Anh Nguyễn Thanh Long quê ở Thái Bình nhưng lại "bén duyên" với vùng đất miền Tây từ khi chọn học ngành kinh doanh thương mại, Trường ĐH Cần Thơ. Tốt nghiệp năm 2016, anh về quê làm việc cho một công ty thuốc bảo vệ thực vật có chi nhánh ở Thái Bình. Một thời gian sau, anh nghỉ việc chuyển sang trồng trọt, bán khoai tây giống và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm khởi nghiệp, anh trắng tay vì thua lỗ triền miên.
Trại nấm bào ngư đem lại thu nhập cao cho anh Long
Năm 2018, anh Long quyết định trở vào miền Tây lập nghiệp (ngụ P.Đông Thuận, TX.Bình Minh, Vĩnh Long). Với số vốn tích lũy được, cuối năm 2022 anh đầu tư làm sân bóng mini. Thời gian này, tình cờ biết mô hình trồng nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao, anh đến trang trại ở Cần Thơ học hỏi kinh nghiệm, sau đó trồng nấm trên diện tích 500 m2. Tuy nhiên, trong quá trình trồng, do nguồn phôi kém chất lượng nên hiệu quả thấp, không có lời.
Không nản chí, anh Long khăn gói trở về Thái Bình, tìm đến các trang trại có uy tín xin học hỏi kỹ thuật, quy trình làm phôi… Sau đó, anh trở vào, cơ cấu lại trại nấm của mình, đầu tư máy móc, thiết bị, quyết tâm thực hiện quy trình khép kín, vừa sản xuất phôi, trồng và bán sản phẩm.
Trại nấm bào ngư rộng hơn 500 m2 của anh Long
Theo anh Long, nấm bào ngư trồng hơn 2 tháng là có thể thu hoạch. Quy trình qua nhiều bước, từ nhập mùn cưa về trộn với vôi trong 15 ngày, sau đó trộn với rơm đã được ủ, đóng bịch, đưa vào lò hấp được khử trùng. "Trại trồng nấm phải đảm bảo các khu cấy mô đạt chuẩn, kín gió và có thiết bị diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng thì nấm mới phát triển tốt và không nhiễm bệnh", anh Long chia sẻ.
Nông dân tỷ phú
Hiện nếu thu hoạch hết công suất, mỗi ngày anh Long có thể cung ứng ra thị trường khoảng 300 - 400 kg nấm, thương lái đến tận nơi mua với giá 45.000 đồng/kg. Anh Long cho biết anh đang liên kết với thầy cô ở Trường ĐH Cần Thơ để chuyển giao quy trình sản xuất các sản phẩm: ruốc nấm, nấm muối dưa, khô bò chay... từ nấm bào ngư. Sắp tới, anh mở rộng diện tích trại nấm lên 3.500 m2, trồng theo quy trình mới, giúp rút ngắn thời gian và tăng sản lượng.
Nấm bào ngư trồng hơn 2 tháng cho thu hoạch
"Với quy trình trồng nấm mới, tôi xây dựng trại theo kiểu mới, sản xuất hoàn toàn theo quy trình mới. Trại hiện nay là quy trình tưới sốc nhiệt bằng nước, trại mới sẽ sốc nhiệt bằng máy lạnh, giúp tiết kiệm 50% thời gian, sản lượng vẫn đảm bảo từ bằng tới cao hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư sẽ ở mức cao", anh Long tiết lộ.
Ngoài trang trại nấm bào ngư, năm 2020, anh Long còn đầu tư sản xuất điện mặt trời, tổng công suất 965 kWp, dự kiến bán điện trong 20 năm; doanh thu hiện tại khoảng 220 - 250 triệu đồng/tháng.
Những phôi nấm đang kỳ cho thu hoạch tại trại anh Long
Mỗi năm, anh Long có thu nhập từ trại nấm, sản xuất điện mặt trời và kinh doanh sân bóng đá mini từ 4 - 5 tỉ đồng. Với những thành công trong mô hình kinh doanh, làm nông nghiệp, anh là một trong những thành viên CLB Nông dân tỉ phú Bình Minh.
Ông Thái Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Bình Minh, cho biết mô hình trồng nấm bào ngư và kinh doanh của anh Nguyễn Thanh Long đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Sắp tới, CLB Nông dân tỉ phú Bình Minh sẽ tổ chức cho anh em trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hiệu quả như của anh Long.
Tác giả bài viết: Báo Thanh niên
Ý kiến bạn đọc