Toàn bộ 2.200 đầu sách giáo khoa đã được trao đến tận tay những học sinh không có sách ngay trước ngày bước vào năm học mới. Người tạo ra điều kỳ diệu này là cô Nguyễn Thị Thúy Phụng, phó hiệu trưởng của trường.
Buổi trao tặng sách được cô Phụng tổ chức vào ngày 21-8. Suốt buổi tặng sách, các học sinh trong trường cười tít mắt. Các em không chỉ vui vì mình đã có sách để học, mà còn vui vì tấm lòng ấm áp của chính cô giáo mình.
Hơn 15 năm dạy học ở miền núi, cô Phụng hiểu học sinh nơi đây khó khăn. Hầu hết đều là con em đồng bào Vân Kiều. Cuộc sống các em luôn chạy ăn từng bữa.
Cô Phụng kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người dân không đủ tiền trang bị sách giáo khoa vào đầu năm học cho con em. Vì vậy, mỗi lớp chỉ có vài học sinh có sách giáo khoa mới.
Trường phải kêu gọi một số doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội để học sinh có sách học từ mấy năm nay.
Tuy nhiên, đến năm học này, tình hình kinh tế quá khó khăn khiến việc hỗ trợ phải tạm dừng. Học sinh khối tiểu học và THCS của trường thiếu 131 bộ sách giáo khoa với tổng trị giá gần 40 triệu đồng.
"Nếu không tìm ra nguồn sách thì hàng trăm học sinh đó sẽ không biết đi học bằng cách nào khi vào năm học mới" - thầy Nguyễn Văn Tý, hiệu trưởng, nói.
Biết được tình thế khó khăn của học sinh, cô Thúy Phụng nhìn lại số tiền tiết kiệm của mình. "Tôi tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng. Đây là con số rất lớn với một giáo viên. Nhưng tôi thấy các em cần sách để học hơn. Tôi quyết định dùng số tiền này để thay các nhà tài trợ mua toàn bộ 131 bộ sách giáo khoa còn thiếu, kèm thêm 5 triệu nữa mua tặng các em đồ dùng học tập", cô Phụng chia sẻ.
Học sinh có sách để học là niềm vui lớn nhất
Làm giáo viên vùng cao 15 năm, cô Phụng cũng không khá giả gì. Cô sống ở một thôn thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Hiện con trai cô đang gửi ông bà ngoại để cô lên miền núi dạy học. Ngoài việc đi dạy, cô còn phải bán mỹ phẩm online kiếm thêm thu nhập. Và cô dùng chính khoản tiền tiết kiệm được từ bán hàng này để mua sách cho các học sinh.
"Học sinh có sách để đi học là niềm vui lớn nhất", cô Phụng nói.
Học sinh vùng cao Hướng Việt không chỉ thiếu sách học, mà còn thiếu ăn. Nhiều bữa cô nhói lòng khi thấy phần cơm các em mang theo chỉ là vài đọt măng rừng. Vì vậy, cô dùng luôn 5 triệu đồng cuối cùng trong khoản tiền tiết kiệm được để hỗ trợ thêm bữa ăn trưa cho học sinh.
Thầy Tý kể mấy năm trước cô cũng từng tự bỏ tiền ra tặng trường một giếng khoan 25 triệu đồng, để các em học sinh có nước sạch sử dụng.
"Tôi nhớ rất nhiều lần học sinh ở đây được những người từ TP.HCM, Hà Nội hỗ trợ. Người ta giúp được học sinh mình thì mình cũng gắng giúp được", cô Phụng bộc bạch.
Hành động ấm áp
"Đó là hành động ấm áp thể hiện tình yêu thương. Có những giáo viên như cô Phụng là may mắn của học sinh, và cũng là may mắn của ngành giáo dục", bà Nguyễn Thanh Nga, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc