Là địa phương có nhiều sông ngòi nhất tỉnh Hải Dương, tại huyện Thanh Hà mỗi năm thường xảy ra từ 4-5 vụ đuối nước, chủ yếu ở độ tuổi học sinh vì hay rủ nhau đi tắm sông.
Ông Ngô Bá Định, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, do địa bàn nhiều sông nước, lại thiếu các điểm tắm an toàn, nên nguy cơ đuối nước thường trực và là nỗi lo của các gia đình cũng như chính quyền địa phương.
"Hiện nhiều gia đình thiếu thời gian chăm sóc, quan tâm con cái. Các cháu 14-15 tuổi chưa được tuyên truyền, giáo dục kỹ về mức độ nguy hiểm của đuối nước. Nhiều nơi đã cắm biển cảnh báo đuối nước nhưng các cháu vẫn đến tắm. Nhiều cháu không biết bơi cũng rủ nhau đi tắm", ông Định cho hay.
Trước tình trạng báo động về đuối nước, năm 2023, Công an huyện Thanh Hà phối hợp UBND xã Thanh Lang ra mắt Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ trên sông Rạng với 7 thành viên bơi lặn giỏi, nhanh nhẹn.
Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh được thành lập xuất phát từ nhu cầu cần thiết của địa phương. Không chỉ kịp thời hỗ trợ khi phát hiện sự cố, Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ còn nhắc nhở mọi người khi đi qua phà phải đảm bảo thực hiện quy định về mặc áo phao.
UBND xã Thanh Lang đã cấp 1 chiếc xuồng máy, Công an huyện Thanh Hà tặng nhiều áo phao bơi và phao cứu sinh cho Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ trên sông Rạng thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết.
Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an huyện Thanh Hà đã tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên trong Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật ứng cứu, sơ cứu với người bị đuối nước trong tình huống cụ thể.
Thiếu tá Phạm Duy Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an huyện Thanh Hà cho biết, xã Thanh Lang có gần 7km đê, bao quanh nhiều sông nước. Thực tế tại đây đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm.
"Việc thành lập Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ trên sông Rạng là vô cùng cần thiết. Thành viên là nhân viên phà Giải và quần chúng nhân dân có nhiều kinh nghiệm sông nước biết bơi lặn, nhanh nhẹn", thiếu tá Khánh nói.
Đội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dưới sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Ban ngày, một số người làm tại bến phà Giải vừa làm việc, vừa chú ý quan sát dọc sông.
Đối với thành viên khác, sau khi kết thúc ca làm thì sẽ đi tuần để kịp thời phát hiện những hành vi nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nguyễn Văn Hiến, nhân viên bến phà Giải chia sẻ, Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ trên sông Rạng không chỉ trực làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, mà còn tuyên truyền, nhắc nhở người qua phà, đi thuyền đò trên sông phải mặc áo phao, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ.
"Đây là mô hình rất hữu ích, cần nhân rộng", ông Hiến nói.
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người tham gia giao thông, nhất là học sinh, phụ huynh đưa con em đến trường qua các đò, phà, mới đây Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương) đã đẩy mạnh tuần tra kiểm soát; kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển khách ngang sông vi phạm.
Cùng với đó, lực lượng sẽ yêu cầu chủ phương tiện chở khách nhắc nhở 100% hành khách và thuyền viên mặc áo phao trước khi cho phương tiện rời bến.
Ngoài ra, lực lượng CSGT đường thủy cũng tiến hành các công tác vận động, xã hội hóa, huy động nguồn lực để trang bị áo phao cứu sinh, cứu đắm và các dụng cụ liên quan cho các bến đò phà, phương tiện vận chuyển khách ngang sông nhằm bảo đảm an toàn về người, tài sản và phương tiện vận chuyển.
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã xử phạt hơn 200 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Trao đổi với PV, trung tá Nguyễn Văn Luân, Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở tại các bến bãi, nhất là vào mùa mưa lũ, yêu cầu chủ đò và người dân không được vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, phải bảo đảm an toàn trước khi rời bến, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm".
Theo Báo Giao Thông
Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc