Ứng dụng này mang đến các tính năng như nhắc nhở uống thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe, và đặc biệt là khả năng nhận diện các tình huống khẩn cấp như đột quỵ hoặc té ngã, từ đó gửi cảnh báo ngay lập tức đến người thân.
Nhóm tác giả ứng dụng AI hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi Viegrand.
Nhóm học sinh gồm các thành viên: Phùng Minh Khoa, Nguyễn Ngọc Thanh Thanh, Nguyễn Đặng Thanh Hằng, Nguyễn Hải Yến, Lại Ngọc Minh Tâm.
Theo nhóm, VN đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh, kéo theo áp lực lớn lên hệ thống y tế và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng. Nhận thấy điều này, nhóm đã tạo ra ứng dụng mang tên Viegrand, với mục tiêu ứng dụng công nghệ để hỗ trợ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và mang lại sự an tâm cho người thân của người cao tuổi.
Minh Khoa, trưởng nhóm, chia sẻ rằng Viegrand được thiết kế để trở thành một giải pháp toàn diện. Ứng dụng này không chỉ giúp theo dõi sức khỏe mà còn đảm bảo an toàn cho người cao tuổi. Điểm nổi bật là "trợ lý thông minh" có thể nhận diện các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và phát cảnh báo kịp thời. Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp điều khiển bằng giọng nói cùng các tính năng giải trí như bài tập thể dục hoặc trò chơi nhỏ, giúp người cao tuổi sống vui vẻ và năng động hơn.
Minh Khoa cho biết ứng dụng này giải quyết được những nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi, đặc biệt là khả năng điều khiển bằng giọng nói. Chưa hết, Viegrand còn hỗ trợ người thân theo dõi tình hình từ xa. "Ví dụ, nếu người cao tuổi bị đột quỵ hoặc té ngã mà không thể cử động, ứng dụng sẽ lập tức gửi tín hiệu cảnh báo để gia đình kịp thời can thiệp trong khoảng thời gian vàng", Khoa giải thích.
Trong khi đó, Thanh Hằng kể về câu chuyện cá nhân đã thôi thúc em tham gia dự án. "Ông em ở quê từng bị trật chân do ngã trong nhà. Mãi một thời gian sau, khi vết thương trở nặng, ba mẹ em mới biết. Em tìm hiểu và thấy VN đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Khi nghe bạn bè đề xuất ý tưởng này, em lập tức hưởng ứng. Em mong ông bà mình, cũng như tất cả người cao tuổi ở VN và trên thế giới, được chăm sóc tốt nhất", Hằng thỏ thẻ.
Cả nhóm cho biết quá trình phát triển ứng dụng không chỉ là hành trình học hỏi công nghệ mà còn giúp các thành viên thêm yêu thương và trân trọng ông bà.
Đánh giá dự án, tiến sĩ Hồ Minh Nhật, làm việc tại Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, bày tỏ sự ấn tượng: "Tôi thật sự bất ngờ khi các học sinh phổ thông đã bắt kịp xu hướng công nghệ 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Các em không chỉ tìm hiểu công nghệ mới mà còn biết cách áp dụng để giải quyết nhu cầu thực tế của xã hội như chăm sóc người cao tuổi. Qua quá trình nghiên cứu, các em đã nỗ lực tìm tòi để đưa ra giải pháp khả thi, ứng dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Tôi tin rằng các bạn nhỏ này sẽ còn tiến xa trong tương lai".
Tác giả bài viết: BTG
Nguồn tin: Báo Thanh niên
Ý kiến bạn đọc