Cô Phạm Thanh Huyền là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ngọc Lặc (Thanh Hóa) nên từ nhỏ cô đã thấu hiểu được những khó khăn, thiệt thòi và thiếu thốn của một đứa trẻ lớn lên ở vùng cao.
Nói về cơ duyên đến với dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" của mình, cô Phạm Thanh Huyền chia sẻ ý tưởng bắt đầu từ kiện đau buồn vào năm 2018, khi huyện Mường Lát xảy ra trận lũ lụt lịch sử làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Khi đó cuộc sống của bà con dường như rơi vào bế tắc, thiếu thốn trăm bề. Nhiều đoàn thiện nguyện và các tổ chức xã hội đã tìm về để chia sẻ khó khăn với bà con Mường Lát.
"Giữa trời đông giá rét, người dân đang gồng mình khắc phục hậu quả sau cơn lũ, cảnh vật hoang tàn,... hình ảnh những em nhỏ đi chân trần, trên người chỉ có một manh áo mỏng ám ảnh tôi đến tận bây giờ", cô Huyền chia sẻ.
Vốn là người có nhiều năm thiện nguyện (cô Huyền đã thành lập Câu lạc bộ thiện nguyện hiến máu Ngọc Lặc với 20 thành viên) gắn bó với Mường Lát, bản thân cô Huyền nhận thấy phải làm một điều gì đó có thể giúp ích bền vững cho bà con Mường Lát. Nhìn cảnh các em học sinh đến trường với nắm cơm bọc trong túi bóng, không có thức ăn,... đã gợi lên trong người giáo viên dân tộc Mường ý nghĩ mang đến cho các em học sinh những bữa cơm có thịt. Cô suy nghĩ : "Ăn đủ no, ngủ đủ giấc sẽ giúp cho các em nhỏ học tập tốt hơn, sau này sẽ xây dựng được tương lai tốt đẹp hơn".
Cô Huyền cũng các thành viên trong CLB thiện nguyện tìm cách kết nối với các mạnh thường quân, kêu gọi mọi người giúp đỡ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập,... cho các em nhỏ ở huyện Mường Lát. Điểm đến đầu tiên của là hai bản Cánh Cộng và Cá Giáng nằm ở vùng đặc biệt khó khăn của xã Trung Lý.
Đến tháng 9/2022, dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" được Câu lạc bộ thiện nguyện - hiến máu Ngọc Lặc và Đoàn khối Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Huyện đoàn Mường Lát phối hợp tổ chức. Dự án được tổ chức với mục đích tìm được người "nuôi" những em nhỏ. Theo đó, mỗi em nhỏ sẽ được tạo một mã số và được nhận nuôi bởi các nhà hảo tâm, mỗi suất ăn của các em sẽ được hỗ trợ thêm khoảng 7.500 đồng, mức hỗ trợ mỗi em khoảng 150.000 đồng/tháng và duy trì trong suốt khoảng thời gian các em đến trường. Khởi đầu dự án được tổ chức tại 3 điểm trường: Điểm Ón, điểm Lát (Trường Tiểu học Tam Chung) và Điểm Ón Mầm non Tam Chung với 70 cháu.
Cô Huyền cho biết, lúc mới bắt đầu triển khai, dự án đã tìm hiểu và khảo sát ở các điểm trường, 100% điểm trường lẻ tại Mường Lát vào thời gian đó chưa ăn bán trú nên cơ sở vật chất hầu như là con số 0. “Các em đều thiếu thốn những vật dụng sinh hoạt cơ bản nhất để sinh hoạt bán trú nên dự án đã vận động quyên góp từ những vật dụng nhỏ nhất như: thìa, bát, chậu,... đến những công trình lớn hơn như giếng nước, bếp ăn tại các điểm trường”, cô Huyền kể Tính đến nay, dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" đã hoạt động được gần 5 năm với số tiền kêu gọi quyên góp lên tới gần 20 tỷ đồng.
"Niềm vui lớn nhất những mạnh thường quân và các thành viên trong câu lạc bộ chính là được nhìn thấy các em từng ngày đến trường, ăn những bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh, có những bộ quần áo lành lặn để mặc và được khoác trên mình chiếc áo ấm khi trời trở lạnh. Chúng tôi luôn mong mỏi các em sẽ có được điều kiện tốt hơn để đến trường học con chữ, nuôi ước mong một ngày nào đó sẽ cất cánh bay lên thay đổi cuộc đời. Riêng về phần mình, chúng tôi luôn dặn lòng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong vai trò "người kết nối" để có nhiều hơn những em nhỏ tại vùng đất nghèo Ngọc Lặc, Mường Lát có cơ hội được đến trường một cách trọn vẹn", cô giáo Phạm Thanh Huyền bày tỏ.
Sau một thời gian triển khai, Dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" đã đem đến cho những em nhỏ vùng biên Mường Lát những điều kiện sinh hoạt tại trường tốt hơn. Việc ăn uống của các em được đảm bảo về sức khỏe, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm và phụ huynh cũng yên tâm hơn khi cho con đến trường. Hiện nay Câu lạc bộ thiện nguyện - hiến máu Ngọc Lặc đã thu hút hơn 100 tình nguyện viên tham gia và có nhiều hoạt động công tác xã hội ý nghĩa.
Theo Tiền Phong
Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc