Người gieo ‘mầm xuân’ nơi mây vờn đỉnh núi

Thứ ba - 13/02/2024 07:17 11 0

Người gieo ‘mầm xuân’ nơi mây vờn đỉnh núi

Cô giáo Chu Thị Tú Liên hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Dù đã ở độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu nhưng cô giáo Tú Liên lại chọn bắt đầu một hành trình mới – hành trình gieo mầm xuân nơi đỉnh núi mây vờn.

Hơn hai năm qua, người dân bản Pang Cáng, xã Suối Giàng đã quá thân thuộc với hình ảnh “bà giáo Liên” trong bộ trang phục truyền thống của người Mông, lưng đeo “lu cở” (gùi), tay cầm máy tính đến lớp. Nằm giữa lưng chừng mây, ở độ cao gần 1400m, mỗi tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần, lớp học của cô Liên lại sáng đèn. Tiếng đọc bài, tiếng giảng dạy của cô trò tạo thành thanh âm rộn rã cả một vùng.

Lớp học của cô Tú Liên dạy ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Mông và tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được cô dạy kỹ năng sống và tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống bản địa. Đặc biệt, lớp học ấy hoàn toàn miễn phí.

Nghe câu chuyện về cô giáo Tú Liên, tôi lập tức vượt hơn 200 cây số từ Hà Nội để đến thôn Pang Cáng với hy vọng gặp cô Liên và trải nghiệm lớp học. Từ thị xã Nghĩa Lộ đến lớp học chừng 14km, hầu hết là những cung đường đèo dốc, uốn khúc, tôi phải cố gắng đến trước năm giờ chiều bởi nếu muộn hơn, sẽ vô cùng nguy hiểm vì không có đèn đường. Khó khăn là vậy nhưng cung đường này đã trở thành con đường quen thuộc của cô Liên hai năm qua. Dù chưa gặp nhưng với những lần xe tôi ì ạch lên dốc, tôi đã thầm thán phục cô giáo này.

Tuy đường đi hiểm trở nhưng hai bên đường, cảnh sắc thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ: những đồi chè xanh uốn nảy lộc trải dài khắp sườn đồi, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ như những chiếc gương trời, và giữa nền xanh ấy, cả một đồi hoa đào nở rộ tô thắm sắc xuân…

Trời chập tối, tôi đến thôn Pang Cáng thì nhận được điện thoại của cô Liên, đầu dây bên kia là một giọng nói rất hào sảng. Cô thông báo rằng, vì là ngày Tết nên lớp học sẽ chuyển sang buổi sáng, sớm mai, cô sẽ từ thị xã lên bản sau. Và thế là tôi nghỉ lại một đêm tại Suối Giàng.

Lớp học gieo những “mầm xuân”

Tôi cuối cùng cũng gặp cô giáo Liên, vừa kịp chào hỏi, cô đã vội chuẩn bị cho giờ học. Gần 7 giờ sáng, những tia nắng đầu tiên vắt qua sườn núi, hoà vào làn sương thành từng vệt dài. Trong các thôn bản, những thanh âm rộn ràng của ngày Tết vang lên. Tôi ngồi trước cửa lớp học cùng cô giáo Liên chờ các em học sinh tới lớp.

Con đường từ cổng thôn Pang Cáng đến lớp học dài chừng 3 cây số, băng qua những đồi chè Shan Tuyết cổ thụ. Thấp thoáng trên đoạn dốc, tôi đã thấy những đứa trẻ tíu tít rủ nhau đi học, chúng dừng ở từng nhà, nói chuyện râm ran. Ngày Tết, các em mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, đính những vòng bạc nhỏ lấp lánh. Trên tay các em cầm theo quyển vở và cả cây sáo mèo (loại sáo truyền thống của dân tộc H-Mông). Tôi hiếu kỳ, đánh đố các em rằng vừa đi vừa thổi một bản được không, thế là âm hưởng “Xuân về trên bản Mông” vang lên, theo chân các em đến lớp.

Cô Liên đứng ở cổng nhà, đón các em. Như thường lệ, học sinh của cô sẽ chào “hello teacher!” hoặc “good morning grandma!” thay vì chào bằng tiếng Việt, thói quen này được cô Liên rèn cho các em từ những ngày đầu để các em có phản xạ dùng Tiếng Anh tốt hơn.

Lớp học gồm các em từ 9 đến 13 tuổi. Dù là ngày Tết nhưng nhận được thông báo mở lớp học, hầu hết các em đều tới lớp. Cô giáo kết nối máy tính vào chiếc màn hình lớn, tìm giáo án bài giảng hôm nay. Những đứa trẻ trong lớp chia nhau trải chiếu, lấy bàn và đồ dùng học tập. Chỉ vài phút, lớp học đã ổn định. Như thường lệ, buổi học bắt đầu bằng màn múa hát, khuấy động không khí. Các em nhảy múa trên nền nhạc Family Song, vừa vận động cơ thể, vừa học tiếng Anh. Tiếng cười nói rộn vang một vùng. “Bà giáo” Liên cùng trang phục người Mông như hòa vào cùng các em nhỏ. Giữa cô trò như không hề có khoảng cách, có lẽ đó là thứ giúp lớp học “bà Liên” đông đúc những năm qua.

Rồi trong tiết trời đầu xuân, Cô Liên chia sẻ với tôi những dự định, mong ước trong năm mới rằng Suối Giàng sẽ có một khu bảo tồn, trưng bày, bảo tồn những nét văn hoá của người Mông, sẽ có lớp dạy tin học và tiếp tục mời những giáo viên dạy trực tiếp và trực tuyến để rèn tiếng anh cho các em.

“Tâm nguyện của cô là gì?” – Tôi hỏi.

“Cô mong muốn, ít nhất có 10 em học sinh thạo tiếng Anh, nắm rõ văn hoá bản địa, cô sẽ đồng hành với các em cho đến khi xong đại học để các em quay về bản, phát triển quê hương, xây dựng đất nước.”

Hoàng hôn dần buông xuống, sương lại giăng kín Suối Giàng. Tôi lại vượt một chặng đường dài để trở về Hà Nội, và tôi biết, có một chặng đường dài hơn nơi mây vờn đỉnh núi kia, trong những “mầm xuân” của “bà Liên”, sẽ có những bông hoa nở rộ một vùng Tây Bắc.

“Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”, chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong xin chúc cho các thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục, giảng dạy một năm mới nhiều sức khoẻ, nhiệt huyết và thành công!

Theo SVVN

Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay1,816
  • Tháng hiện tại43,139
  • Tổng lượt truy cập1,414,634
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây