Gần 7 năm qua, cứ tối đến, Nguyễn Hoàng Kim Ngân cùng các thành viên của Đội cứu nạn giao thông 911 bắt đầu "công việc không lương" của mình. Đó là trực tại chốt trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TPHCM) và mang theo túi cứu thương để sẵn sàng hỗ trợ cứu người trong trường hợp cần thiết.
Khi đội nhận được thông tin một vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn phụ trách, Ngân và các thành viên sẽ đến thực hiện nhiệm vụ về y tế. Các thành viên trong nhóm sẽ nhận định vết thương ban đầu để có cách sơ cứu phù hợp. Trường hợp cần thiết, các thành viên sẽ đi theo xe cấp cứu vào bệnh viện để hỗ trợ người bị nạn.
Kim Ngân cho biết, năm 2012, chị gái của Ngân gặp tai nạn giao thông và không qua khỏi. Đây là bước ngoặt khiến cô quyết tâm giúp đỡ người bị nạn để đưa họ đến bệnh viện kịp thời. Thời điểm đó, Ngân tình cờ biết được một nhóm sơ cấp cứu ở tỉnh Đồng Nai nên đến đây xin hỗ trợ, học tập trong 6 tháng.
Năm 2017, cô quyết định thành lập đội cứu nạn giao thông tại nơi mình sống. Nhớ lại thời gian đầu thành lập nhóm, Ngân cho biết, nhiều người dân nghi ngờ về mô hình hoạt động của đội, có thành viên trong đội còn bị người nhà hiểu lầm…
"Thời gian đầu, nhóm em đi tuần tại các tuyến đường được xem là "điểm nóng" về tai nạn giao thông trên địa bàn và vá xe giúp người dân, cũng như hỗ trợ sơ cứu thương hoàn toàn miễn phí.
Khi nhóm phát danh thiếp để ai cần hỗ trợ thì gọi, nhiều người dân không tin, một số người còn nghi ngờ, cho rằng "làm gì có ai tốt như vậy". Chưa kể, nhiều hôm người nhà nạn nhân lao vào hành hung vì tưởng nhóm em gây tai nạn. Khi giải thích được thì mình đã bị đánh rồi", Kim Ngân kể.
Nhờ sự nỗ lực kiên trì và tinh thần thiện nguyện, Đội cứu hộ của cô đã được nhiều người biết đến, chủ động liên hệ vào đường dây nóng khi phát hiện tai nạn giao thông trên đường. Từ đầu năm đến nay, Đội đã hỗ trợ hơn 300 vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM.
Hiện nay, Ngân đang làm nhân viên bán hàng cho một công ty tư nhân và đang học Y sĩ đa khoa tại trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn. Các thành viên trong đội cũng làm đa dạng ngành nghề như tài xế, bảo vệ, công nhân, sinh viên…
Mỗi người một công việc, thời gian làm việc khác nhau nhưng họ có chung tinh thần thiện nguyện. Tất cả thành viên của đội đều được đào tạo, cấp chứng chỉ sơ cấp cứu tại Tổ chức Giáo dục sức khỏe WellBeing.
Nguyễn Phương Chiến, một thành viên Đội cứu nạn giao thông 911, cho biết, trong một chuyến đi giao hàng, Chiến tình cờ chứng kiến một vụ tai nạn giao thông và vội vàng tìm số gọi cho Đội cứu nạn giao thông 911. Khoảng 10 phút sau, Ngân nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Ban đầu, Chiến có chút e dè vì thấy cô gái trẻ đến một mình. Nhưng khi chứng kiến Kim Ngân thực hiện các thao tác sơ cấp cứu một cách chuyên nghiệp và bình tĩnh, Chiến đã rất ngưỡng mộ. Từ đó, Chiến xin được tham gia Đội.
"Bản thân em lúc trước rất sợ máu, chỉ cần một vết xước nhỏ cũng khiến em lo lắng. Nhưng khi làm việc cùng chị Ngân và cả đội, em đã dần vượt qua nỗi sợ hãi của mình và học được nhiều kỹ năng sơ cứu. Những ngày đầu, em tham gia chỉ vì cảm thấy thích thú. Thế rồi, đi riết bây giờ thành 5 năm gắn bó", Chiến chia sẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc