Đó chỉ là một trong những cuộc trò chuyện ngắn vang lên trong một buổi chiều oi ả ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) khi các thanh niên trẻ của cụm thi đua số 1, Đoàn thanh niên Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động tổ chức chương trình cắt tóc.
Chương trình cắt tóc cho các thương binh là một trong những hoạt động thuộc Chiến dịch thanh niên Cảnh sát cơ động tình nguyện hè năm 2023 gắn với kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023).
Vui vẻ khoe kiểu tóc mới, ông Nguyễn Trọng Dĩnh, 72 tuổi, thương binh có tỉ lệ thương tổn trên 81%, nói rất ưng ý với mái tóc do trung úy trẻ Hoàng Anh mới cắt và cho biết đây là lần đầu tiên trong đời ông được một chiến sĩ cảnh sát cắt tóc cho.
“Tôi rất thích kiểu tóc này, cậu cảnh sát cứ hỏi xem được chưa vì chỉ quen cắt cho thanh niên”, ông Dĩnh nói.
Trung úy Hoàng Anh, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, chia sẻ đây là hoạt động ý nghĩa, động viên các bác thương binh nên khi nghe tin anh tình nguyện đăng ký ngay.
“Trước đây mình có cắt tóc cho người dân tại chung cư ở quận Tân Bình, TP.HCM trong lúc dịch COVID-19. Khi ấy cũng sợ nhưng có khẩu trang, quần áo chống dịch, các anh cũng động viên và nhiệm vụ ý nghĩa nên mình cố gắng. Hôm nay, mình cũng rất vui vì vừa cắt tóc, vừa tâm sự với các bác.
Có bác trong nhà không còn ai nên buồn lắm, cắt tóc xong cứ ngồi nói chuyện với mình. Mình coi các bác như cha chú trong nhà nên cố gắng động viên”, trung uý Hoàng Anh nói.
Ở một góc khác, chiến sĩ Quách Quang Trường, đoàn viên Đoàn cơ sở Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao, cho biết thấy may mắn khi được cắt tóc trong một dịp đặc biệt như thế này.
"Nghe tin có cơ hội tham gia nhiệm vụ đặc biệt này mình đăng ký ngay. Mình có kinh nghiệm cắt tóc nên cũng yên tâm. Đây cũng là dịp tỏ lòng ghi nhớ công ơn của các bác", Trường bộc bạch.
Theo đại úy Đỗ Văn Viết - bí thư Đoàn cơ sở Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, chiến tranh đã đi qua song những di chứng khốc liệt vẫn còn hiện hữu, để lại những mất mát cho mỗi người, mỗi gia đình và người thân các thương binh, liệt sĩ.
"Các bác đã trở về, hòa nhập với cuộc sống, nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn đó, ngày đêm gặm nhấm thể xác, tinh thần. Mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi, các vết thương cũ lại gây ra những cơn đau nhức nhối, tê buốt đến tận xương tủy, ảnh hưởng đến từng bữa ăn, giấc ngủ.
Để thể hiện sự ghi ơn với các lớp thế hệ cha, anh đi trước, chúng tôi muốn tổ chức chương trình này để ghi nhớ công lao và sự đóng góp của các bác", đại úy Viết chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc