm châu, đó là một chặng đường dài với biết bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, tư tưởng, từ thân phận nô lệ trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường và sáng tạo. Nhưng điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc là sự trưởng thành đó gắn liền với vận mệnh của đất nước.

Trong hành trình tìm đường cứu nước của mình, Người đã sang Pháp và hầu hết các nước Âu, Mỹ và những nơi được coi là “tự do, bình đẳng, bác ái”. Trải qua đủ các nghề để kiếm sống và hoạt động như: Thuỷ thu, bồi bàn, đánh giày, thợ ảnh, làm báo... cũng như tiếp xúc đủ mọi giới trong xã hội phương Tây, sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ như: tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc... sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách quê người, Người đã rút ra một số kết luận sâu sắc và quan trọng là: Dù ở đâu, người dân mất nước đều khổ nhục như nhau, đều bị áp bức, bóc lột. Trong thời gian này, Người cũng rất tích cực hoạt động trong Đảng xã hội Pháp và chính Người đã tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp (1920). Đồng thời Người là chủ bút của một số tờ báo gây được sự chú ý của dư luận thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa, điển hình là tờ báo “Người cùng khổ”.

Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và giành thắng lợi là một sự kiện chính trị cực kỳ to lớn, mở ra một thời đại mới của nhân loại, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh và hiệu triệu các dân tộc thuộc địa bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1920, Người bắt gặp Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc, bởi sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, cuối cùng Người đã tìm được con đường cứu nước để giải phóng dân tộc, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng tháng Mười Nga, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Từ đó, Người ra sức tìm mọi cách để đưa chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản đó về trong nước mà trước hết là thông qua việc mở các lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước tại Quảng Châu – Trung Quốc, sau đó đưa các thanh niên này về nước thực hiện phong trào “vô sản hóa” để cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng đấu tranh với công nhân, qua đó truyền bá tư tưởng cứu nước theo khuynh hướng vô sản vào trong nước và thông qua việc viết sách, báo để bí mật đưa về nước.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn khao khát sớm trở về Tổ quốc. Sự kiện Pháp đầu hàng phát xít Đức tháng 6/1940, theo Người là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi! Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người Ba mươi nǎm ấy, chân không nghỉ Mà đến bây giờ mới tới nơi!

(Trích bài thơ: Theo chân Bác – Tố Hữu)

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pắc Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng. Người không khỏi bồi hồi xúc động, đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn mảnh đất thân thương với đôi mắt ngấn lệ. Đất trời đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng. Đất nước trải qua bao đau thương mà vẫn đẹp một cách kỳ lạ, vẫn hồng hào sức sống bất diệt của hàng ngàn năm lịch sử. Ngày 8/2/1941, Người đến sống và làm việc tại Hang Cốc Bó, thôn Pác Bó. Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu, đến ở hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là hang Ðầu nguồn). Phía dưới, cách cửa hang chừng 50 mét có con suối nước rất trong được Người đặt tên là “Suối Lê-nin”. Một ngọn núi cao bên bờ suối được Người đặt tên là “Núi Các Mác”. Những cái tên thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Cũng từ đó Pác Bó đã trở thành trung tâm đầu não, là "đại bản doanh" của cách mạng Việt Nam. Tại đây Người đã chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Hội nghị đã làm việc từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 tại một cái lán bên dòng Khuổi Nậm (Pác Bó), Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt: Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Người và Trung ương Đảng đã quyết định thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), một tổ chức cách mạng có vai trò to lớn trong việc tập hợp, động viên lực lượng cách mạng, thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương và giúp đỡ việc lập mặt trận các các nước Lào, Campuchia. Hội nghị nhất trí cần giương cao ngọn cờ độc lập và có sự thay đổi cả về chiến lược, sách lược cách mạng nhằm động viên toàn dân cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn lao ấy. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[1]. Cũng tại nơi đây, Người đã sáng lập ra tờ báo "Việt Nam độc lập" là tờ báo đầu tiên của Mặt trận Việt Minh.

Hội nghị cũng đã đề ra nhiều biện pháp về tư tưởng, chính trị và tổ chức để động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta để tập trung tất cả sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mặt trận Việt Minh ra đời với Tuyên ngôn và Chương trình cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước:

1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;

2. Làm cho dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do[2]

Đây là một quyết sách đúng đắn và sáng tạo, một sự chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời trong tư tưởng chính trị của Đảng ta trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối cách mạng Hồ Chí Minh.Và cũng chính mùa xuân đầu tiên ấy, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, Người đã cho ra đời bài thơ xuân tuyệt tác tựa đề Pác Bó hùng vỹ:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là,

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng đặc biệt coi trọng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, một bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa chuyển sang xây dựng thành những đội du kích, hoạt động ở căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.

Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa” và Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc xã Tam Kim, Nguyên Bình). Sau khi ra đời, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Căn cứ Cao - Bắc - Lạng được củng cố và mở rộng.

Dưới sự lãnh đạo của Bác và của Đảng ta, công cuộc chuẩn bị vẫn tiếp tục cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hoà, đưa dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân tự do làm chủ nước nhà; mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, thắng lợi của tư tưởng đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”[3]. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đó là một trong những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX và rồi để đến ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố “Tuyên ngôn độc lập”, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[4]

Triển lãm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật gắn với những hoạt động của Bác Hồ tại Cao Bằng

80 mùa xuân đã trôi qua từ ngày đầu tiên Bác trở về nước sau gần 30 năm xa cách, nhưng hình ảnh ấy vẫn mãi không phai nhòa trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 91 năm xây dựng và phát triển, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng nên những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, Nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1945) đánh thắng hai đế quốc lớn là thực dân Pháp (1954) và đế quốc Mỹ (1975) và đưa Nhân dân tiến lên trên con đường đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đang ra sức thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng ở nước ta một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước, và trong khi dịch Covid-19 diễn ra thế giới có trên 90 triệu ca nhiễm bệnh và gần 2 triệu người tử vong vì dịch bệnh thì Việt Nam là nước trong số ít các quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong thấp, đó là trên 1500 ca nhiễm và 35 ca tử vong, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nước có tỷ lệ tăng trưởng âm thì Việt Nam chúng ta cũng là một trong số những nước có mức tăng trưởng dương và GDP năm 2020 tăng 2,91%, có được kết quả đó chính là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đồng lòng, chung sức của toàn dân ta.

Hiện nay, cả nước đang hân hoan, phấn khởi tổ chức các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội đoàn kết – dân chủ - kỷ cương – sáng tạo – phát triển. Khẳng định quyết tâm giữ vững niềm tin và khát vọng theo Đảng. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển toàn diện đất nước, hoàn thành mục tiêu mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn: ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

Th.s Lê Thị Thúy Hà – Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng,

Th.s Bùi Thị Diệp - Giảng viên Khoa xây dựng Đảng,

Trường Chính trị Tây Ninh.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.113
[2] Sđd, t.7, tr.470 [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.3

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.3

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,272
  • Tháng hiện tại26,073
  • Tổng lượt truy cập1,352,208
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây