Những tác phẩm trở thành "Bảo vật quốc gia" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 03/06/2022 21:53 1.820 0

Những tác phẩm trở thành

Những tác phẩm trở thành "Bảo vật quốc gia" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam mới. Người suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Người đã được UNESCO vinh danh là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá lớn. Trong toàn bộ di sản tư tưởng, tinh thần mà Người để lại cho dân tộc, có nhiều tác phẩm tiêu biểu, đánh dấu những sự kiện quan trọng, gắn với những bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Trong số đó, có 5 di sản đã được công nhận là bảo vật quốc gia: gồm Đường Kách mệnh, Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và bản Di chúc. Các tác phẩm tiêu biểu được xếp hạng bảo vật quốc gia cũng như toàn bộ di sản của Người đều tỏ rõ những tư tưởng, tình cảm, phương pháp, hành động cách mạng mà Người muốn thể hiện và để lại cho các thế hệ mai sau, để tất cả chúng ta mãi mãi học tập và làm theo một các

1. Tác phẩm “Đường Kách mệnh”

Cách đây hơn 9 thập kỉ, năm 1927, "Đường Kách mệnh" - cuốn sách tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo lứa cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam giai đoạn 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), lần đầu tiên được xuất bản. Đây là một tác phẩm lý luận chính trị đặc biệt quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vạch ra mục tiêu, con đường và phương pháp cách mạng Việt Nam vào những năm 20-30 của thế kỷ XX, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người ra khỏi tình trạng bị áp bức, nô dịch bởi chủ nghĩa tư bản.

“Đường Kách mệnh” vừa là tài liệu huấn luyện cán bộ - những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam,vừa là tác phẩm truyền bá chủ nghĩa Mác –Lênin vào trong nước, đồng thời chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của chính đảng cách mạng – Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tác phẩm này, Người nêu rõ những chuẩn mực đạo đức của những người cách mạng. Đó phải là những người có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh thì mới tiếp thu được tinh thần của lý luận, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng khó khăn. "Đường Kách mệnh" cũng trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm là cuốn "cẩm nang" gối đầu giường của thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam, dưới ánh sáng của "Đường Kách mệnh", những học trò của Nguyễn Ái Quốc đã về nước hoạt động, cùng Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; phát động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.

Đã 94 năm trôi qua, nhưng nhiều vấn đề có liên quan đến con đường, phương pháp cách mạng, xây dựng, tổ chức, đoàn kết các lực lượng cách mạng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng vững mạnh, nhất là các chuẩn mực đạo đức của người cộng sản ... trong "Đường Kách mệnh" vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa Xã hội ở nước ta hiện nay, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

2. Tác phẩm “Nhật ký trong tù”

Trong các văn phẩm của Chủ tịch Hồ Chí mInh, Nhật ký trong tù có một vị trí đặc biệt, được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt, được dư luận trong nước và thế giới biết đến cũng rất đặc biệt. Đây không phải là bài thơ mà là một tập thơ, 135 bài thơ được viết bằng chữ Hán.Tháng 8-1942, với danh nghĩa là đại biểu Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh và Phái bộ quốc tế chống xâm lược, Bác Hồ từ Cao Bằng sang Trung Quốc để vận động quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam giành độc lập, nhưng đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, sau đó giải qua nhiều nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây từ ngày 25-8-1942 đến ngày 19-9-1943.

Xuyên suốt tập thơ là hình ảnh người tù Hồ Chí Minh tràn đầy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và một quyết tâm cao độ đấu tranh cho tự do. Dù tiếp cận ở những thời khắc khác nhau, song bất cứ ai đọc tác phẩm cũng đều phần nào hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được tầm vóc trí tuệ của một chân dung vĩ đại, với khát vọng cao đẹp nhất là "Độc lập cho dân tộc và Tự do cho con người".

Độ lùi của thời gian càng xa, ta càng thêm những cảm nhận sâu lắng tự tâm hồn về một tác phẩm thơ với nghệ thuật văn chương và tầm tư tưởng đích thực. Hơn nữa, trong Nhật ký trong tù không chỉ có hình tượng thơ, có tâm hồn thi nhân, mà còn đầy ắp những sự kiện và tình huống của một tù nhân, bị giải đi khắp 13 huyện và hơn 30 nhà giam của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Người đã viết trong bài Kết luận cuối tập thơ: “Ngục trung nhật ký từ đây dứt”. Đó chỉ là sự khép lại 13 tháng tù đày. Còn tâm hồn thơ, trí tuệ và bản lĩnh, phong cách thơ của Người mãi ngân vang trong đời sống tinh thần mỗi chúng ta, trong học tập và làm làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người- hôm nay, mai sau và mãi mãi muôn đời, muôn thế hệ.

3. Tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

"Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...", sáng 20-12-1946, lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng Đài TNVN khắp mọi miền Tổ quốc.

Bài hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dài vỏn vẹn 19 dòng với 199 từ và được Người viết tại làng Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), đã thể hiện những quan điểm cốt lõi của Người về kháng chiến toàn dân, cũng như mệnh lệnh của non sông, thôi thúc cả dân tộc chung sức, đồng lòng vùng dậy quyết chiến, quyết thắng quân Pháp xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi độc lập dân tộc và tự do, hòa bình là mục tiêu phấn đấu suốt đời mình. Thế nhưng trong điều kiện phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự và kinh tế lớn hơn ta nhiều lần, có quân số đông và vũ khí hiện đại, ta cần phải huy động sức mạnh của toàn dân để chiến đấu.

Ra đời trong thời khắc lịch sử đặc biệt, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến sâu thẳm lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc. Hơn 7 thập kỉ trôi qua, lời kêu gọi bất hủ có giá trị lịch sử sâu sắc đó đã trở thành một văn kiện, một bản thiên cổ hùng văn, trường tồn cùng lịch sử Việt Nam trong thời đại mới. Trước những thăng trầm của thời gian, giá trị lịch sử của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng cũng như để lại những kinh nghiệm quý báu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4. Tác phẩm “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược

Lịch sử đã trao cho dân tộc Việt Nam sứ mệnh nặng nề khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, thành tâm điểm của cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng. Ngày 17-7-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, một lần nữa, trên sóng Đài TNVN đã vang lên "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Lời hiệu triệu của vị lãnh tụ kính yêu đã thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sĩ hăng hái lên đường đánh giặc, giành độc lập, tự do cho non sông, đất nước.

Trong Lời Hịch non sông ấy có câu: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tiếp tục là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân ra sức phát triển đất nước, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc.

5. Tác phẩm “Di chúc”

Với mục đích để “đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột” lúc Người phải về nơi vô cùng, vô tận. Người đã âm thầm để sẵn “mấy lời” và chúng ta thành kính gọi là Di chúc. Thời gian vẫn không ngừng trôi, nhưng mỗi lần đọc lại những dòng chữ chan chứa yêu thương đó, chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện tốt hơn những di nguyện của Người. Di chúc được Người bắt đầu chấp bút từ tháng 5-1965 đến tháng 5-1969, nghiền ngẫm trong 4 năm trời, chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, bản Di chúc đã đề cập đến những vấn đề trọng yếu của đời sống dân tộc cũng như tương lai của đất nước. Bằng lời lẽ mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng súc tích, Di chúc tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng toàn bộ tình cảm và tư tưởng của Người đối với sự nghiệp cách mạng, và các thế hệ người Việt Nam.

Bảo vật Quốc gia cuối cùng mà Người để lại là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hi sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là người sáng lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo cho việc xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng đủ điều kiện và sức mạnh lãnh đạo toàn dân tộc. Điều đầu tiên Bác nhắc tới trong Di chúc là nói về Đảng.

Quan tâm tới con người luôn chiếm vị trí quan trọng trong chỉ đạo và điều hành đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người nhắc đến tất thảy mọi người, từ "bà con lao động, công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, trí thức". Người căn dặn Đảng "phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"...

Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam; sức mạnh của chính nghĩa và chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do"; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp cách mạng; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh.

nguồn: tuyengiao.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay980
  • Tháng hiện tại42,303
  • Tổng lượt truy cập1,413,798
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây