Đồng cảm
Các vấn đề liên quan đến quyền được phát triển của trẻ em là một trong những mối quan tâm chính của pháp luật quốc tế, cũng như pháp luật Việt Nam.
Hiện nay tại nước ta, ngoài các cơ quan có thẩm quyền, nhiều cá nhân, tổ chức cũng có những đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Một trong số này là Ths Công tác xã hội Trần Minh Hải.
Với mong muốn bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền được phát triển của trẻ em nói riêng, suốt 30 năm qua, Ths Hải đã đi khắp mọi miền đất nước, 27 quốc gia trên thế giới để học hỏi, tìm tòi và thực hiện những điều tốt đẹp cho trẻ em.
Anh Minh Hải đến với công tác hỗ trợ, bảo vệ trẻ em từ lúc vừa tốt nghiệp cấp 3. Năm ấy, sau khi thi trượt đại học, anh ở lại TPHCM để vừa xin việc làm vừa ôn thi.
Giai đoạn này, anh thường lang thang ngoài đường phố để tìm hiểu, khám phá cuộc sống của người dân. Trong những lần như vậy, anh đã gặp gỡ, quan sát và thấy mình đồng cảm với những đứa trẻ bụi đời.
Một lần, trong lúc mở mảnh giấy báo cũ bọc bên ngoài gói xôi để ăn lót dạ, Ths Hải bị thu hút bởi những dòng chữ. Đó là mẩu tin tuyển dụng giáo dục viên đường phố trong một dự án của tổ chức phi chính phủ đến từ Thụy Sĩ.
Hiếu kỳ và thấy mình phù hợp với công việc, anh viết thư xin ứng tuyển. Sau nhiều vòng phỏng vấn, thử thách, anh được tổ chức trên ký hợp đồng làm việc.
Được nhận, chàng thanh niên gần như dành hết thời gian ở ngoài đường phố. Từ 1993 -1997, anh Hải vừa làm trưởng nhóm nhân viên xã hội 4 người ở Câu lạc bộ Cầu Muối (nay là mái ấm Tre Xanh, quận 1, TP.HCM) vừa học thêm ngành Phụ nữ học, tiền thân của ngành Công tác xã hội ở Việt Nam tại trường Đại học Mở TPHCM.
Suốt thời gian này, anh vừa học vừa tiếp cận, làm việc với những đứa trẻ bụi đời tại chợ Cầu Muối, chợ Xóm Chiếu, chợ Bến Thành,…
Ths Hải gặp gỡ trẻ em đường phố, dân giang hồ nhiều đến nỗi được cộng đồng đặt biệt danh Hải “Cầu Muối”. Có khiếu tiếp xúc, luôn đến với trẻ em đường phố bằng trái tim nồng ấm, anh sớm được những đứa trẻ lang thang tin tưởng.
Anh chia sẻ: “Khi tiếp cận những đứa trẻ đường phố, tôi luôn nhìn nhận, tìm kiếm mặt tích cực, thế mạnh của mỗi em. Tôi nhìn đứa trẻ ở giá trị con người, chứ không quan tâm quá khứ và không bao giờ dán nhãn xem thường lên các em”.
Cách tiếp cận ấy giúp anh Hải đến gần hơn và thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của những đứa trẻ bụi đời. Từ đó, anh và cộng sự tìm ra phương hướng hỗ trợ tốt nhất cho các em.
"Lá chắn" cho trẻ bụi đời
Năm 2000, anh Hải nhận được học bổng tham dự khóa đào tạo công tác phát triển cộng đồng 3 tháng ở Viện Xã hội châu Á, tại Philippines.
Sau khóa học, trở về Việt Nam, Ths Hải giữ vị trí Chủ nhiệm mái ấm Tre Xanh, quản lý nhiều dự án về trẻ em đường phố tại TPHCM. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu đi dạy các khóa học kỹ năng xã hội trên khắp cả nước.
Chia sẻ về kinh nghiệm giúp đỡ, kéo những đứa trẻ bụi đời ra khỏi cuộc sống lang thang trên đường phố, tệ nạn xã hội, Ths Hải cho biết mình dành nhiều thời gian trong ngày để quan sát. Sau khi nắm bắt thói quen sinh hoạt của các em, anh thường đợi đến đêm khuya mới tiếp cận.
Lúc này, anh tạo khung cảnh, cơ hội tiếp cận một cách đầy ngẫu nhiên để làm quen. Sau 1 - 2 lần như vậy, anh xây dựng được tình bạn với những đứa trẻ bụi đời. Khi được tin tưởng, anh Hải giới thiệu cho các em một cách nhẹ nhàng, cuốn hút về những mái ấm, câu lạc bộ giúp đỡ trẻ đường phố.
Anh mời các em đến tham gia những hoạt động vui chơi, giải trí miễn phí tại mái ấm. Thông qua hoạt động này, anh và đồng nghiệp lồng ghép những câu chuyện mang tính giáo dục để gửi đến trẻ bụi đời.
Song song với đó, anh giới thiệu những lợi ích của mái ấm như: Được tắm, ăn uống, đọc sách, xem TV miễn phí với mục đích hướng các em từ bỏ công việc, cuộc sống thiếu lành mạnh ngoài đường phố.
“Cuối cùng, chúng tôi giới thiệu cho các em một số ngành nghề bằng cách cho xem những đoạn video. Các em xem và tự chọn ngành nghề yêu thích, phù hợp với mình. Các em chọn được nghề, muốn đi học, chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các em đi học.
Vì các em xuất phát từ trẻ đường phố, khi vào học nghề, chúng tôi có nhân viên tiếp cận hàng ngày để quan sát, hỗ trợ. Nhân viên có nhiệm vụ đồng hành cùng các em và liên hệ với chủ cơ sở dạy nghề để sớm phát hiện, can thiệp những tình huống không mong muốn.
Sau cùng, chúng tôi tạo cơ hội cho các em có việc làm, tự nuôi sống bản thân để hòa nhập với cộng đồng”, anh Hải cho biết.
Bằng cách này, anh Hải và những người đồng hành đã giúp đỡ hàng ngàn trẻ đường phố, kéo hàng trăm trẻ bụi đời thoát khỏi ma túy, tù tội. Nhiều trong số những đứa trẻ bụi đời từng được “thầy Hải” giúp đỡ đã trở thành người thành đạt, có ích cho xã hội.
Nổi tiếng nhất trong số này là anh Phùng Ngọc Phong. Tuổi 16, anh Phong thành danh “Phong thổ địa” ở khu vực Cầu Muối. Phong có đàn em và cùng nhau trấn lột, xin đểu, trộm cắp,... để có tiền tiêu xài.
Sau khi được Ths Hải hỗ trợ, Phong quyết tâm thay đổi cuộc đời, học nghề sửa chữa ô tô. Hiện, anh là chủ một gara ô tô uy tín tại TPHCM. Anh Phong còn thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố.
Ngoài anh Phùng Ngọc Phong, Ths Hải cũng “bẻ lái” cuộc đời anh Trần Minh Thức, quê Long An. Anh Thức bỏ nhà đi, thành trẻ bụi đời từ năm 16 tuổi. Lang bạt khoảng một năm, Thức được Ths Hải tiếp cận và thuyết phục về mái ấm Tre Xanh.
Sau một thời gian học nghề sửa xe máy, khi biết anh còn gia đình, Ths Hải đã đưa anh tìm về đoàn tụ. Sau này, anh Thức sang tỉnh Đồng Tháp sinh sống, gây dựng sự nghiệp và trở thành doanh nhân thành công tại đây.
"Tôi không mong các em ghi ơn và trả ơn. Nhưng những dịp quan trọng trong năm, tôi vẫn được các em nhớ đến, hỏi thăm, chúc mừng,… Những điều đó khiến tôi rất vui.
Tôi còn hạnh phúc hơn khi biết nhiều em mà mình từng hỗ trợ khi thành công đã tìm cách chung tay, chăm lo cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn", Ths Hải tâm sự.
Theo Vietnamnet
Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc