Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh đã lưu lại cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước và nhân dân thế giới những dấu ấn rất đặc biệt. Đó là giá trị trường tồn của văn hóa Việt, trong các bước phát triển của dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử của một nhà văn hóa kiệt xuất... Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh biểu hiện ở những điểm chủ yếu là: thành tâm, thật lòng; tôn trọng, quý mến con người, khoan dung; tự mình đối với bản thân, v.v.
Thành tâm, thật lòng là điểm nổi bật trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Với mọi người, bất kể đó là người Việt Nam hay người nước ngoài, thuộc giai tầng nào, giới nào, có chính kiến, quá khứ hay hiện tại ra sao,… Hồ Chí Minh luôn lấy sự thành tâm, thật lòng để ứng xử. Và như thế, cái tâm lành thiện, trong sáng đã làm tan biến những e dè, ngần ngại, mặc cảm của những người khi gặp gỡ, tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Người thật lòng trong giao cảm, nên dễ dàng tạo được niềm tin, sức thuyết phục của mọi người đối với bản thân cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền cách mạng. Có những người lúc đầu đi theo cách mạng là do cảm phục nhân cách, nhận thấy được tấm lòng chân thật của Hồ Chí Minh chứ chưa từ sự cảm nhận, giác ngộ về lý tưởng, sự nghiệp. Những người vốn đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng, khi gặp Hồ Chí Minh thì lại càng hăng hái hơn. Những người suýt sa chân sang hàng ngũ bên kia, khi được Hồ Chí Minh cảm hóa đã kịp rút lại để nhập cuộc với đoàn quân cách mạng. Những người nước ngoài cùng chí hướng, thì cảm kích trước tấm lòng son, trung kiên, chung thủy với lý tưởng của Hồ Chí Minh để ủng hộ cách mạng Việt Nam… Sự thật tâm và tấm lòng thành là một điểm nhấn trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, là điều mà Người học được từ những bậc tiền nhân của dân tộc và cũng là nét tinh túy của văn hóa phương Đông: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mà bản thân không muốn thì đừng có làm đối với người khác.
Tôn trọng, quý mến con người, khoan dung là một điểm tạo nên phong cách ứng xử Hồ Chí Minh… Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, ngay trong số đầu của báo Le Paria (Người cùng khổ), Hồ Chí Minh đã đề cập giải phóng con người. Nhất quán quan điểm đó, trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”1. Người không những “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”2 và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”3, mà còn căn dặn Đảng về những công việc cần làm sau khi đã đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trong đó “đầu tiên là công việc đối với con người”4. Hồ Chí Minh luôn ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người; đó là lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Với Người, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp đều phải đi đến giải phóng con người thì mới có ý nghĩa thiết thực. Ứng xử Hồ Chí Minh dựa trên tình thương yêu, quý trọng con người trước hết dành cho những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng khổ, những người dễ bị tổn thương trong xã hội, các cụ già, em nhỏ và có phong cách ứng xử văn hóa đặc biệt đối với phụ nữ. Người đã để lại vô vàn những câu chuyện cảm động về tình cảm, ứng xử văn hóa đối với nhân dân, với lớp người bị thiệt thòi do hậu quả quan niệm không đúng của xã hội thực dân, phong kiến, đặc biệt là tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Khoan dung trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh không có chung bản chất với khoan dung trong tôn giáo. Khoan dung, ứng xử nhân ái của Hồ Chí Minh không có giới hạn biên giới quốc gia. Trong các bài báo, cuốn sách do Người viết, hiện lên số phận người lao động bị đế quốc đày đọa, từ người phụ nữ châu Phi, những thủy thủ, phu khuân vác Đắc-ca, Bra-xin, Xi-ry, Li-băng,… cho đến những công nhân, nông dân ở Ghi-nê, Đa-hô-mây, v.v. Đến thăm bất cứ nước nào, khi ở địa vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động, đặc biệt là đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Điều đó cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh được thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và nhiều nước trên thế giới gọi là Bác Hồ; được nhân dân Việt Nam và rất nhiều tầng lớp nhân dân trên thế giới gọi là Bác Hồ. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng về tình hữu ái của con người trên trái đất. Tình nhân ái trong ứng xử Hồ Chí Minh không dừng ở lời nói mà còn được thể hiện rõ trong hành động. Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đấu tranh bảo vệ người bị áp bức, phấn đấu vì sự nghiệp tiến bộ, đưa lại cho con người tự do, ấm no, hạnh phúc, phấn đấu vì lý tưởng giải phóng triệt để cho con người vươn tới cái tất yếu của vương quốc tự do.
Với tư tưởng giải phóng con người, yêu thương con người, khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã giao tiếp, ứng xử với nhiều người trong cuộc sống, và lúc nào cũng vậy đều để lại ấn tượng sâu đậm. Vì thế, khi tiếp xúc với nhiều người, Hồ Chí Minh thường hay hỏi thăm về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình,… nghĩa là những điều liên quan tới đời tư. Riêng việc hỏi han về đời tư, đối với người Việt Nam thì đó là lối ứng xử bình thường, nhưng đối với những người nước ngoài thì chưa chắc đã phù hợp với văn hóa của họ, thậm chí có người rất kiêng kỵ và cho đó là tò mò khi giao tiếp. Hồ Chí Minh rất hiểu điều đó, nên trong giao tiếp, ứng xử nó được người ta tiếp nhận, cắt nghĩa là tấm lòng chân thành, bác ái bao la của một con người - nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Cái mà ở những người khác cho là điều không phù hợp thì đến Hồ Chí Minh trở thành điều tế nhị, nhã nhặn, lịch sự và quyến rũ. Một quả táo lấy từ bàn họp về cho cháu bé, một bông hoa tặng phụ nữ, một cử chỉ phá lệ ngoại giao để rẽ đoàn người ôm hôn thắm thiết người bạn sau bao năm xa cách, một sự đồng ý nhận lời làm cha nuôi trẻ sơ sinh, một cử chỉ đạp nước gầu guồng, tát nước gầu dai, tụt dép cao su lội ruộng thăm bà con đang gặt lúa và muôn vàn cử chỉ ứng xử khác nữa đã làm nên phong cách ứng xử lịch lãm, tự chủ, linh hoạt, ân cần, tế nhị, cởi mở, tự nhiên, bình dị, chan hòa, ấm cúng, khoan dung, khiêm nhường, bình tĩnh và đĩnh đạc, tỉnh táo của con người mang tên Hồ Chí Minh.
Tự mình đối với bản thân mình là một phong cách ứng xử rất đặc biệt của Hồ Chí Minh. Con người có các mối quan hệ rất phong phú, phức tạp trong cuộc sống hằng ngày và Người chia các mối quan hệ đó thành ba loại: đối với người; đối với việc; đối với mình. Trong đó, mối quan hệ “đối với mình” (tức là tự mình đối với bản thân mình) là khó nhất. Tự thấy, tự phê bình,… là đòi hỏi tự nhìn lại chính mình, đánh giá đúng, để vươn lên làm chủ bản thân mình trong sinh hoạt hằng ngày là không đơn giản. Trong quân sự, người ta nói rằng: biết mình, biết người, trăm trận không nguy. Biết người không khó bằng biết mình. Cái bệnh chủ quan thường thấy ở nhiều người là từ cái khó này mà ra. Người ta khen mình thì dễ, tự mình thấy mình tốt, giỏi giang thì không khó (như Hồ Chí Minh dùng tục ngữ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là “mèo khen mèo dài đuôi”). Nhưng người khác chê mình thì nhiều lúc khó được chấp nhận. Tự mình thấy cái dở, cái xấu của mình lại càng khó hơn. Và, đề cập vấn đề phong cách tự mình đối với bản thân mình là nói đến sinh hoạt cá nhân, gắn với chủ thể của con người hành động, nó bộc lộ hằng ngày, hằng giờ, không tự nhiên mà có và cũng không là phổ biến ở mọi người, mà nó chỉ có thể có được ở người qua trải nghiệm rèn luyện thực tiễn với hiểu biết, kiến thức sâu rộng cũng như tinh thần cầu thị đích thực.
Hồ Chí Minh là một người như thế, luôn làm chủ được bản thân, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh Người “không ham muốn công danh phú quý một chút nào”, “không dính líu gì tới vòng danh lợi”. Người đã giữ được nếp sinh hoạt giản dị, lành mạnh, đến cuối đời vẫn là một con người sống trong sạch, vì nước, vì dân, không vụ lợi. Đã có không ít thời kỳ Hồ Chí Minh có cuộc sống vật chất thật cực khổ, chịu mọi khổ ải của chúng sinh, nhất là lúc hoạt động bí mật và đặc biệt thời gian ở trong tù. Nhưng Hồ Chí Minh nhiều lúc thi vị hóa cuộc sống gian khổ của mình. Trong tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Người thi vị hóa tất cả nỗi khổ ải của một người tù phải trải qua: ăn đói, mặc rét, bị trói và bị dẫn giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, bị rụng răng, bị ghẻ lở, bị rệp cắn,… thành những bài thơ bất hủ. Khi miền Bắc được giải phóng, Hồ Chí Minh cùng cơ quan Đảng và Chính phủ về Hà Nội. Cơ quan đã định sắp xếp cho Người ở ngôi nhà của Toàn quyền Đông Dương (một ngôi nhà theo lối kiến trúc Pháp, rất đẹp, trang trọng với tổng diện tích sử dụng gần 1.300 m2), nhưng Người không ở mà đề nghị dùng ngôi nhà này làm nơi tiếp khách của Nhà nước (nay là Phủ Chủ tịch), còn Người tự nguyện sống và làm việc trong một ngôi nhà cấp 4 và sau này (năm 1958) là ngôi nhà sàn được xây mới.
Khi đã trở về Thủ đô Hà Nội, bữa ăn hằng ngày của Người ăn đủ chất, thanh đạm, sạch sẽ, tiết kiệm, không bày vẽ nhiều món, lãng phí. Điều này đúng như đức tính của Người khi phục vụ bàn trong một khách sạn ở Luân Đôn năm 1915. Hồi đó, những người khác vứt hết thức ăn thừa vào sọt rác, còn Người thì gói gém một số thức ăn thừa vào một tờ giấy sạch sẽ rồi đưa ra ngoài đường phố Luân Đôn cho những người nghèo khó. Mặc, Hồ Chí Minh quan niệm: “Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt”5. Người đi dép lốp cao su, mòn vẹt đế, gá miếng cao su vào chỗ bị vẹt chứ không thay đôi dép khác. Người đã dành dụm tiền lương và tiền nhuận bút (gửi sổ tiết kiệm) để tặng quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, tặng quà cho các cụ già. Có lúc, Người rút hết không còn một xu trong sổ tiết kiệm (năm 1967) ủng hộ các đội tự vệ sao vuông Hà Nội trực chiến pháo 12,7 mm trên các nóc nhà khu Ba Đình và các đơn vị trực chiến khác mua nước giải khát trong mùa hè ác liệt đạn bom của chiến tranh phá hoại,v.v. Hồ Chí Minh làm những việc đó một cách tự nhiên, có ý thức rõ ràng về cuộc sống của một vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước ở một đất nước còn nghèo và không ra vẻ cao đạo, ra vẻ ta đây, mà đã thành nếp sống: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Hồ Chí Minh tự hành xử những điều đó trong cuộc sống hằng ngày, tuy giống, nhưng về bản chất thì không theo kiểu của tôn giáo, nghĩa là không ép xác khổ hạnh. Người sống một cuộc sống ung dung, thư thái, tự tại. Lúc gặp muôn vàn khó khăn, kể cả đối mặt với cái chết, Người vẫn bình tĩnh; lúc ở vào cái cao trào sự mừng vui nào đó của dân tộc và của cá nhân mình, Người không lạc quan tếu, không chủ quan, không tự kiêu, tự mãn. Người đã dồn tâm, dồn trí, dồn lực chăm lo cho nước cho dân, thoát khỏi mọi sự cám dỗ quyền lực, tiền bạc, phú quý. Hồ Chí Minh là con người chế định được cái tôi trong muôn sự biến thiên của cuộc đời. Người biết cái đủ và biết điểm dừng. Hồ Chí Minh nói nhiều đến cá nhân nhưng không sa vào chủ nghĩa cá nhân; nói nhiều đến dân tộc mà không sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Đặc biệt, Người nói nhiều đến quyết tâm làm một việc gì đó nhưng không sa vào chủ quan, duy ý chí, duy tâm; nói nhiều đến đạo đức và sự nghiêm minh của pháp luật nhưng không tuyệt đối hóa một cái nào mà luôn có sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa “đức trị” và “pháp trị”, vừa có lý vừa có tình,v.v.
Nhà văn hóa Hồ Chí Minh là như thế! Ứng xử của Người thật tuyệt vời. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh rất cần và phải được mọi người dân, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì, chủ chốt trong hệ thống chính trị học tập và vận dụng vào cuộc sống, nhất là trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Theo thaibinh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc