Bác Hồ với thanh niên Việt Nam
Tiêu chuẩn cán bộ Đoàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Điều đó có thể hiểu sự nghiệp của Đoàn do đội ngũ đoàn viên quyết định. Nhưng để quần chúng thể hiện sức mạnh của mình đưa cách mạng đến thắng lợi, quần chúng lại cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo của giai cấp mình. Trong mối quan hệ này, Hồ Chí Minh chỉ ra: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Đoàn thanh niên là một tổ chức quần chúng cách mạng cần có đội ngũ cán bộ tốt mới có thể lãnh đạo đưa sự nghiệp của Đoàn đến thành công. Bởi theo Người: “Việc nước lấy Đoàn thể làm cốt cán. Việc Đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán. Cán bộ lấy đức làm cốt cán”(2). Để xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn tốt, trong công tác cán bộ phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng mà Đoàn thanh niên đảm nhiệm. Lựa chọn cán bộ phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, của tổ chức cách mạng - tức lựa chọn và đào tạo cán bộ phải có tiêu chuẩn. Từ rất sớm Hồ Chí Minh đã đưa ra những tiêu chuẩn để lựa chọn và đào tạo cán bộ, trong đó có bốn tiêu chuẩn cơ bản cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
Một là, “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh”(3). Đây là tiêu chuẩn hàng đầu đối với cán bộ và cũng là yêu cầu cao nhất đối với các loại cán bộ trong đó có cán bộ Đoàn. Từ rất sớm, trong bài Hoan nghênh thanh niên đi học quân sự, Người căn dặn: “Đối đoàn thể phải trung thành. Phải dũng cảm phải hy sinh mới là”(4). Tiêu chuẩn này đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải kiên định có lập trường tư tưởng vững vàng, không dao động trước mọi thử thách, mọi khó khăn; luôn luôn tích cực, hăng hái nhiệt tình và luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, một lần nữa Người khẳng định “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(5).
Hai là, “Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng”(6). Tiêu chuẩn này không chỉ đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải gần nhân dân, hiểu biết tâm tư nguyện vọng của họ và quan tâm đến lợi ích của nhân dân nói chung, mà người cán bộ Đoàn phải gắn bó mật thiết với đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhi đồng, hiểu biết họ và phấn đấu vì lợi ích của họ. Như thế thì họ mới tin cậy, cán bộ Đoàn và nhận cán bộ Đoàn là người lãnh đạo của họ. Tiêu chuẩn này thể hiện sự tín nhiệm của đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi và nhi đồng với cán bộ Đoàn và đó cũng là uy tín của cán bộ Đoàn trước quần chúng của mình. Những cán bộ Đoàn không phấn đấu đạt được tiêu chuẩn này thì chỉ là những phần tử cơ hội, họ sẽ bị loại khỏi cương vị người cán bộ. Phải dựa vào quần chúng, gắn bó với quần chúng, vì: “Chúng ta phải biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(7).
Ba là, cán bộ Đoàn phải là “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn” (8). Tiêu chuẩn này đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm cao hơn quần chúng mới có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo” của Đoàn. Và người cán bộ lãnh đạo đúng đắn của Đoàn cần phải: “Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”(9). Như vậy, người cán bộ Đoàn phải dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm - tức là người cán bộ Đoàn phải có bản lĩnh chính trị, có năng lực, biết suy nghĩ và vượt khó phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ về mọi mặt.
Bốn là, cán bộ Đoàn phải là “Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”(10). Tiêu chuẩn này đòi hỏi ý thức trách nhiệm của người cán bộ Đoàn với công việc, với tổ chức và với đồng chí. Người cán bộ Đoàn vươn tới tiêu chuẩn này chính là điều kiện đảm bảo được sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, trong tổ chức để phát huy sức mạnh của tổ chức Đoàn.
Bốn tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ Đoàn theo tư tưởng Hồ Chí Minh như trên cũng là những phẩm chất mà người cán bộ Đoàn cần hướng tới phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện mình. Những tiêu chuẩn này cho thấy, khi lựa chọn cán bộ phải thấy hết khả năng, xu hướng phát triển của từng người, phải lựa chọn đúng, tránh những phần tử cơ hội, những người năng lực phẩm chất kém tìm cách lừa lọc chui vào hàng ngũ cán bộ Đoàn. Việc tuyển chọn cán bộ Đoàn theo các tiêu chuẩn trên mới chỉ là bước đầu, cần làm tốt những bước đào tạo, huấn luyện tiếp theo mới giúp người cán bộ Đoàn hoàn thiện để có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ, của cách mạng, của Đoàn.
Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Đoàn
Theo Hồ Chí Minh, “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”. “Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(11). Bởi vậy, phải có cán bộ Đoàn tốt thì mới có phong trào thanh niên phát triển. Muốn có đội ngũ cán bộ Đoàn tốt phải đầu tư đào tạo, bồi dưỡng họ, đó là việc làm tất yếu để tạo ra “tiền vốn” của phong trào thanh niên. Cán bộ Đoàn cần được đào tạo, bồi dưỡng những vấn đề gì và đào tạo bồi dưỡng như thế nào sẽ quyết định chất lượng “tốt” của người cán bộ Đoàn. Hồ Chí Minh cho rằng, đào tạo cán bộ Đoàn cần chú ý những nội dung sau:
Một là, giáo dục người cán bộ Đoàn thành người tiêu biểu có lý tưởng cách mạng. Giáo dục lý tưởng cách mạng cho người cán bộ Đoàn là vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu. Thực hiện nội dung này là giáo dục nhận thức để người cán bộ Đoàn có giác ngộ và niềm tin cao về lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là làm cho người cán bộ Đoàn thấy rõ trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện lý tưởng, dẫn dắt thanh niên có hành động cách mạng đúng đắn và tích cực. Như Hồ Chí Minh căn dặn, người cán bộ Đoàn “Không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới” (12). Và người cán bộ Đoàn “có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh” (13).
Người cán bộ Đoàn là tiêu biểu có lý tưởng mới có khả năng giáo dục lãnh đạo, tổ chức thanh niên chiến thắng những nọc độc của đế quốc thực dân để góp phần xây dựng thành công chế độ mới ở Việt Nam. Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong xã hội cũ, có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hóa độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh… để làm cho thanh niên hư hỏng, trụy lạc. Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những gì có thể ảnh hưởng xấu đến đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên” (14).
Hai là, giáo dục, bồi dưỡng cho người cán bộ Đoàn thành người tiêu biểu có đạo đức cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cộng sản là đạo đức mới, đạo đức cách mạng - nó là “cái gốc” của người cách mạng, của người cán bộ Đoàn. Người cán bộ Đoàn được giáo dục đạo đức cách mạng phải là người tiêu biểu của phẩm chất đạo đức tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Trung thành với Tổ quốc trước hết thể hiện ở tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân triệt để - tức là “yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày mỗi ấm no thêm, Tổ quốc ngày một giàu mạnh thêm” (15). Theo Người, đó là đạo đức cách mạng: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” (16). Với quần chúng thanh niên, người cán bộ Đoàn được giáo dục đạo đức phải biết “hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng” (17). Và phải hiểu rõ sinh hoạt của thanh niên, biết họ còn khó khăn như thế nào, biết chia sẽ những lo lắng, những vui buồn, những công tác nặng nhọc của thanh niên.
Người cán bộ Đoàn được giáo dục đạo đức cách mạng phải là người cần kiệm liên chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị. Đó là người cán bộ Đoàn có tinh thần lao động tích cực, siêng năng, tiết kiệm, có năng suất cao; là người “trung thành, thật thà, chính trực” trong đời công và đời tư; là người có nếp sống văn hóa, có tình đồng chí, quan tâm tới mọi đoàn viên. Người cán bộ Đoàn phải gương mẫu thực hiện 5 điều dạy thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có điều: “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi”. Người cán bộ Đoàn được giáo dục đạo đức cách mạng phải là người biết tự trọng, biết kiềm chế, “Không tham địa vị. Không tham tiền. Không tham sung sướng. Không ham tâng bốc mình” (18).
Người cán bộ Đoàn được giáo dục đạo đức cách mạng phải là người chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo lợi ích riêng mình…, nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu, như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng” (19). Chưa chiến thắng chủ nghĩa cá nhân chưa đủ tư cách là người cán bộ Đoàn. Muốn chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, người cán bộ Đoàn phải rèn luyện ý chí cách mạng, phải có chí khí “đào núi và lấp biển”, phải biến tình cảm đạo đức “Trung với nước, hiếu với dân” thành hành động đạo đức có hiệu quả “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Ba là, người cán bộ Đoàn phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp và thể chất. Hồ Chí Minh gọi tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Tuổi trẻ, thanh niên tiêu biểu cho sự nhanh nhạy với cái mới, đại diện cho xu thế phát triển của dân tộc. Cán bộ Đoàn lại là tiêu biểu của tuổi trẻ, của thanh niên, họ phải được đào tạo, bồi dưỡng, trong Thư gửi thanh niên, ngày 2 tháng 9 năm 1965, Người viết: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân” (20). Như Hồ Chí Minh dạy, người cán bộ Đoàn không vững vàng về chính trị thì “như người nhắm mắt mà đi”, chỉ khi họ nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất.
Cán bộ Đoàn phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghề nghiệp. Theo Hồ Chí Minh: làm việc gì học việc ấy. Dù là cán bộ Đoàn hay đoàn viên, như Hồ Chí Minh dạy: “Mỗi người phải biết một nghề để sinh hoạt. Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Ví dụ: những đồng chí lãnh đạo hoả xa phải biết chuyên môn về hoả xa, có thế lãnh đạo mới sát” (21). Với cán bộ Đoàn còn cần được đào tạo, bồi dưỡng về công tác thanh niên. Tổ chức thanh niên là một tổ chức quần chúng đông đảo, đa dạng. Đoàn thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng, là người phụ trách dắt dìu các cháu nhi đồng. Bởi vậy công tác thanh niên không thuần túy là vấn đề nghiệp vụ mà còn là vấn đề chính trị - xã hội. Xuất phát từ tính chất như vậy, Hồ Chí Minh căn dặn việc huấn luyện cán bộ ngoài lý luận phải dạy công tác - từ việc động viên, thi đua ái quốc... phải giải thích cho đoàn viên thanh niên hiểu, phải động viên thế nào, sắp đặt công việc thế nào. Và Người đòi hỏi phải biết vận dụng tổng hợp các yếu tố vào công tác của người cán bộ.
Bốn là, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cần thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề” (22). Người giải thích, hiểu thấu vấn đề có nhiều cách: hiểu thấu bằng dạy tỉ mỉ đòi hỏi nhiều thời gian; cách thứ hai là dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được. Dạy bao quát nhưng vẫn đảm bảo cho người học nắm được đặc điểm và bản chất của vấn đề để trên cơ sở đó người cán bộ Đoàn dùng được sự hiểu biết của mình vào công tác. Như vậy công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn đạt được thiết thực, chu đáo không tham nhiều.
Huấn luyện từ dưới lên trên là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: các ban huấn luyện không nên ôm đồm. Phải lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi trở lại cấp dưới để họ huấn luyện cho cấp dưới nữa. Trung ương huấn luyện cán bộ cho khu, các tỉnh, cán bộ khu, tỉnh phải huấn luyện cho cán bộ huyện, xã. Huấn luyện bằng cách này để có hiệu quả tốt, Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhưng muốn huấn luyện theo lối này thì phải huấn luyện cho chu đáo. Đừng bôi bác, nếu ở trên bôi bác thì càng xuống dưới càng sai lệch” (23).
Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Thực hiện cách này, cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải có những tài liệu dựa theo tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác làm rõ những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Như thế thì lý luận mới khỏi tách rời thực tế. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo cách thức trên cơ sở nguyên tắc: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội” (24).
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải nhằm đúng nhu cầu.Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đào tạo cán bộ là cốt để cung cấp cho các cấp. Các cấp tổ chức Đoàn như người tiêu thụ hàng. Các cơ quan đào tạo như người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Người nói: người ta cần nhiều xe mà mình làm nhiều bình tích thì hàng sẽ ế.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng.Đào tạo, bồi dưỡng tức là làm công tác huấn luyện. Hồ Chí Minh yêu cầu huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy sửa khuyết điểm cho họ. Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc, như tự kiêu, tự mãn. Nếu còn tự kiêu tự mãn thì học biết nhiều chỉ thêm hại. Do tự kiêu tự mãn mà dẫn tới khuyết điểm lớn nữa là óc địa vị, vì có bệnh địa vị sẽ không chấp hành sự phân công của tổ chức, cho rằng mình phải ở cấp trên kia. Hồ Chí Minh đòi hỏi trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải làm cho họ đập tan bệnh tự kiêu, tự mãn; “Phải gột sạch đầu óc địa vị đi. Việc gì có lợi cho cách mạng, có lợi cho Đoàn thể là làm hết, không có việc gì sang, việc gì hèn cả” (25).
Bác Hồ với thanh niên thủ đô. Ảnh tư liệu
Đánh giá và sử dụng cán bộ Đoàn
Đánh giá cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ Đoàn nói riêng là một khâu quan trọng và khó trong công tác cán bộ. Hồ Chí Minh nhận xét: “Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ” (26). Mà muốn đánh giá cán bộ, trước hết người đánh giá phải tự biết mình. Người ta thường phạm những bệnh: tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Hồ Chí Minh cho rằng: “Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông” (27). Vì vậy, muốn đánh giá đúng cán bộ nói chung và cán bộ Đoàn nói riêng phải theo những quan điểm sau:
Trước hết, người đánh giá phải tự biết mình, phải sửa chữa những khuyết điểm của mình.
Hai là, phải có quan điểm động, thấy rõ hiện tại nhưng cũng phải chú ý được những khả năng của chiều hướng tương lai của người cán bộ được đánh giá. Hồ Chí Minh nêu: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa (28).
Ba là, đánh giá cán bộ phải có quan điểm toàn diện. Hồ Chí Minh dạy: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem xét một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ” (29).
Hồ Chí Minh phân tích cụ thể: Ai mà hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng cương quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt.
Sử dụng cán bộ Đoàn theo tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi phải đặt người đúng việc, phải có cách đối với cán bộ cho tốt, tất cả để nhằm giúp cho cán bộ cống hiến cho phong trào Đoàn, phong trào của thanh niên, của thế hệ trẻ và làm cho người cán bộ Đoàn trưởng thành. Muốn vậy theo tư tưởng của Người, sử dụng cán bộ Đoàn cần chú ý làm tốt những cách thức sau:
Một là,sử dụng cán bộ phải có cách “chỉ đạo” rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên răn họ cứ cả gan mà làm dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng trước khi trao công tác phải bàn kỹ với cán bộ, giúp họ phương hướng và điều kiện thực hiện. Cán bộ đã nhận công tác thì phải tin họ, không nên bao biện, việc gì cũng nhúng vào làm cho cán bộ mất tinh thần phụ trách, không có gan phụ trách, hết lòng hăng hái làm việc. Sử dụng cán bộ như thế là một việc thất bại cho Đảng, cho Đoàn.
Hai là, sử dụng cán bộ phải “nâng cao” cán bộ, tức là phải luôn tìm cách và tạo điều kiện cho cán bộ được nâng cao về lý luận và cách làm việc để tư tưởng và năng lực cán bộ ngày càng tiến bộ và phát triển. Trong thực hành công việc, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện dân chủ. Cấp trên “Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến cấp dưới” (30), làm cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Nếu ý kiến cấp dưới đúng, cấp trên phải nghe theo và khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ.Nếu ý kiến cấp dưới không đúng, cấp trên phải có thái độ thân thiết giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ.
Ba là, sử dụng cán bộ “Phải có gan cất nhắc cán bộ”. Sử dụng cán bộ là nhằm cho công việc cách mạng tiến triển. Theo Hồ Chí Minh “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng” (31). Như vậy cất nhắc cán bộ là một khâu trong sử dụng cán bộ. Nhưng Hồ Chí Minh đặt vấn đề “Phải có gan cất nhắc cán bộ”, tức là cất nhắc cán bộ phải:
“Phải biết rõ cán bộ”, tức biết rõ cán bộ trong quá khứ, hiện tại; biết rõ ưu điểm và khuyết điểm; biết rõ trong quan hệ của cán bộ; xem cách nói, cách viết, lời nói với việc làm và cả cách sinh hoạt của cán bộ.
Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi sai lầm thì đẩy xuống. Ngược lại cách sử dụng đúng cán bộ trong cất nhắc cán bộ là xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc; sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên răn họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng ở họ.
Bốn là, sử dụng cán bộ phải thực hiện “kiểm tra” và “cải tạo”.
“Kiểm tra” là xem xét cán bộ tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Đoàn và chính sách của Nhà nước như thế nào. Như vậy là kiểm tra để giúp cán bộ làm việc tốt hơn, tiến bộ hơn, đồng thời cũng kịp thời uốn nắn, sửa chữa những khuyết điểm của cán bộ.
“Cải tạo” là thấy cán bộ có sai lầm phải lập tức sửa chữa ngay. Không được để trầm trọng mới giải quyết làm nản lòng, mất hết lòng hăng hái của cán bộ. Hồ Chí Minh nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”. Người nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”(32).
Muốn cán bộ có sai lầm, khuyết điểm thành tâm sửa chữa, tự cải tạo mình, thì lãnh đạo phải giải thích rõ ràng, tức phải phê bình cho đúng, làm cho người cán bộ trẻ trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho cán bộ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi.
Năm là, sử dụng cán bộ phải “giúp đỡ” cán bộ, phải “yêu thương cán bộ”. Hồ Chí Minh cho biết, yêu thương cán bộ không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu cán bộ là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẩn…
Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú ý khi đề cập: Thương yêu cán bộ là phải luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói cả gan phụ trách, cả gan làm việc ở họ. Phải giúp đỡ cán bộ vun đắp chí khí của họ để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê bình cán bộ, chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi cán bộ, phải làm cho họ hiểu rằng: năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo là bước đầu của thất bại.
-------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.293
(2) (3) (6) (7) (8) (9) (10) (16) (18) (26) (27) (28) (29) (30) (31) (32) Sđd, tập 5, tr.265;tr.315; tr.315; tr.335; tr.315; tr.315; tr.315;tr.292; tr.292; tr.317; tr.317; tr.317; tr.318; tr.321; tr.314; tr.323
(4) tập 3, tr.235
(5) tập 11, tr.605
(11) (13) (19) (21) (22) (23) (25) Sđd, tập 6, tr.356; tr.361; tr.90; tr.357; tr.357; tr.358; tr.359
(12) (20) Sđd, tập 14, tr.467; tr.619
(14) (24) Sđd, tập 9, tr.265-266; tr.265
(15) (17) Sđd, tập 11, tr.401; tr.609
Tiến sĩ Hà Sơn Thái
Ý kiến bạn đọc