Chút hơi ấm mùa xuân của miền xuôi đã vượt núi đồi lên với vùng cao để ai cũng có Tết.
Nhiều chuyến công tác đến vùng núi Quảng Nam luôn để lại trong anh Ngô Phi Hà (37 tuổi), bí thư Đoàn một trường cao đẳng tại Đà Nẵng nhiều suy nghĩ. Công việc của trường liên quan đến chương trình giảm nghèo bền vững tại huyện Nam Giang kết hợp với hình ảnh đồng bào thiếu thốn sau mỗi chuyến đi được anh kể cho vợ con nghe.
Những tấm ảnh trẻ Cơ Tu đến trường với áo quần, giày dép chắp vá trong cái lạnh cắt da thịt vùng cao anh chụp được khiến gia đình và bạn bè xúc động.
Vậy là tạm gác lại việc sắm sửa ngày giáp Tết, gia đình anh đi ngược về phía núi thôn Pà Dá (xã Cà Dy, huyện Nam Giang). Ngoài những phần quà từ số tiền hai vợ chồng tích góp còn có áo quần, giày dép, mũ nón và ít tập vở do một số bạn bè thân thiết ủng hộ. Bà con tươi cười khi nhận từng món quà. Họ chia nhau cái áo, cái quần ngay trong gói quà vừa nhận được khiến những người miền xuôi vừa ghé đến cũng bồi hồi xúc động.
Chuyến đi phần lớn chỉ có nguồn lực cá nhân song đã gợi lên trong vợ chồng anh nhiều dự định sắp tới. Nhất là khi những đứa trẻ vùng cao khá thiếu thốn sách, vở, truyện tranh... "Con trai mình nói từ nay sẽ giữ truyện thẳng thớm, không làm rách bìa, mang dép sẽ không để đứt dây quai dép, giữ áo quần sạch hơn để biết đâu các bạn còn cần. Đây là điều khiến tôi bất ngờ và hạnh phúc từ chuyến đi giúp đỡ bà con này" - anh Hà khoe.
Đã quen với những chuyến đi vùng cao song anh Nguyễn Bình Nam nói chuyến cuối năm lúc nào cũng mang lại nhiều cảm xúc nhất. Các thôn, bản nơi anh đến thường khá biệt lập, khuất sâu dưới những ngọn núi, đi lại vất vả hơn khi gặp mưa.
Năm nay, anh cùng các tình nguyện viên đã "Mang Tết lên núi" tới 24 điểm trường những ngày sát Tết. Dù mỗi điểm vỏn vẹn có 4 - 5 triệu đồng nhưng cũng đủ vun vén cho những bạn nhỏ người dân tộc cảm nhận phong vị Tết cổ truyền. Một bữa liên hoan chiều cuối năm cùng chương trình nấu bánh chưng, lì xì mừng tuổi, trang trí trường học... đều do các bạn trẻ dưới xuôi đem lên.
Anh Lê Văn Quân - Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng) cùng tham gia hành trình - kể vì mưa nhiều nên đã phải đổi xe nhiều chặng rồi đi bộ gần 30 phút mới đến được điểm trường ở làng Nương (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), nơi có 30 học trò người dân tộc thiểu số. Tập tục địa phương quen nấu bánh sừng trâu dịp Tết nên các bạn đã mang đậu xanh, nếp đến rồi cùng bà con đi lấy lá dong về gói bánh chưng. Đó không chỉ lần đầu tiên trẻ con nơi đây biết đến nồi bánh chưng mà nhiều già làng cùng đến "trông bánh chưng chờ trời sáng".
Chị Kim Phong - một tình nguyện viên trong đoàn - chia sẻ trước khi đến đó không hình dung được mỗi gói quà, bịch kẹo và sự xuất hiện của mình lại là niềm vui lớn đối với các em và bà con như thế. Được xem một clip trên điện thoại, tham gia một trò chơi, quây quần bên bếp lửa trong tiết trời giá lạnh giữa núi rừng đã là niềm vui với nhiều người nơi đây.
"Người miền núi gặp khách phương xa ghé thăm đã thấy vui. Người miền xuôi dù có đi bộ nhiều giờ để lên đây thấy cảnh sống của bà con, mọi mệt nhọc tan biến hết" - chị Phong nói.
Theo Tuổi Trẻ
Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc