Những người thầy âm thầm 'gieo chữ'

Thứ năm - 14/11/2024 08:42 12 0

Những người thầy âm thầm 'gieo chữ'

Ngày qua ngày, “thầy giáo” quân hàm xanh vẫn đều đặn đứng trên bục giảng "gieo chữ" cho trẻ em nghèo của lớp học tình thương trên địa bàn đóng quân. Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Đại úy Trần Văn Cảnh (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức) trực tiếp đứng lớp giảng dạy và đồng hành cùng các em suốt những năm học qua

1. Hơn 10 năm qua, tiếng ê a đánh vần của các em nhỏ lớp học tình thương trên địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, vẫn đều đều vang lên. Lớp học do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Cảng Bến Lức trực tiếp giảng dạy. Học trò của lớp đa phần là con của công nhân đang làm việc trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn của huyện Bến Lức. Quê quán từ nhiều tỉnh khác nhau như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu,... do điều kiện kinh tế khó khăn, các em xa quê nhà theo cha mẹ đến Bến Lức mưu sinh. Con đường đến trường vì thế cũng dở dang.

Năm 2012, lớp học tình thương được thành lập tại nhà trọ Duy Quý (thị trấn Bến Lức), trở thành nơi các em đến tìm chữ. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm học tập, năm học 2024-2025, lớp học được chuyển đến Trường Tiểu học Thuận Đạo (khu phố 6, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức). Trong thời gian đầu, chỉ vài em theo học, tình nguyện đứng lớp khi đó là một giáo viên đã nghỉ hưu. Năm 2013, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu Cảng Bến Lức phối hợp tham gia trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền gia đình cho các em theo học để xóa mù chữ và tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, hiện tại, lớp có 72 em theo học với 5 lớp (lớp 1 đến lớp 5), độ tuổi từ 7-15 tuổi.

Theo Đại úy Trần Văn Cảnh, "thầy giáo" quân hàm xanh trực tiếp đứng lớp, thời gian đầu nhận lớp gặp nhiều khó khăn về kỹ năng sư phạm nhưng nhờ sự động viên, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chỉ huy đơn vị, sự chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy từ giáo viên các trường học trên địa bàn, nhất là phụ huynh tin tưởng cho con em theo học, lớp học ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Các em từ chưa biết đọc, biết viết nay đã đọc, viết thành thạo và biết làm toán. “Đó là động lực để những người "thầy giáo" quân hàm xanh tiếp tục đồng hành cùng các em trên con đường học tập, xóa mù chữ” - Đại úy Trần Văn Cảnh nói .

Từ năm 2012 đến nay, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp giảng dạy tại các lớp học tình thương với 1.154 học sinh. Tất cả các em đều được công nhận xóa mù chữ. Hiện các đơn vị phối hợp tổ chức dạy 11 lớp/124 học sinh từ 7-17 tuổi, từ lớp 1 đến lớp 5. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên vận động nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cơ sở vật chất, quà tặng, khen thưởng, dụng cụ học tập, quần áo, giày dép cho các em; phối hợp ngành Giáo dục của địa phương hỗ trợ chuyên môn và xác nhận kết quả học tập của các em.

2. Một phòng học thuộc điểm trường số 2 của Trường Tiểu học và THCS Hưng Điền A (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) là nơi duy trì lớp học tình thương đều đặn từ năm 2012 đến nay. Những "thầy giáo" quân hàm xanh là cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bến Phố thầm lặng "gieo chữ" cho học sinh nghèo hay không đủ điều kiện về giấy tờ nhập học các trường trong hệ thống giáo dục quốc gia, đang sinh sống trên địa bàn đóng quân của đơn vị.

Học sinh của lớp học tình thương là con em thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn, một số là con các gia đình gốc Việt, di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống. Chung hoàn cảnh khó khăn, không nhà cửa, ruộng vườn, cha mẹ không nghề nghiệp ổn định, không đầy đủ giấy tờ nên con đường đến trường học chữ của các em xa vời vợi. Thấy vậy, cán bộ ĐBP Bến Phố vận động cha mẹ cho các em đến lớp học tình thương để xóa mù chữ.

Hiện ĐBP Bến Phố cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp giảng dạy 3 lớp theo trình độ từ lớp 1 đến lớp 3 với 19 em theo học. Trải qua nhiều "chuyến đò" thầm lặng xóa mù chữ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, nhiều lứa học sinh hoàn thành chương trình học, được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cuối năm và xác nhận hoàn thành xóa mù chữ.

Binh nhất Huỳnh Công Thạnh chia sẻ: "Thời gian đầu khi về đơn vị, được phân công đứng lớp giảng dạy các em, tôi hơi bối rối do chưa có nghiệp vụ sư phạm. Quá trình giảng dạy cũng gặp không ít khó khăn trong chuẩn bị giáo án, cách truyền đạt kiến thức cho các em. Nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ các thầy, cô ở các trường học trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, sự tin tưởng, động viên của cấp ủy Đảng, Ban Chỉ huy đồn, các đồng chí, đồng đội trong đơn vị, tôi có thêm niềm tin, động lực, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức sư phạm, gắn bó với lớp học, với các em đến nay”.

Với tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, vất vả, những "thầy giáo" quân hàm xanh vẫn lặng thầm mang con chữ đến với các em có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện học tập tại các trường học trên địa bàn. Những việc làm đó góp phần gắn kết hơn nữa tình cảm quân - dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.

Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay1,545
  • Tháng hiện tại42,868
  • Tổng lượt truy cập1,414,363
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây