Phong cách trọng dân của Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 01/03/2019 03:03 295 0

Phong cách trọng dân của Hồ Chí Minh

Phong cách trọng dân của Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân nông trường Mộc Châu, ngày 8-5-1959.

 1. Phong cách kết tinh tư tưởng và đạo đức

Được nhân dân giao cho trọng trách với niềm tin tưởng tuyệt đối và lòng thành kính, ngưỡng mộ vô hạn đối với nguyên thủ quốc gia, Người có thư cảm ơn Quốc hội và quốc dân đồng bào, tự coi mình: Như một người lính, vâng lệnh quốc dân đồng bào ra trận, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân, tuyệt đối không màng danh lợi. Trong thư, Người giãi bày trước nhân dân về tình cảm, trách nhiệm của mình bằng những lời lẽ thân tình, chân thành nhất: Được đồng bào tín nhiệm giao phó cho trọng trách thì tôi một lòng một dạ phục vụ đồng bào. Còn khi nào đồng bào bảo tôi thôi, thì tôi sẵn sàng lui. Tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ, bên suối vắng, cùng các cụ già và đàn cháu nhỏ vui chơi, trồng hoa, câu cá, ngâm thơ, tôi tuyệt nhiên không màng danh lợi. Cả đời tôi, tôi nguyện ở ngoài vòng danh lợi. Đó là tư tưởng dân chủ, thân dân và trọng dân, thương dân; là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt việc dân việc nước lên trên hết, trước hết, “dĩ công vi thượng” của Hồ Chí Minh.

Làm nên sự vĩ đại, cao thượng của Hồ Chí Minh, từ cuộc đời và sự nghiệp, từ tư tưởng đến đạo đức, biểu hiện thành phương pháp và kết tinh thành phong cách, trước hết là động cơ và mục đích vì nước, vì dân, tìm “Đường cách mệnh” để cứu nước, cứu dân ra khỏi tình cảnh nô lệ, đói nghèo cùng cực, giành lấy độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân. Động cơ, mục đích ấy thúc đẩy Người dấn thân, dâng hiến trọn vẹn, toàn vẹn cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh cuộc sống riêng tư, tuyệt nhiên không một chút riêng tư, đủ dũng khí, nghị lực đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Đó là đạo đức trong sáng và đời tư trong sạch, bởi Người là hiện thân đầy đủ, tiêu biểu nhất cho triết lý nhân sinh và hành động đã lựa chọn, thực hành suốt đời “vô ngã vị tha”; là cốt cách, bản lĩnh, phong cách của Người với những đặc trưng đã thành chuẩn mực, thành lẽ sống và biểu hiện ra hết sức tự nhiên, không một chút gượng ép nào. Người luôn khiêm nhường, thành thật, giản dị, nhất là trong làm việc và ứng xử, từ những quyết sách hệ trọng, “quốc gia đại sự”, vận nước, vận Đảng lúc cam go thử thách, đến chuyện sinh hoạt đời thường. Tất cả đều nhất quán, hài hòa, thấu lý đạt tình.

Sự nhất quán ở Hồ Chí Minh thể hiện trong tư tưởng “giữ chủ nghĩa cho vững”, “cách mạng đến nơi”, “phấn đấu đến cùng cho lợi quyền của dân chúng số nhiều”, độc lập thực sự, tự do chân chính, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thể hiện trong đạo đức “với mình phải nghiêm, với người phải rộng lòng khoan thứ”, rèn đủ bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính mới thành người hoàn toàn, do đó phải phấn đấu suốt đời. Người cách mạng phải như vậy. Đảng cách mạng chân chính càng phải như vậy, là đạo đức, là văn minh; thể hiện thành phong cách với phương châm hành động “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và trong hoạt động thì “nói ít làm nhiều”, “lời nói đi đôi với việc làm”, “đã nói thì phải làm”. Chỉ như vậy mới thuyết phục, cảm hóa được lòng dân, nêu gương cho dân để dân tin, dân theo Đảng đến cùng.

Phong cách thể hiện và kết tinh cả tư tưởng và đạo đức, là giá trị của một nhân cách đã trưởng thành, như một giá trị văn hóa. Thực hành phong cách như một nhu cầu văn hóa, thôi thúc tự nội tâm, bên trong đời sống chủ thể - những cá nhân và cá thể - trong giao tiếp, ứng xử với mọi người, với công việc, với tổ chức giữa các mối quan hệ. Vậy nên, “phong cách chính là con người”. Trong lãnh đạo và quản lý, Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, rút ra những kết luận, nhận định, đánh giá có sức nặng của lý luận và khái quát chân lý từ những phân tích khoa học, quan sát và phản ứng linh hoạt, nắm bắt chính xác bản chất của thực tiễn. Đặc biệt, là phép dùng người của Hồ Chí Minh, chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra khéo lại rất mực tôn trọng tài năng, cá tính của những người tài, nên phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của họ vào mọi công việc ích nước, lợi dân. Tin cậy đi liền với tôn trọng, thương yêu, bao dung mà nghiêm khắc là bí quyết dùng người, phong cách dùng người trong lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh. Mọi sắc thái biểu hiện ấy trong phong cách Hồ Chí Minh quy tụ lại là văn hóa, văn hóa ở đời và làm người. Với Hồ Chí Minh, “ở đời thì phải thân dân”, “làm người thì phải chính tâm”, Người nâng tư tưởng thân dân từ truyền thống của ông cha thành dân chủ và thực hành dân chủ, chính tâm thành đạo đức cách mạng và thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Đó là giá trị mới, ý nghĩa mới đem lại sức mạnh mới trong phong cách trọng dân của Hồ Chí Minh.

2. Phong cách trọng dân của Hồ Chí Minh - từ nhận thức lý luận đến hành động thực tiễn

Theo Hồ Chí Minh: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Người khẳng định: Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân và thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ và vượt qua mọi khó khăn. Như vậy, từ rất sớm, Người đã nhận ra vai trò động lực phát triển của dân chủ. Trong tác phẩm “Dân vận” (năm 1949), Người đã nhấn mạnh: “Nước ta là một nước dân chủ. Chế độ ta là một chế độ dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Dân đã có quyền làm chủ thì cũng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người chủ. Với Hồ Chí Minh, quyền không tách rời nghĩa vụ, lợi ích đi liền với trách nhiệm. Dân là chủ thì từ Chủ tịch nước trở xuống, cho đến cán bộ, công chức, nhân viên chính phủ đều là người phục vụ, là công bộc tận tụy và đầy tớ trung thành của dân. Người đặc biệt quan tâm tới lợi ích và quyền lực thực sự của dân. Nước nhà đã có độc lập, tự do mà dân vẫn đói rét, cực khổ, dốt nát, lạc hậu thì độc lập, tự do, dân chủ cũng chẳng để làm gì. Dân chỉ biết đến tự do, dân chủ khi được ăn no, mặc ấm. Do đó, chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, có chỗ ở, được học hành. Đó là tính hiện thực và đạo lý nhân văn của dân chủ. Để bảo vệ dân và dân chủ, Người luôn quan tâm tới việc dân giám sát, dân kiểm tra mọi việc làm, hành vi của cán bộ, đảng viên công chức. Theo Bác, chỉ có dựa vào dân thì mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh và chỉ có thực hành dân chủ thực chất mới chống được quan liêu, tham nhũng; phải trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, giữ nghiêm luật pháp, kỷ cương để Nhà nước trong sạch, bảo vệ và phục vụ dân. Những chỉ dẫn đó của Người cho ta thấy, dân chủ có tầm quan trọng đặc biệt như thế nào trong xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ và xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Phong cách trọng dân của Người hình thành từ nền tảng dân chủ là như vậy, từ đề cao vai trò của dân, quyền lực của dân đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với dân.

Để thực hành phong cách trọng dân, Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đồng thời tự mình nêu gương, làm gương cho mọi người noi theo. Người căn dặn, phải giải phóng sức dân, phát triển sức dân, chăm lo bồi dưỡng dân, lại phải biết tiết kiệm sức dân. Mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra, từ lao động khó nhọc hằng ngày. Cho nên, thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí là không thương dân. Tham ô, tham nhũng là ăn cắp của dân, có tội với dân, phải nghiêm trị theo luật nước, luật Đảng (Điều lệ Đảng), tuyệt đối không có ngoại lệ nào. Người còn giải thích, đồng bào đóng thuế để Chính phủ có tiền trả lương cho công chức, nên nếu lười biếng, vô trách nhiệm là có tội với dân, là lừa gạt dân chúng.

Không chỉ thực thi pháp luật cho nghiêm mà còn phải chú trọng thường xuyên việc giáo dục đạo đức, đề cao lương tâm, trách nhiệm, danh dự, phẩm giá, cho mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo. Phải ghi lòng tạc dạ “dân chủ” chứ không “quan chủ”; là đầy tớ, công bộc của dân chứ không lên mặt “quan cách mạng” để xa dân, hống hách, đè nén, áp bức dân. Đủ hiểu vì sao Người đặc biệt chú trọng tới đạo đức, coi đức là gốc. Thực hành phong cách trọng dân trong làm việc và trong ứng xử, Người luôn nêu gương mẫu mực thực hiện những lời mà Người căn dặn chúng ta làm theo, noi theo. Mọi việc thành hay bại đều từ dân. Việc khó mấy, có dân giúp đỡ cũng vượt qua được. Việc có dễ dàng, thuận lợi bao nhiêu mà không có dân tham gia cũng không thành, “phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”(2). Với phong cách trọng dân, Hồ Chí Minh đã dành hết tâm lực, trí lực vào việc Đảng, việc nước, việc dân, thực hành dân chủ, thực hành dân vận, thực hành đoàn kết, đại đoàn kết để thành công, đại thành công. Có biết bao ví dụ sinh động và cảm động nói lên tấm lòng, tình cảm, tình thương yêu và đức hy sinh của Bác Hồ dành cho dân, đó là những minh chứng đầy thuyết phục về phong cách trọng dân của Người.

Đọc “Tuyên ngôn độc lập” ở Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945, Người dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Người chu đáo, ân cần, gần gũi với dân như vậy. Người sợ đồng bào Hà Nội không nghe rõ tiếng phát âm xứ Nghệ - quê Người. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03-9-1945, Người đề nghị các Bộ trưởng trong Chính phủ do Người đứng đầu nhịn ăn, cứ 10 ngày nhịn một bữa, lấy gạo cứu dân nghèo và Người xung phong thực hiện đầu tiên. Đó thực sự là một Chính phủ của dân, thương dân và vì dân. Ngay sau khi phiên họp kết thúc, Người có thư gửi toàn thể quốc dân đồng bào thông báo, Chính phủ do Người đứng đầu bắt đầu tiếp dân, xin đồng bào đăng ký và gửi trước câu hỏi để Người chuẩn bị. Người cũng xin đồng bào nhớ cho, mỗi đoàn tiếp không quá 10 người, mỗi lần tiếp không quá một giờ để Người được nghe nhiều ý kiến của dân hơn, v.v. Không có vị Chủ tịch Chính phủ nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết thư gửi toàn quốc dân đồng bào, nhờ đồng bào hết lòng giúp đỡ Chính phủ, tìm người tài giỏi ra giúp nước, mách bảo cho Chính phủ để Chính phủ trọng dụng, ngay khi chính thể cộng hòa dân chủ mới ra đời. Người tin dân, trọng dân đến vậy. Người đến với dân ở cơ sở, đó là những chuyến đi không chỉ để thăm dân, từ các cụ già đến các em nhỏ mà còn để trực tiếp “nghe dân nói” và “nói cho dân nghe” để thấu hiểu ý nghĩ, nguyện vọng của dân và thấu cảm cuộc sống của dân, từ cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Người dõi theo những tấm gương điển hình “người tốt, việc tốt”, những thông tin trên báo chí. Người yêu cầu phải thật chính xác, việc tuyên truyền, khen, chê phải đúng lại phải khéo mới có tác dụng. Và cho đến phút cuối cùng, lúc lâm chung, Người vẫn chỉ nghĩ tới dân, lo cho dân, rất mực thương dân, “không thể bỏ dân mà đi được”, cả một đời đã tận tâm, tận lực vì dân, nay dù phải từ biệt thế giới này không có điều gì phải ân hận, chỉ nuối tiếc một điều, không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Khó có thể nói hết, kể hết bao nhiêu lời dặn dò, bao nhiêu việc đã làm thể hiện phong cách trọng dân của Hồ Chí Minh. Đó thực sự là một tài sản tinh thần vô giá của Đảng, của dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào lúc này, càng thấm thía giá trị và ý nghĩa phong cách trọng dân của Người.

--------------------------------------------

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232.

2 - Sđd, Tập 10, tr. 260.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay822
  • Tháng hiện tại42,145
  • Tổng lượt truy cập1,413,640
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây