Đến thăm cơ sở sản xuất trầm hương của anh Nguyễn Văn Quang, từ đằng xa, chúng tôi đã có thể cảm nhận không khí rộn ràng, nhộn nhịp của những người thợ; thoáng đâu đó, còn là chút hương trầm dịu nhẹ, bay bổng. Tìm đến và gắn bó với trầm hương trong một dịp thật tình cờ, ấy vậy mà những mùi trầm hương thoang thoảng, đã trở thành một phần không thể thiếu của chàng thanh niên này.
Từ niềm đam mê của bản thân, năm 2013, anh Quang đã mày mò, tìm hiểu và cho trồng thử nghiệm số ít cây dó bầu – loài cây được dùng để cấy thuốc, thu trầm. Theo anh Quang, vì là loài cây rừng, nên cây dó bầu rất dễ sinh trưởng và phát triển, người trồng không phải tốn quá nhiều công chăm sóc. Chỉ cần lưu ý, không để cây quá khô vào ngày nắng, cũng như không để cây ngập úng vào những ngày mưa, hoặc nếu muốn tốt hơn, thì cũng có thể bón thêm một vài loại phân bón thông dụng cho cây.
Anh Nguyễn Văn Quang đang cấy trầm vào cây dó bầu
Từ những kinh nghiệm có được, những cây dó bầu đầu tiên đã sinh trưởng tốt, đây cũng là tiền đề, để anh Quang mạnh dạn mở rộng diện tích gieo trồng. Hiện tại, anh đã có cho riêng mình 6 công đất trồng cây dó bầu, với khoảng 800 gốc, nằm xen lẫn giữa những cánh vườn cao su.
Thành công bước đầu trong việc trồng cây dó bầu, anh Quang tiếp tục tìm tòi, học hỏi sang lĩnh vực cấy trầm vào thân cây. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm, những ổ trầm do anh cấy thường không đạt chất lượng; ổ trầm sau khi cấy không phù hợp với đặt thù của cây, khiến cây bị mất sức và chết đi. Không bỏ cuộc, anh Quang quyết tâm theo đuổi cho bằng được công việc này. Để rồi anh nhận ra, việc cấy trầm chỉ có thể thực hiện trong những ngày mùa mưa; ổ cấy cũng phải được khoan vào thân cây một gốc 90 độ, và tùy vào bán kính của thân cây, mà ổ trầm sẽ được khoan với độ nông sâu thích hợp.
Sau đó, anh Quang cho một loại thuốc vi sinh vào thân cây để tạo ổ trầm. Sau từ 8 tháng đến 3 năm, ổ trầm đã có thể cho thu hoạch. Riêng đối với anh Quang, trầm có chất lượng và đảm bảo về mặt kinh tế nhất, là thu hoạch sau 2 năm, kể từ ngày tạo ổ.
Nếu như tạo ổ trầm là một nghề, thì việc tỉa trầm để thu hoạch ổ cũng được xem là một nghề quan trọng và khó khăn không kém. Với những công cụ chuyên dụng, người tỉa trầm phải rất tỷ mỉ và khéo léo, mới có thể thu hoạch những ổ trầm không bị phạm mặt dầu, cũng không còn sót lại những bộ phận không cần thiết. Chỉ riêng công đoạn này, anh Quang đã phải mất hơn 1 năm học tập và rèn luyện, với không ít lần bị thương và đổ máu.
Hiện tại, mỗi kilogam ổ trầm được các thương lái chào mua với giá từ 5 đến 10 triệu đồng, tùy theo chất lượng ổ trầm, nồng độ dầu và mùi hương của trầm.
Cùng với việc thu hoạch trầm, anh Quang còn mày mò, sáng tạo nên những những sản phẩm mới lạ và độc đáo có nguồn gốc từ trầm. Nổi bật có thể kể đến như: nhang trầm các loại, nụ trầm, các loại trang sức từ trầm… Với sự sáng tạo và những bí kíp “không ai có”, những sản phẩm từ trầm của cơ sở anh Quang, có thể nói là “có một không hai”, luôn được những người yêu thích trầm quan tâm và tìm mua.
Năm 2015, sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, anh Quang đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc chuyên dùng, đồng thời liên kết với các đối tác cung cấp các sản phẩm đi kèm, và từ đó cho ra đời Công ty TNHH Thiên Quang Trầm, do chính anh làm giám đốc.
Từ mốc thời gian quan trọng này, các sản phẩm từ trầm của anh cũng được nhiều người biết đến hơn. Công ty của anh cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho không ít thanh niên nông thôn tại địa phương.
Anh Nguyễn Văn Quang chia sẻ: “hiện nay, cơ sở sản xuất của em chỉ ở quy mô nhỏ, bản thân em mong muốn được tổ chức đoàn các cấp quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho em được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp để có thể mở rộng thêm cơ sở và tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương và quảng bá sản phẩm trầm hương trên địa bàn tỉnh nhà”.
Đến nay, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, song, anh Quang đã có trong tay 1 công ty đang làm ăn đạt hiệu quả, 01 cửa hàng trưng bày và bày bán các sản phẩm từ trầm tại thành phố Tây Ninh, cùng 02 nhà phân phối đặt tại tỉnh Bến Tre và thành phố Cần Thơ. Anh Quang cho biết, bình quân mỗi tháng, sau khi trừ tất cả các chi phí, anh cũng còn có thể thu về số tiền 25 triệu đồng, giúp anh ổn định cuộc sống gia đình và tiếp tục tái đầu tư, phát triển công ty.
Chiếc máy gia công sản phẩm Trầm hương
Theo Anh Hoàng Văn Hữu – Bí thư Huyện Đoàn Tân Châu cho biết “Đây có thể là một hướng khởi nghiệp mới với giá trị kinh tế cao, thời gian qua Huyện đoàn cũng đã gắn kết và giới thiệu mô hình cho thanh niên huyện nhà tham quan, học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho các bạn thanh niên làm việc tại cơ sở sản xuất này tập huấn các kỹ năng về khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh…”
Có thể thấy, từ niềm đam mê và tinh thần nỗ lực, vượt khó, anh nguyễn Văn Quang đã có thể gặt hái những thành công nhất định trên con đường khởi nghiệp của mình. Trong thời gian tới, với nghị lực của bản thân, cộng với sự hỗ trợ, giúp sức của tổ chức Đoàn các cấp, tin chắc rằng, niềm mong ước của anh Quang sẽ sớm thành sự thật, góp phần mang thương hiệu “Trầm hương Tây Ninh” đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
TĐ
Ý kiến bạn đọc