Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Thứ ba - 14/12/2021 22:21 87 0
Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 13/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi bế mạc của Kỳ họp thứ 2, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tham dự họp báo còn có Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội; các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch

Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16,5 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của Nhân dân, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 02 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quốc hội thông qua 05 nghị quyết, gồm: Các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với 05 dự án luật, gồm: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nêu rõ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 Nghị quyết về: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định Kế hoạch này phải gắn với Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính và an toàn tiền tệ quốc gia; yêu cầu Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước tháng 4/2022, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này hằng năm; giữa nhiệm kỳ và cả nhiệm kỳ.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong đó đề nghị các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đồng bộ với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục triển khai có hiệu quả nhằm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Các nhóm vấn đề chất vấn được Quốc hội lựa chọn xác đáng, phù hợp với thực tế, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm

Về giám sát tối cao, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi. Các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn. Các thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phụ trách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Quốc hội đã xem xét Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, triển khai thực hiện hiệu quả trên phạm vi cả nước; kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; chủ động, khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chủ động bám sát tình hình thực tế, nâng cao năng lực trong dự báo, tăng cường các giải pháp, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao vắc-xin, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin trong nước; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19…

Quốc hội xem xét Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và cho rằng, công tác này về cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu đề ra và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia; đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp xử lý kết luận của thanh tra, kiểm tra; thực hiện quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội hiệu quả.

Quốc hội đã xem xét Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội trong 02 năm 2019-2020 và cho rằng, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 về cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và các quy định liên quan. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế theo thẩm quyền; khẩn trương nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Quốc hội đã xem xét các Báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021 và cho rằng, mặc dù tình hình trong nước và thế giới bị ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định và đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét các Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021. Theo đó, Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri; giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo; rà soát, xử lý dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế tối đa việc chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau.

Về công tác thông tin, tuyên truyền tại Kỳ họp thứ 2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mặc dù Kỳ họp thứ 2 được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp hình thức họp trực tuyến và họp tập trung, nhưng Văn phòng Quốc hội đã tổ chức và triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp. Văn phòng Quốc hội đã sớm ban hành Đề án Tổng thể công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng đề cương tuyên truyền về nội dung chương trình nghị sự Quốc hội góp phần triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác truyền thông về kỳ họp.

Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp chuyên đề ngắn vào tháng 12 tới để xem xét các vấn đề cấp bách nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo quy định pháp luật

Trả lời câu hỏi của các phóng viên đánh giá về những đổi mới và thành công của Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp. Kết quả của phiên chất vấn này sẽ là tiền đề quan trọng để cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát tối cao thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri và nhân dân cả nước theo dõi phiên chất vấn nhận thấy, điều hành của Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia giải trình, làm rõ nội dung đại biểu quan tâm, tất cả đều đã đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã biết quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, có trọng tâm, trọng điểm, có định lượng cụ thể để giao cho các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết, giám sát hậu chất vấn và phải có giải trình rõ ràng.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, điểm mới của Kỳ họp này là phiên chất vấn có sự kết hợp cả hai hình thức chất vấn trực tiếp và chất vấn trực tuyến. Các kỳ họp trước đây chỉ có hình thức chất vấn trực tiếp tại Hội trường. Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, từ kinh nghiệm này, trên cơ sở tiếp tục xem xét và hoàn thiện những yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát hậu chất vấn, Quốc hội vừa thích ứng linh hoạt, vừa đảm bảo yêu cầu và có những đổi mới, qua đó cho thấy Quốc hội luôn bắt nhịp hơi thở cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.

Xoay quanh vấn đề Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp chuyên đề ngắn vào tháng 12/2021 để xem xét các vấn đề cấp bách, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1 năm 2022. Văn phòng Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật. Nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo quy định pháp luật, đặc biệt đảm bảo chất lượng thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này cũng nằm trong quá trình hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là nội quy kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, nếu tổ chức phiên họp chuyên đề vào tháng 12 tới thì năm nay sẽ có 4 kỳ họp. Như vậy, Quốc hội sẽ linh hoạt hơn để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nếu chỉ tổ chức kỳ họp 6 tháng 1 lần, với nhiều vấn đề cần giải quyết theo thẩm quyền của Quốc hội thì có thể sẽ làm chậm tốc độ phát triển của đất nước. Tổng Thư ký Quốc hội tin rằng, việc linh hoạt tổ chức kỳ họp như hiện nay là cần thiết và hợp lý.

Cũng tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đã trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trả lời câu hỏi liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội./.

Ban Tuyên giáo

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,948
  • Tháng hiện tại29,724
  • Tổng lượt truy cập1,307,474
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây