Nhận diện bất liêm để "xây" đức liêm

Thứ sáu - 15/02/2019 03:06 62 0

Nhận diện bất liêm để

Nhận diện bất liêm để "xây" đức liêm

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn

(huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)

đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu).

BIỂU HIỆN CỦA BẤT LIÊM Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”; liêm ngày nay rộng hơn ngày xưa, không chỉ gồm những người làm quan không đục khoét dân mà “mọi người đều phải Liêm”. Người cán bộ, người buôn bán, người có tiền, người cày ruộng,… đều phải có đức liêm. Trái với đức liêm là bất liêm. “Tham địa vị, tham tiền của, tham danh tiếng, tham ăn ngon là BẤT LIÊM”. Người buôn bán mà mua gian, bán lận là bất liêm; người có tiền mà cho vay cắt cổ, bóp họng đồng bào là bất liêm; người làm nghề mà nhân lúc khó khăn bắt chẹt đồng bào là bất liêm; người làm ruộng mà lấy cắp nước của láng giềng là bất liêm;… Đối với người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, trộm của công làm của tư là bất liêm; dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình, gặp việc phải mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm đều trái với LIÊM. Như thế, bất LIÊM của người cán bộ, theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung rộng, nó không chỉ là hành vi “đục khoét dân”, “ăn của đút lót”, “trộm của công” mà còn bao gồm các hành vi “lộng quyền”, “dìm người giỏi”, “háo danh”, “ngại khó ngại khổ” trong công việc. Hành vi bất liêm của người cán bộ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, hách dịch, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái. Xem thế, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là trái với liêm; sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là bất liêm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”. Người dẫn lời Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật” và dẫn lời Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Những cán bộ dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm để có dịp là đục khoét, ăn của đút, lộng quyền, “dĩ công vi tư” sẽ có hại cho Đảng, cho dân, cho nước. Hành vi của những cán bộ bất liêm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với chế độ mà nhân dân ta đang xây dựng, theo đó việc khơi dựng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bị suy giảm. Những cán bộ đục khoét của dân, tham ô, tham nhũng rất khó nhận diện nhưng không khó để vạch mặt chỉ tên, nếu thanh tra, kiểm tra được tiến hành tốt. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Song những cán bộ ngại khó ngại khổ, thiếu trách nhiệm trong thực thi chức trách, tham danh tiếng (háo danh), không minh bạch trong công tác cán bộ,… sẽ khó nhận diện dẫn đến khó xử lý. “Ăn của đút lót” là một hành vi mà cho đến nay việc nhận diện, xử lý chưa cho kết quả nhiều. Cần nhận rõ rằng, những hành vi đó trái với đức LIÊM, những cán bộ đó là BẤT LIÊM nên cần phải đấu tranh như đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng và nên xác định nó là một nội dung quan trọng trong đấu tranh phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Để làm trong sạch đội ngũ, để làm lành mạnh nền hành chính quốc gia, để cho người dân “bớt khổ” trong quá trình làm ăn, sinh sống của mình. cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống “ăn của đút lót” - “tham nhũng vặt” Một nền hành chính minh bạch, với đội ngũ cán bộ thanh liêm, “không đòi bôi trơn” sẽ tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho việc phát huy mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nếu “tham nhũng vặt” không được đấu tranh, ngăn chặn sẽ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thá»­ máy cấy cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa, Sở Nông lâm Hà Nội (ngày 16/7/1960). Ảnh: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa,

Sở Nông lâm Hà Nội (ngày 16/7/1960). Ảnh: T.L

XÂY ĐỨC LIÊM, ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BẤT LIÊM

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, để xây dựng đức liêm, phòng chống bất liêm, “cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”.

Nghĩa là, cán bộ phải gương mẫu, đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện và phát huy đức liêm ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Cán bộ luôn liêm khiết sẽ là tấm gương sáng để mọi người noi theo tu dưỡng, rèn luyện đức liêm để cả xã hội đều liêm. “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”. Lời chỉ dạy của Người về nêu gương trong thực hành đức liêm càng làm cho thấy tầm quan trọng của việc nêu gương đối với cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đang khơi dựng hiện nay. Cán bộ, đảng viên cần nhận rõ trọng trách chính trị xã hội của mình để chú tâm gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện đức liêm.

Nhưng cũng có khi “quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, nêu cao liêm chính, không chịu đút lót, thì quan “dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM”. Như thế, góp phần để cán bộ liêm chính thì mỗi công dân phải thực hành chữ LIÊM, thực hành liêm chính trong thực hiện chức phận công dân, trong các quan hệ xã hội của mình, nhất là trong quan hệ với những người có chức quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “mọi người đều phải Liêm”, người buôn bán, người có tiền, người cày ruộng, người làm nghề, người cờ bạc,… đều phải có đức liêm. Người không tham lam thì mới có thể ngăn chặn người khác không tham, mình không liêm sao có thể đòi hỏi người khác phải liêm. Nếu mọi người làm việc gì cũng dùng phong bì, phong bao để nhanh được việc thì khó có thể loại bỏ được sự bất liêm trong cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, để cuộc đấu tranh phòng chống sự tha hóa về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả cao, cần phải loại bỏ hành vi “đút lót”, “chạy chọt” trong đời sống xã hội nước ta hiện nay. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp bởi vì đút lót, bôi trơn đang như là một “thói quen” trong đời sống xã hội và những cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống đã, đang lợi dụng thói quen xã hội này để trục lợi, làm giàu. Người dân không đút lót sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính và cán bộ thực hành liêm chính sẽ loại bỏ thói quen đút lót của người dân. Một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân, một chính phủ kiến tạo phải là một nhà nước, một chính phủ mà tất thảy mọi cán bộ, công chức phải liêm chính.

 Để xây dựng đức LIÊM, đấu tranh phòng chống BẤT LIÊM, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bốn biện pháp: Một là, cán bộ phải gương mẫu, tự mình liêm khiết để làm gương cho nhân dân noi theo. Hai là, nhân dân biết phát huy quyền hạn của mình để giúp cán bộ thực hiện đức liêm. Ba là, thực hành tuyên truyền giáo dục để mọi người nhận thức rằng bất liêm là điều xấu, có tội với dân với nước, từ đó mà tu dưỡng đức liêm. Bốn là, xử lý nghiêm minh với những con người bất liêm.

Để đấu tranh phòng chống sự bất liêm trong cán bộ, đảng viên phải dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát, “phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”. Muốn thế, cần không ngừng nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, bồi dưỡng và phát huy năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội, ý thức dân chủ xã hội của nhân dân để trên cơ sở đó mà tổ chức và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đức liêm cho cán bộ. Để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đức liêm cho cán bộ, đội ngũ cán bộ phải tin dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trước hết cấp ủy đảng phải có những biện pháp cụ thể, phù hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến của mình. Gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân về đức liêm của đội ngũ cán bộ là quán triệt quan điểm “dân là gốc”.

Hội nghị toàn quốc sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị số 05 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

  Hội nghị toàn quốc sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị số 05 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Bên cạnh đó, chú trọng xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi, những con người bất liêm, cho dù họ là ai. Qua đó, cảnh tỉnh mọi người tránh xa hành vi bất liêm, đồng thời tạo dựng niềm tin xã hội. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian gần đây đã làm gia tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước. Khi niềm tin được củng cố thì đồng thuận xã hội gia tăng, đó là một trong những điều kiện phát huy sức mạnh của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, để mọi người đều liêm, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người nhận thức rõ rằng bất liêm là “ăn cắp”, là xấu, để mà tránh xa nó. Bằng mọi cách làm cho mọi người dân, trong đó có cả cán bộ hiểu rõ rằng lòng tự hào, tự tôn dân tộc phải thể hiện ở sự liêm chính. Quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình từng bước loại bỏ hành vi trái với liêm, đấu tranh không khoan nhượng với những con người bất liêm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 5, tr.631 - 645.

PGS.TS. Phạm Xuân Hảo  

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay356
  • Tháng hiện tại23,172
  • Tổng lượt truy cập1,349,307
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây