Các em học sinh Trường Tiểu học An Bình B (tỉnh Bình Dương) tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ thông qua các hình ảnh tư liệu tại “Không gian văn hóa Bác Hồ” .
2- Tư tưởng Hồ Chí Minh - Ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam
Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 95 năm lãnh đạo đất nước, dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì non sông đất nước lại sản sinh ra các bậc anh hùng hào kiệt đáp ứng yêu cầu của lịch sử, tiêu biểu cho sự phát triển của lịch sử. Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Tây Sơn đã có biết bao anh hùng hào kiệt làm rạng rỡ non sông đất nước. Đến thời nhà Nguyễn, mặc dù nhà nước phong kiến đã thất bại trước quân xâm lược, nhưng phong trào đấu tranh chống quân xâm lược vẫn diễn ra mạnh mẽ, song đều bị dìm trong biển máu… Con thuyền Việt Nam còn lênh đênh chưa rõ bến bờ phải đi tới, việc cứu nước “dường như trong đêm tối không có đường ra”.
Chính lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất hiện. Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, đặc biệt là phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; đồng thời, vượt lên hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911) và đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin (năm 1920). Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” cho Tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh của V. I. Lê-nin, Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(4). Con đường cứu nước mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cách mạng Việt Nam. Cách mạng Việt Nam từ đó tiến bước theo dòng thác tiến bộ của lịch sử.
Phản ánh đúng đắn quy luật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh dần dần hình thành, bắt nguồn từ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, từ tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây và từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Từ đó, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam được định hướng đúng đắn. Chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tìm được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn cho Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiến hành tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi...
Dưới sự dẫn dắt của vị lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở thống nhất ba tổ chức Đảng vào ngày 3-2-1930. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Đi theo đường lối này, cách mạng Việt Nam tiến bước vững chắc. Đi trái đường lối này, cách mạng gặp phải khó khăn, tổn thất; thậm chí có lúc chịu tổn thất nặng nề.
Việc kiên định lãnh đạo đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Trong “Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việc Nam” ngày 3-9-1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng ta khẳng định: “Người đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người thể hiện kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng cách mạng triệt để của thời đại chúng ta, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin”(5). Toàn Đảng, toàn dân ta luôn quyết tâm “tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người”(6). Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều luôn nhất quán khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Sau “những thiếu sót, sai lầm trong việc đánh giá tình hình và xác định mục tiêu, trong xây dựng cơ cấu kinh tế, trong cơ chế quản lý, trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức, nhất là trong phân phối, lưu thông, giải quyết giá, lương, tiền”(7). Đảng ta đã kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết thực hiện đổi mới trên cơ sở tiếp tục khẳng định “đường lối của Đảng được vạch ra ở Đại hội IV, được cụ thể hóa ở Đại hội V là đúng đắn”(8). Văn kiện Đại hội VI (1986) của Đảng nhấn mạnh tinh thần đổi mới và quyết tâm: “giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến bước theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu hết sức mình vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”(9).
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước gần bốn thập niên qua, tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn soi rọi sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đại hội VII của Đảng (năm 1991) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(10). Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) tiếp tục khẳng định quan điểm này và nhấn mạnh: “Ở những bước ngoặt của cách mạng, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Đảng kịp thời có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, chống những luận điệu thù địch, tạo cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng và trong nhân dân”(11). Đại hội IX của Đảng (năm 2001) tiếp tục nêu: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(12). Các kỳ Đại hội tiếp theo tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Có thể khẳng định: Thành công của công cuộc đổi mới, cũng như những thắng lợi to lớn, lịch sử khác của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính là bởi kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”(13).
Việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp đất nước ta ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân (Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Thái ở Điện Biên gìn giữ nghề dệt thổ cẩm trang phục dân tộc).
3- Về việc phát huy giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay
Để phát huy giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Một là, cần đặt luận điểm của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin trong điều kiện lịch sử cụ thể thì mới có thể hiểu đúng vấn đề các ông đặt ra, điều các ông dự báo và kết luận.
- Hai là, cần đặt luận điểm của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin trong cả một hệ thống chứ không thể tách rời nhau. Đối với mỗi luận điểm đều phải xem xét theo quan điểm lịch sử, phải gắn luận điểm đó với điều kiện lịch sử cụ thể.
- Ba là, cần thấm nhuần sâu sắc rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
- Bốn là, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là hành động thiết thực nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Việc phát huy giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta chính là thể hiện tinh thần cách mạng và khoa học hết sức triệt để của phép biện chứng duy vật mác-xít. Đồng thời, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay sẽ tiếp tục hướng dẫn nhận thức và hành động của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Công cuộc đổi mới của Việt Nam đã và đang tiến hành chưa có tiền lệ trong lịch sử, vì vậy Đảng ta phải vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời phát huy cao độ giá trị vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, để tư tưởng của Người tiếp tục dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi ./.
-------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 36, tr. 573
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 126
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 12, tr. 883
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 12, tr. 562
(5), (6) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, t. 30, tr. 231, 279 - 280
(7), (8), (9) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2006, t. 47, tr. 101, 101, 565
(10) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2007, t. 51, tr. 29
(11) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2015, t. 55, tr. 413
(12) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2016, t. 60, tr. 129 – 130
(13) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 371
Tác giả bài viết: BTG
Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản
Ý kiến bạn đọc