Đồng chí Nguyễn Văn Cừ: Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta

Thứ ba - 28/06/2022 21:24 418 0

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ: Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ: Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 (tức ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tý) tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ Nguyễn ở Từ Sơn – Bắc Ninh là dòng họ nổi tiếng vì nhiều người học rộng, tài cao. Cả ông nội và ông ngoại của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đều là nhà Nho yêu nước và đều làm nghề dạy học. Nguyễn Văn Cừ ở với ông ngoại từ nhỏ, được ông dạy chữ Hán và truyền dạy lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã bộc lộ tư chất thông minh, tính tình kiên định.
Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ lên Hà Nội học và thi đỗ vào trường Bưởi (nay là Trường Trung học Chu Văn An). Tại đây, Nguyễn Văn Cừ được giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động yêu nước, được đọc báo Thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do những hoạt động yêu nước và cách mạng, tháng 5/1928, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi học và trở về quê dạy học ở làng Hà Lỗ, tức làng Giỗ Đông, nay thuộc huyện Đông Anh - ngoại thành Hà Nội để tìm cách liên lạc với tổ chức. Thời gian dạy học ở đây, Nguyễn Văn Cừ đã gặp được nhiều nhà cách mạng lớp đàn anh, những người có tầm ảnh hưởng và để lại ấn tượng sâu sắc, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự - một lãnh tụ của Đảng sau này. Tháng 8/1928, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt, giam giữ 12 ngày rồi thả.

Cuối tháng 8/1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bí mật họp tại Hà Nội, đề ra chủ trương đưa các hội viên đi “vô sản hóa” tại các hầm mỏ, xí nghiệp, công trường. Lúc này, Nguyễn Văn Cừ đã bị mật thám Pháp theo dõi, giám sát, cho nên đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Bắc Ninh đã cử và giới thiệu với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Thành bộ Hải Phòng phụ trách cả vùng mỏ - đưa Nguyễn Văn Cừ ra vùng mỏ than Đông Bắc hoạt động, chủ yếu là khu mỏ Vàng Danh.

Ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương,... là những đảng viên đầu tiên được xét kết nạp vào Đảng khi mới 17 tuổi. Tháng 9/1929, Nguyễn Văn Cừ được rút về Hải Phòng phụ trách việc xây dựng trạm liên lạc của Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với nước ngoài, qua đường tàu biển, sau đó được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh điều về giúp việc cho Tỉnh ủy Hải Phòng. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), ở trong nước diễn ra cuộc sắp xếp tổ chức mạnh mẽ, từ các chi bộ cộng sản của các tổ chức tiền thân thành các chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và phát triển tổ chức chi bộ mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tích cực len lỏi khắp vùng mỏ Quảng Ninh để hoạt động. Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề xuất và được Xứ ủy Bắc Kỳ chấp thuận, đồng chí đứng ra lập Đặc khu ủy vùng mỏ và được cử làm đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ bên cạnh Đặc khu ủy.

Trụ sở báo Tin tức - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân chủ Đông Dương

Ngày 15/2/1931, trên đường công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Mật thám Pháp giam giữ đồng chí qua các nhà lao Hòn Gai, Hải Phòng rồi cuối cùng về Hỏa Lò - Hà Nội. Giữa tháng 5/1931, Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án lưu đày chung thân và đày ra Côn Đảo. Ra đến Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ bị địch giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hà Huy Giáp, Lương Khánh Thiện, Lê Thanh Nghị và Nguyễn Văn Linh... Tại Côn Đảo, đồng chí được học một cách có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, đọc các tác phẩm kinh điển và tham gia ban lãnh đạo Banh 2 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ bí mật nhà tù.

Năm 1936 do sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp ra lệnh tổng ân xá tù chính trị ở Đông Dương. Sau hơn 5 năm bị lưu đày ở địa ngục trần gian Côn Đảo, tháng 11 năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí được trở về đất liền và thả tự do.

Cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra Hà Nội móc nối các đồng chí để tiếp tục hoạt động, khôi phục cơ sở Đảng sau những năm bị địch khủng bố trắng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh (một người được đào tạo từ Quốc tế Cộng sản về) lập ra Ủy ban sáng kiến, lần lượt thu hút vào Ủy ban những cán bộ mới được địch thả tự do về hoạt động ở Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo, phân công của Ủy ban sáng kiến, tổ chức Đảng lần lượt được khôi phục ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thành khác. Đến tháng 3/1937, Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời được triệu tập. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, được Xứ ủy phân công làm đại diện Xứ ủy bên cạnh Trung ương Đảng.

Cuối tháng 8/1937, theo sự phân công của Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt vào Sài Gòn để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 25/8 đến ngày 4/9/1937[1] ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí khác. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Trung ương phân công đọc báo cáo về công tác hoạt động quần chúng của Đảng. Đồng chí đã phê phán những khuyết điểm, sai lầm về nguyên tắc tổ chức quần chúng, dẫn đến bệnh biệt phái, cô độc... của Đảng. Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong được bầu làm Thường vụ Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.

Tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương ra Hà Nội triệu tập Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư Xứ ủy, Nguyễn Văn Cừ làm Thường vụ. Liên Xứ ủy chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi giải thể để thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ. Ngoài trọng tâm là khôi phục và phát triển hệ thống tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng đồng chí Trường Chinh tổ chức, chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Đảng, chủ yếu qua tờ Le Travail (Lao động). Chính tờ báo Le Travail là nơi tập hợp lực lượng để thị uy đón tiếp Godart - đại diện Chính phủ Pháp sang Đông Dương để thị sát tình hình.

Khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đang dâng cao trong cả nước, đầu năm 1938, từ Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bí mật vào Sài Gòn để dự Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đã ghé qua Huế gặp đồng chí Lê Duẩn để bàn về việc thiết lập đường dây giao liên từ Hà Nội vào Sài Gòn sao cho bí mật an toàn để trình Hội nghị Trung ương.

Trong hai ngày 29 và 30/3/1938, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương họp tại làng Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất theo đề xuất của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; bảo vệ củng cố hệ thống tổ chức Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai; triệt để chống bọn Trosky; ra Nghị quyết Về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính. Hội nghị thảo luận rất kỹ và thống nhất bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở Moscow; bầu Thường vụ gồm 5 đồng chí; Ban Bí thư gồm 3 đồng chí (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong) - đây là cơ quan mới của Đảng - do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. Là người trực tiếp tham dự Hội nghị này, đồng chí Lê Duẩn đánh giá: “Về tuổi đời anh Cừ tuy kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi, nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em. Anh là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức trong sáng, được mọi người kính phục”[2]. Như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành Tổng Bí thư thứ 4 của Đảng khi chưa đầy 26 tuổi - trẻ nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, lại chưa được đào tạo một cách bài bản ở Trung Quốc và Liên Xô, hẳn phải là một bộ óc lớn, một nhân cách cộng sản cao đẹp và một nghị lực phi thường mới giành được sự tín nhiệm của tập thể những người cộng sản đã dày dạn trong con đường tranh đấu.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ năm, mật thám Pháp biết rõ đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thay thế đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư nên tổ chức ráo riết lùng bắt bằng được, vì vậy, đồng chí đã bí mật trở lại Hà Nội chỉ đạo báo chí công khai của Đảng qua nhóm ở báo Tin tức, chỉ đạo ra báo Dân chúng và nhóm Dân chúng ở Sài Gòn. Tại Hà Nội, dù hoạt động bí mật, đồng chí đã cùng Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội, kỷ niệm ngày quốc tế Lao động 01/5/1938 tại khu Đấu Xảo. Đây là sự kiện lớn nhất cả nước trong giai đoạn đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ những năm 1936 - 1939 do Đảng lãnh đạo. Bên cạnh đó, đồng chí chỉ đạo Xứ ủy cử người tham gia tranh cử vào Viện dân biểu Bắc, chỉ đạo nhiều hoạt động của Đoàn thanh niên dân chủ Bắc Kỳ, viết nhiều bài báo quan trọng.

Khi đang hoạt động ở Hà Nội, nhận được báo cáo của Trung ương rằng nhiều lãnh đạo của Đảng đã bị bắt ở Sài Gòn, các phần tử Trosky tăng cường hoạt động khiêu khích những người cộng sản nên đồng chí đã bí mật vào Sài Gòn.

Sau Tết, đồng chí ra ngay Hà Nội, bí mật hoạt động ở nhiều nơi để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội và thường xuyên liên lạc với Trung ương ở Sài Gòn. Thời gian này, đồng chí viết hàng trăm bài báo giàu tính chiến đấu, đặc biệt là bài Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương và hoàn thành tác phẩm rất nổi tiếng Tự chỉ trích theo tinh thần Bonsevik vào khoảng tháng 6/1939 và cử người đưa vào Sài Gòn xuất bản vào tháng 7/1939 gây ra tiếng vang lớn. Cho đến ngày nay, Tự chỉ trích vẫn là một tác phẩm có giá trị lịch sử to lớn, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 28/9/1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Pháp cấm tuyên truyền cộng sản trên toàn cõi Đông Dương, ra lệnh khủng bố, lùng bắt những người cách mạng. Nắm bắt chắc tình hình, tháng 9/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Trung ương Đảng chỉ đạo toàn Đảng rút vào hoạt động bí mật, xây dựng nhiều cơ sở bí mật, cử cán bộ ra nước ngoài bắt liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tình hình rất khẩn trương nên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội vào Sài Gòn để chuẩn bị họp Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Tới Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ gặp Xứ ủy Trung Kỳ, gặp Bí thư Liên tỉnh ủy Nghệ An - Hà Tĩnh Đinh Văn Di chỉ thị những nhiệm vụ cần làm cho Xứ ủy và lên tàu tiếp tục vào Nam. Tên Đinh Văn Di lúc này đã phản bội Đảng nên báo ngay cho mật thám Pháp. Do chuyến đi được chuẩn bị chu đáo, mặc dù mật thám ráo riết truy lùng nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ vẫn tới căn cứ Trung ương an toàn. Được sự giúp đỡ tích cực các đồng chí Trung ương và lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ cũng như Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã soạn thảo xong văn kiện Chính sách mới của Đảng để trình Hội nghị Trung ương lần thứ sáu thảo luận.

Từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, tại Mười tám thôn Vườn Trầu, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn - Gia Định, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đã thảo luận sâu sắc để đề ra chính sách mới của Đảng. Hội nghị đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động công khai và bán công khai của Đảng vào bí mật. Hội nghị cũng quyết định khẩu hiệu đấu tranh, hình thức đấu tranh, mục tiêu và lực lượng cách mạng, vấn đề mặt trận và vấn đề chính phủ sau này, cũng như thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Có thể nói Hội nghị Trung ương 6 đã ghi nhận bước đầu Đảng đã trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ thành lập Đảng, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược khi bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế thay đổi nhanh chóng, ghi nhận sự nhạy bén và sáng tạo của người Tổng Bí thư trẻ tuổi.

Ngay sau Hội nghị, các đại biểu về địa phương triển khai thực hiện nghị quyết về chính sách mới của Trung ương, còn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở lại Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo chung công việc của toàn Đảng. Lúc này, thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố trắng, lùng bắt những người cộng sản. Rạng sáng ngày 17/01/1940, tại nhà số 312 đường Nguyễn Tấn Nghiệm (sau năm 1954 là đường Phát Diệm và hiện nay là đường Trần Đình Xu), mật thám Pháp đã vây bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn cùng nhiều cán bộ cách mạng. Tên Bazin trùm mật thám Nam Kỳ trực tiếp hỏi cung và tra tấn dã man đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhưng đều không có kết quả. Cuối năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần,.. bị chính quyền thực dân mở nhiều phiên tòa, kết tội ở nhiều bản án khác nhau. Khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và thất bại, ngày 25/3/1941, Tòa án binh Sài Gòn kết tội đồng chí là người khởi thảo Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất phản đế, “chủ trương bạo động”, “chịu trách nhiệm tinh thần” về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình.

Sáng ngày 28/8/1941, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng đã bị địch xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Đồng chí hy sinh khi mới 29 tuổi.

Nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn) - nơi Pháp xử bắn đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Nguồn: Báo Công an nhân dân)

Là Tổng Bí thư của Đảng khi cao trào cách mạng dân tộc, dân chủ dâng cao, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người cộng sản lỗi lạc, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta, đấu tranh không khoan nhượng để vạch mặt bọn Trosky, nâng cao sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược sang thời kỳ mới, là tấm gương về đạo đức cách mạng sáng ngời.

Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng xúc động đánh giá về bậc tiền bối: “Nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”[3]. Dịp này, Đảng - Nhà nước ta xây dựng khu tưởng niệm gồm tượng đài, Nhà lưu niệm, khuôn viên rất khang trang tại quê hương đồng chí. Trường Chính trị tỉnh Bắc Ninh, nhiều trường học, công viên, đường phố của tỉnh Bắc Ninh được mang tên đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Trước đó, từ năm 1976, tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh đã cho dựng khu di tích Nguyễn Văn Cừ.

Trên cả nước, có nhiều đường phố, trường học, công trình văn hóa mang tên đồng chí Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất của Đảng: tại thủ đô Hà Nội, con đường đẹp từ cầu Chương Dương đến vòng xoay ngã ba Cầu Chui thuộc Gia Lâm mang tên Nguyễn Văn Cừ. Cũng ở huyện Gia Lâm có một trường phổ thông trung học đặt ở xã Đa Tốn mang tên đồng chí Nguyễn Văn Cừ; tại Thành phố Hồ Chí Minh, quận 1, quận 5 đều có đường phố Nguyễn Văn Cừ và một trường phổ thông trung học ở huyện Hóc Môn mang tên đồng chí Tổng Bí thư của Đảng.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
--------------

[1] Có tài liệu nói thời gian trên bao gồm cả họp trù bị trước khi diễn ra Hội nghị chính thức.

[2] Dẫn theo Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 125.

[3] Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,369
  • Tháng hiện tại24,185
  • Tổng lượt truy cập1,350,320
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây