Niềm đam mê khởi nghiệp của chàng trai 9X

Thứ tư - 15/08/2018 18:39 167 0

Niềm đam mê khởi nghiệp của chàng trai 9X

Niềm đam mê khởi nghiệp của chàng trai 9X

       Vốn là một cán bộ Đoàn trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm. Chàng trai 9X  Vương Tuấn Kiệt đã cùng gia đình khởi nghiệp vươn lên từ mảnh Vườn thanh long ruột đỏ rộng hơn 1 hecta ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu đã và đang giúp gia đình anh từng ngày khá lên với thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.

       Gia đình Kiệt vốn gốc nhà nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cuộc sống gia đình cũng không mấy khá giả gì. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng niềm đam mê khởi nghiệp, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình. Chàng trai Vương Tuấn Kiệt (26 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đã tạm gác lại ước mơ làm một cán bộ Đoàn của mình để cùng với gia đình phát triển nghề nông truyền thống.

Gia đình anh Kiệt đang thu hoạch thanh long

          Từ diện tích đất hơn 1 hecta của gia đình tập trung canh tác cây sầu riêng. Tuy nhiên, sầu riêng có năng suất và thu nhập không cao do phải tốn nhiều công và chi phí chăm sóc, thu hoạch mỗi năm chỉ được 1 lần. Được gia đình, cha mẹ tin tưởng hỗ trợ ban đầu, bản thân anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ trong suy nghĩ và nghiên cứu về giống cây trồng anh Kiệt quyết định chuyển đổi toàn bộ phần đất đang canh tác trồng sầu riêng sang trồng giống thanh long ruột đỏ. Theo anh, cây thanh long chủ yếu là bón phân chuồng với thời gian bón phân tầm 6 tháng/ lần. Điểm lợi nhất khi trồng thanh long là có thể thu hoạch suốt năm (mỗi tháng một lần). Trong đó, thanh long thu hoạch cả luôn mùa nghịch.  Mặc khác, thanh long muốn thu hoạch mùa nghịch người trồng chỉ cần chong đèn. Dù tốn thêm chi phí điện nhưng bù lại giá có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg. Trong khi mùa thuận từ 20.000 – 30.000 đồng/ kg và chi phí sản xuất ít hơn mùa nghịch.

         Với 1.200 gốc thanh long đã đi vào thu hoạch từ hơn 3 năm nay. Thu lợi nhuận bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm trừ chi phí còn lại gần 600 triệu đồng. Trung bình mỗi đợt thu hoạch khoảng 5 tấn trái được tập kết về những vựa lớn tại tỉnh Long An phân loại để xuất khẩu sang thị trường các nước.

        Chia sẻ về kinh  nghiệm, anh Kiệt cho biết: “Thanh long vụ thu hoạch đầu mùa chỉ được khoảng 3-5 kg/gốc. Từ 2 năm trở lên, mỗi gốc có thể cho từ 8-10 kg.  Đặc biệt, người trồng thanh long phải chú ý chiết trái để trái đủ độ lớn, căng tròn, đồng đều đạt chuẩn xuất khẩu (từ 0.8 – 1,2 kg/trái). Trong đó, mỗi nhánh phải xử lý cho ra hoa 1 trái.”

       Anh cho biết thêm, trồng thanh long không khó nhưng trở ngại ban đầu của người nông dân là vốn. Anh nhẩm tính, để trồng được một gốc thanh long người trồng phải tốn tiền đầu tư trụ, giống, phân bón, tiền công khoảng 200.000 đồng, đó là chưa kể hệ thống điện, hệ thống tưới phun...Vốn ít mà muốn trồng được diện tích lớn không có cách nào khác là phải bắt đầu từ trồng ít rồi nhân giống để phát triển vườn.

       Trên thực tế, ngay từ lúc khởi đầu để trồng, do vốn cao nên anh cùng gia đình chỉ với 50 gốc thanh long. Cây phát triển tốt, gia đình anh tận dụng nguồn giống này trồng ra được 100 gốc rồi sau đó tăng 200 gốc, 400 gốc, 700 gốc và lên được 1.200 gốc như hiện nay.

       Vườn thanh long được trồng trên trụ bê tông cao khoảng 1,5m, mỗi cây cách nhau tầm 2,5m. Khi trồng, mỗi năm bón phân 2 đợt. Thanh long được trồng trên mô đất để tránh bị ngập úng. Phía dưới xung quanh gốc, anh thường xuyên làm sạch cỏ để tránh cỏ dại mọc tràn lan và tranh ăn phân bón dành cho cây. Ngoài ra, phải thường xuyên tỉa cành và tạo tán.

Anh Kiệt trao đổi về kỹ thuật cho trái to và đạt chuẩn

          Cầm trên tay trái thanh long to vừa được cắt vào, Anh Kiệt cười, nói: “Cái nghề trồng thanh long học ở đâu người ta cũng chỉ y vậy thôi. Bởi nó còn tùy thuộc điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng mà cách trồng riêng. Kiến thức học được cộng với kinh nghiệm thực tiễn khi trồng thanh long rồi mới áp dụng cho vườn thì cây mới có năng suất cao được”.

           Ngoài ra, hiện anh Kiệt đang là tổ trưởng tổ hợp tác thanh long với 5 thành viên đều là những đoàn viên thanh niên ở địa phương. Trong đó, anh Kiệt trực tiếp trồng và quản lý thêm 0,3 hecta với gần 500 gốc thanh long ruột tím hồng của các thành viên hợp tác. Hiện vườn thanh long ruột tím hồng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tính riêng nguồn thu nhập ở vườn này là 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ tổ hợp tác này, Kiệt đã tạo việc làm ổn định, cải thiện kinh tế cho gia đình mình cùng các thanh niên trong tổ hợp tác. Bên cạnh đó, anh luôn quan tâm và luôn sẵn sàng hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào do tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương phát động. Từ những thành tích và kết quả đạt được. Bản thân anh Kiệt cũng đã nhận được nhiều bằng khen từ UNBD tỉnh, Tỉnh đoàn và Hội LHTN việt tỉnh Tây Ninh. Và mới đây, anh Kiệt còn là một trong 2 gương cá nhân được Tỉnh đoàn Tây Ninh giới thiệu và đề nghị xét tặng giải thưởng Lương Đình Của lần thứ XIII năm 2018. Đây là phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng hằng năm dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

ĐK – GP

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay1,656
  • Tháng hiện tại24,472
  • Tổng lượt truy cập1,350,607
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây