Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn, biểu tượng của sự kết nghĩa giữa ba thành phố thập niên 1960.
“Tiếng hát át tiếng bom”
Những năm tháng này, sự ủng hộ về mặt tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội thông qua nhiều hình thức và phong trào khác nhau. Nhiều cuộc mít tinh dâng quyết tâm thư, lập chương trình hành động được tổ chức. Các hoạt động văn nghệ, thông tin truyền thanh được đẩy mạnh. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” vang lên khắp nhà máy, xí nghiệp, khắp các làng xã, khu phố của Hà Nội.
Hướng về miền Nam, người dân Thủ đô đã kết nghĩa với hai thành phố Huế và Sài Gòn. Trước ngày lễ kết nghĩa diễn ra, sáng 7-10-1960, gần 1.000 đại biểu cán bộ và đồng bào ở Thủ đô dự buổi nói chuyện về tình hình Sài Gòn và Huế do Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn tổ chức. Trong lễ kết nghĩa tối 8-10-1960, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội thay mặt nhân dân Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hộ, thay mặt nhân dân Sài Gòn - Gia Định và đồng chí Hoàng Phương Thảo, thay mặt nhân dân Huế, cùng anh chị em đồng hương Sài Gòn, Huế đã đặc biệt nhấn mạnh mối tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Hà Nội, Huế, Sài Gòn trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam.
Phong trào kết nghĩa Hà Nội -Huế - Sài Gòn phát triển nhanh chóng, vững chắc và đạt nhiều kết quả. Điển hình của phong trào kết nghĩa là “Hiệu sách kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn” ở gần hồ Hoàn Kiếm, nơi gặp gỡ của đông đảo bạn đọc Hà Nội và miền Bắc tìm hiểu về tình hình miền Nam, Huế, Sài Gòn. Hiệu sách đã tổ chức các đợt phát hành “Chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời”, phát hành hàng chục nghìn bản Cương lĩnh, Lời kêu gọi tới đồng bào miền Nam. Sau lễ kết nghĩa, hàng tấn thư từ, bưu thiếp, tin tức của nhân dân Thủ đô đã gửi vào miền Nam, Sài Gòn, Huế động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam quyết tâm đánh giặc.
“Chia lửa” với bộ đội, tháng 6-1974, ca sĩ Thanh Hoa cùng anh, chị em nghệ sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng lên đường vào Trường Sơn và biểu diễn phục vụ bộ đội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giọng hát của chị vang lên ở chiến trường khói lửa khốc liệt, mang đến niềm vui, tình yêu cuộc sống, niềm tin về một ngày mai chiến thắng. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa nhớ lại: “Ở chiến trường, chúng tôi hát cho thương binh, bộ đội nghe trong những chặng nghỉ chân, để động viên tinh thần các chiến sĩ. Tại các lán trại của thương binh, chúng tôi cứ đi giữa những người lính quên mình ấy, vừa nắm lấy tay họ vừa hát. Chiến trường càng ác liệt, lời ca tiếng hát của chúng tôi càng vang lên mạnh mẽ”.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nghệ sĩ Xuân Theo, Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội) cũng là một trong những diễn viên tích cực tham gia các đoàn công tác đi biểu diễn phục vụ bộ đội, góp “tiếng hát át tiếng bom”. Nghệ sĩ Xuân Theo cho biết: “Hồi ấy, đoàn chúng tôi phải chia từng nhóm nhỏ mang những trích đoạn chèo, bài chèo ngắn đi hát phục vụ chiến sĩ. Cả hai vợ chồng tôi đi cùng đoàn nên phải mang con từ Hà Nội về quê nhờ ông bà nội, ngoại trông. Trong không khí đất nước đang chiến tranh, mọi người đều hướng về tiền tuyến nên các nghệ sĩ như chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc”.
Báo chí Thủ đô đóng góp tích cực
Trong những năm chiến tranh ác liệt, các cơ quan báo chí Thủ đô đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động kết nghĩa và biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt, đã dành một mục giới thiệu thành tích thi đua trong phong trào kết nghĩa với Huế, Sài Gòn. Đài Phát thanh Hà Nội thường xuyên đưa tin về tình hình miền Bắc, tin về Bác Hồ tới đồng bào miền Nam, đặc biệt là những bài phát biểu, bài thơ động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào và chiến sĩ miền Nam yêu thương.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Hànộimới, Báo Hà Tây (đến tháng 8-2008 hợp nhất thành Báo Hànộimới) đã luôn theo sát phản ánh những chủ trương, công tác lớn của Trung ương và địa phương; chú trọng tuyên truyền động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), tạo nền tảng cho những năm tiếp theo, nhằm nâng cao sức mạnh về mọi mặt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Nhiều phong trào thi đua của Thủ đô tiêu biểu cho cả nước lúc này như phong trào “Ba sẵn sàng” "Ba đảm đang", “Chiếc gậy Trường Sơn”… đã được Báo phản ánh kịp thời và sâu sắc.
Đặc biệt, các thế hệ làm báo Hànộimới, Hà Tây mang hết trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng tập trung tuyên truyền đề cao tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, lao động quên mình, ra sức xây dựng cuộc sống mới của nhân dân Thủ đô. Nhiều nhà báo vững tay bút, chắc tay súng, xông pha lửa đạn, lên đường nhập ngũ hoặc bám sát những khu vực chiến tranh ác liệt nhất để đưa tin, viết bài về chiến công anh dũng của quân và dân ta. Trong đó có nhiều người bị thương, có nhà báo đã anh dũng hy sinh tại chiến trường. Cùng với các cơ quan báo chí, Báo Hànộimới, Hà Tây tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như xây dựng địa phương không ngừng phát triển.
Trong không khí sục sôi đánh Mỹ, ngày 17-7-1966, từ chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), Đài tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh[1], khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”... “Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta… chắc chắn sẽ hoàn toàn thắng lợi”[2].
“Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý của thời đại, biểu tượng sáng ngời của khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Với ý chí và khát vọng thống nhất đất nước cháy bỏng, chúng ta đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và trong mỗi bước đường phát triển của cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn ủng hộ to lớn về mặt tinh thần, chi viện mạnh mẽ về vật chất và lực lượng đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã diễn ra và kết thúc thắng lợi vào ngày cuối cùng của tháng tư (30-4-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những thời khắc huy hoàng đó, cùng với sự chi viện về vật chất, về lực lượng, sự ủng hộ về tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội ngày càng mạnh mẽ. Tháng 4-1975, ngành Bưu điện đã mở đường điện báo, điện thoại Hà Nội - Huế; qua đó chuyển hàng trăm thư, điện động viên của Hà Nội tới đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại, kết thúc 21 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa Việt Nam tiếp tục đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
(Còn nữa)
---------
[1] Về việc gọi tên “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến nay, có nhiều tài liệu đề cập với những tên gọi khác nhau: Lúc đầu gọi là “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 17-7-1966”; về sau là “Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước”; trong “Hồ Chí Minh, Toàn tập”, xuất bản lần thứ 3, Tập 15 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tài liệu được đặt tên là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trong “Hồ Chí Minh và 5 Bảo vật quốc gia”, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014 được đặt tên là: “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”… Theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia (Đợt 1) thì bản thảo có tên: “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những Bảo vật quốc gia.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.131-132
Tác giả bài viết: BTG
Nguồn tin: Báo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc