Shop 50 đồng cho mẹ bỉm sữa

Thứ ba - 22/08/2023 08:11 89 0
Những lần hỗ trợ sản phụ mới sinh nuôi con bằng sữa mẹ, những cuộc trò chuyện bên hành lang bệnh viện phụ sản, một bà mẹ 9X nhận thấy nhu cầu tặng và cả người tìm kiếm đồ dùng em bé và mẹ bỉm sữa khá lớn. Tại sao không kết nối họ?
Shop 50 đồng cho mẹ bỉm sữa

 

Trần Thị Nga cùng các đồ dùng được cộng đồng “Shop 50 đồng” thu gom và tái sử dụng - Ảnh: NVCC

Trần Thị Nga cùng các đồ dùng được cộng đồng “Shop 50 đồng” thu gom và tái sử dụng - Ảnh: NVCC

Câu hỏi này khiến Trần Thị Nga (quận Tân Phú, TP.HCM) suy nghĩ nhiều, bởi chị cũng là mẹ hai con nhỏ. Chị hiểu tâm lý ai có con cũng muốn mua sắm nhiều song những đồ dùng ấy nhanh chóng trở nên cũ, chất đống trong nhà, bỏ lại phí quá.

Nhiều mẹ bỉm sữa có nhu cầu được trò chuyện, có một cộng đồng thuộc về họ, được làm những điều hữu ích. Khi người mẹ tự tin, thấy mình có giá trị, tôi tin mỗi đứa con cũng sẽ học được điều đó.
 

TRẦN THỊ NGA

"Shop 50 đồng" cho mẹ bỉm sữa

Ban đầu chỉ là trò chuyện song chính nhu cầu tặng đồ của nhiều mẹ trẻ, Nga kết nối những mẹ bỉm sữa với nhau. Nhiều người biết, tìm đến với Nga nhiều hơn, có người xin, có người cho đồ. Vậy rồi bà mẹ 9X này rủ thêm nhiều mẹ bỉm đang ở nhà chăm con cùng nhau lập ra cộng đồng "Shop 50 đồng".

Thực ra ban đầu là "Shop 0 đồng" với suy nghĩ cho và nhận miễn phí. Nhưng khi làm mới phát sinh một số chi phí nên thay bằng "Shop 50 đồng". "50 đồng tượng trưng cho 50.000 đồng, là mức phí ai cũng có thể trả. Với số tiền đó, các mẹ có thể lấy bao nhiêu đồ tùy thích", Nga nói.

Từ cộng đồng cho mẹ bỉm sữa, Nga tiếp tục mở rộng sân chơi hiện không chỉ có các mẹ trẻ ở TP.HCM mà còn từ nhiều tỉnh khác.

Khi tham gia, các mẹ đều được hướng dẫn kỹ để hiểu tinh thần và ý nghĩa của nhóm, rồi luân phiên thiết kế hoạt động tại địa phương.

Từ đây đã ra đời các sân chơi như tủ sách 0 đồng ở Vũng Tàu, làm xâu hạt từ vật liệu tái chế ở Ninh Bình, tặng gấu bông cho thiếu nhi ở TP.HCM và Hà Nội.

Chị cùng các mẹ bỉm mua cà mèn tặng cơm cho trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, khu lao động. Thức ăn được đặt từ chính các thành viên trong nhóm nấu, góp phần tạo thêm thu nhập khi ở nhà chăm con. Có người kêu phần cơm sang quá, còn không đựng hộp nhựa để giảm rác thải ra môi trường.

"Mọi người ăn ngon miệng mới có sức làm việc. Như nhiều hội nhóm từ thiện, tụi mình cũng chỉ muốn đem lại niềm tin cho mọi người vào cuộc sống này", Nga chia sẻ.

Niềm vui từ việc tạo giá trị

Từng ở nhà chăm con nhỏ, Nga hiểu cảm giác đôi khi rất căng thẳng của người mẹ sau sinh. Có khi họ phải từ bỏ sở thích cá nhân, các mối quan hệ, cả việc làm để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không phải người thân nào cũng cảm thông, chia sẻ nên Nga đặt mục tiêu cộng đồng do các mẹ bỉm sữa sáng lập cùng tìm cách giải quyết điều này.

Có bà mẹ trẻ tâm sự họ từng thấy cuộc sống rất nhàm chán, quanh quẩn trong nhà cho đến khi vào nhóm, tham gia các hoạt động. Họ muốn được kết nối, quay lại nhịp sống thường nhật và đi làm. Đã có những mẹ bỉm sữa đến với cộng đồng khi đang ở thời điểm mắc trầm cảm sau sinh, họ ngại cả giao tiếp.

Nỗi lo con còn nhỏ mà gửi đi học cũng không an tâm, rồi học phí trường tư khá cao, nghỉ sinh ở nhà dài ngày mang cảm giác sống lệ thuộc khiến nhiều mẹ trẻ thấy mình không có giá trị. Họ lưng chừng giữa việc đi làm hay ở nhà chăm con. Khi những người cùng trăn trở kết nối với nhau, họ được trải lòng và thấu hiểu.

Tham gia nhóm, các mẹ cũng có dịp ra ngoài nhiều hơn để thu gom, giao nhận đồ, thấy cuộc sống bắt đầu thay đổi. Chị Nguyễn Thị Cúc Hoa - thành viên "Shop 50 đồng" - chia sẻ chị luôn muốn làm gì đó bảo vệ môi trường nên nghe được ý tưởng của Nga đã đồng hành từ ngày đầu thành lập cộng đồng.

"Lúc đầu chồng mình kêu sao cứ tha rác về nhà nhưng sau thời gian quan sát, thấy mình trở nên thoải mái, tích cực hơn, anh đã chủ động giúp đỡ mình, còn mua xe đẩy hàng, đóng kệ giúp", chị Hoa kể. Quan trọng hơn, gia đình đã quan tâm nhau hơn trước. Chị Hoa không cho con học hè mà dẫn theo các hoạt động của nhóm, phụ mẹ đóng gói, soạn hàng nên thấy mùa hè của con ý nghĩa hơn.

Nhưng Nga và các mẹ bỉm sữa cũng gặp không ít khó khăn. Khi Nga mới thu gom đồ cũ về, người nhà cũng không ủng hộ. Họ kêu làm chi cực thân, để thời gian đó chăm con. Nhiều mẹ bỉm khác cũng bị nói như thế. Chưa kể tâm lý sợ dơ, lây bệnh, ngại ngùng lỡ ai đó biết mình dùng lại đồ cũ khá phổ biến với nhiều người.

Bà mẹ 9X ấy lên kế hoạch học tiếng Anh trong năm nay để có thể tiếp cận nhiều nhóm đối tượng hơn.

"Mình muốn "Shop 50 đồng" là công việc nghiêm túc cho các mẹ bỉm sữa vừa chăm con vừa có việc làm. Từ khởi điểm 0 đồng, đây sẽ là nơi tạo ra thu nhập cho họ", Nga nói.

Mẹ làm, con học

Mỗi hành trình, hoạt động của nhóm không chỉ giúp các mẹ bỉm sữa thấy cuộc sống ý nghĩa hơn mà còn gieo cho các bé hạt mầm yêu thương, tích cực, thành cơ hội rèn kỹ năng sống cho các con từ sớm. Không bài học nào bằng trải nghiệm thực tế.

Khi dẫn con theo cùng, các con biết thức sớm chuẩn bị hành lý, biết chọn mang theo những gì. Mẹ bận việc, con biết tự chơi một mình. Gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, con sẽ biết ơn vì những gì đang có.

"Mẹ là tấm gương cho con. Nhiều người mẹ muốn con phải thế này, thế kia nhưng bản thân họ chưa lăn xả, chưa dấn thân sao cứ bắt con làm được điều mình đang muốn", Nga trải lòng.

Nguồn: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay2,443
  • Tháng hiện tại43,766
  • Tổng lượt truy cập1,415,261
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây