Nửa thế kỷ trôi qua, cán bộ, đội viên đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh năm xưa giờ kẻ còn, người mất. Người ở lại nhớ thương người nằm xuống trong chiến tranh, nhớ những người vì bệnh tật, đau yếu chưa hưởng trọn cuộc sống hòa bình. Những mái đầu bạc gặp nhau trong ngày thành lập đơn vị mừng mừng tủi tủi, sức khỏe có yếu đi theo năm tháng nhưng ký ức một thời máu lửa vẫn hiện về theo từng câu chuyện đổi trao.
Truyền thống đơn vị ghi rõ, Đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh chính thức thành lập ngày 23.11.1965 (ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa) tại căn cứ Bàu Tép - Thanh An - Bến Cát - Thủ Dầu Một. Quân số khi mới thành lập gồm 145 cán bộ, đội viên (96 nữ), có 13 đảng viên, 42 đoàn viên. Để giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng Tây Ninh, Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam (GPMN) thống nhất danh hiệu của đơn vị là Đội Hoàng Lê Kha (tên đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh bị Ngô Đình Diệm xử tử đầu tiên bằng máy chém theo Luật 10/59), phiên hiệu là Đội 2311. Ban chỉ huy ban đầu có 4 đồng chí: Nguyễn Cương Trực làm Đội trưởng; Đặng Văn Ninh (Hai Ninh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Chính trị viên; Hồ Văn Tân, Đội phó; Nguyễn Văn Thắng, Phó Chính trị viên, quân số đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha lúc bấy giờ tương đương 1 đại đội bộ đội chủ lực. Đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 3 (đoàn Lộc Ninh) trên các chiến trường Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Thủ Dầu Một, Biên Hòa..., đến khi Tổng đội TNXP GPMN thành lập Liên đội 5, phục vụ cho Sư đoàn 5 chủ lực miền, đội TNXP 2311 là đơn vị nòng cốt của liên đội 5, trực tiếp phục vụ các trung đoàn của sư đoàn 5 và đoàn pháo binh 274 của miền ở chiến trường Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa...với nhiệm vụ tiếp đạn, vận chuyển thương binh và chiến đấu bảo vệ thương binh.
Vừa tải thương vừa sẵn sàng chiến đấu (ảnh tư liệu)
Nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP GPMN Trần Văn Mãnh (Hai Văn), hiện nay là Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam nhớ lại, đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh được thành lập trong điều kiện hết sức khó khăn, phục vụ mặt trận T7 là mặt trận khốc liệt nhất trong các mặt trận ở chiến trường miền Đông Nam bộ, việc thiếu ăn, thiếu mặc là điều hết sức bình thường của đơn vị, thỉnh thoảng mới được ăn bột mì, đậu xanh, củ chạp. Trong một lần tổ trinh sát tắm dưới suối gặp rêu đá , bản thân ông và đồng chí Hai Ninh kêu các trinh sát lột ra luộc chín ăn thử, thấy ăn được nên cả đơn vị sống bằng rêu đá, có người hỏi đây là rau gì, đồng chí Hai Ninh đặt tên là rau TNXP, rêu đá chính thức có tên rau TNXP từ đó.
Nhớ quá chiến dịch phản công quân Mỹ - Ngụy mùa khô năm 1965 - 1966, nổi bật nhất là trận Nhà Đỏ - Bông Trang (tháng 2.1966), quân ta tập kích vào cụm quân Mỹ đóng dã chiến ở phía Tây Nhà Đỏ, dọc theo suối Bông Trang. Trên đường chuyển thương binh bị địch đổ quân chặn đường, tổ phục vụ do đồng chí Sáu Tòng (đồng chí Lê Anh Tòng, cố Chủ tịch Hội cựu TNXP Tây Ninh) chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều tên địch đưa thương binh ra khỏi vùng nguy hiểm. Lúc này, phát hiện có 4 thương binh khác đang nằm trên bờ Nam Sông Bé, quyết không để thương binh rơi vào tay giặc, tổ đã lao vào tầm róc kết của máy bay địch, cõng thương binh vượt qua Sông Bé, đưa đến quân y an toàn.
Nguyên Trung đội trưởng, Đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh Nguyễn Thị Cơ (4 Cơ) chia sẻ, nếu là nam khó khăn một thì nữ khó khăn đến mười, nhất là những ngày nghỉ "chế độ", vì trong rừng thiếu thốn nên đến ngày ấy, nữ TNXP phải ra suối bìa rừng tắm giặt, phơi quần áo cho khô để mặc vào chiến đấu tiếp. Là TNXP thì phải đi trước, về sau. Đi trước để chuẩn bị đạn dược, cáng thương và nhiều dụng cụ cần thiết, sau khi trận đánh kết thúc phải ở lại "dọn dẹp" chiến trường. Trong khi bộ đội được nghỉ ngơi sau trận đánh thì TNXP lại phải tiếp tục chuẩn bị cho đợt hành quân tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thăm hỏi đồng chí Nguyễn Văn Ninh
Từng ký ức hào hùng như tái hiện lại qua lời tâm sự của cán bộ, đội viên đội TNXP 2311. Nhớ quá trận Suối Râm (Long Khánh) trên đường chuyển thương binh, bị biệt kích phục kích, trung đội 3 của đội 2311 đi lạc trong rừng hơn 10 ngày với 4 thương binh, cả trung đội tình nguyện nhường số gạo, muối ít ỏi của mình để nuôi dưỡng thương binh, còn TNXP tìm củ, rau rừng ăn cầm hơi và đưa được 4 thương binh về bệnh viện an toàn. Nhớ mãi hình ảnh liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng với khẩu AK trên tay, vừa đánh địch, vừa chỉ huy đồng đội vào trận cõng 13 thương binh, tử sĩ ra phía sau khi trên đầu là mưa bom, bão đạn, bản thân Hoàng cõng được 3 thương binh. Lần thứ 4, Hoàng bò vào trận địa bắn hỗ trợ đồng đội, Hoàng bị thương nặng, trước khi hy sinh còn kêu gọi đồng đội hãy xông ra trận địa chuyển hết thương binh, tử sĩ như còn hiện diện đâu đây. Rồi tấm gương Võ Thị Rậm, người con gái công nhân cao su Trà Vỏ, huyện Gò Dầu, dũng cảm bò dưới lưới lửa, bom gầm, cõng được 4 thương binh. Lần thứ 5 khi cõng một thương binh chưa ra khỏi trận địa, Rậm bị trúng đạn hy sinh khi tuổi đời chưa qua 18...
Làm sao quên được trận chống càn mùa khô 1966 - 1967, đỉnh cao là đánh bại 45 ngàn quân Mỹ trong trận càn Junction City (1967) đến tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Năm 1969 - 1971, phục vụ cho trung đoàn A.54, A.57, đoàn pháo binh 274 Biên Hòa ở chiến trường T7 (Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu) là chiến trường gian khổ nhất, ác liệt nhất. Năm 1972, đội phục vụ chiến dịch "Chen La II" ở Campuchia và phục vụ cho các đoàn hậu cần 86, 81, 84 thuộc Cục hậu cần quân giải phóng.
Suốt gần 10 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha có 35 cán bộ, đội viên hy sinh và 38 người bị thương, đội đã trực tiếp chiến đấu 17 trận, diệt 150 tên địch, bắn cháy 1 xe bọc thép M113, thu 1 trung liên, phá hủy 4 đại liên, 1 máy truyền tin...phục vụ hơn 200 trận đánh từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn, chuyển, chăm sóc, bảo vệ hơn 2.500 thương binh; vận chuyển hơn 3 ngàn tấn vũ khí, lương thực; xây dựng 2 bệnh viện dã chiến, đào 315 hậu phẫu, với hơn 10 ngàn m3; xây dựng 35 kho chứa vũ khí, lương thực...
Với thành tích đạt được, tập thể, cá nhân đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và danh hiệu các loại. Năm 2010, hai liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng và Võ Thị Rậm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2011, Đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hàng năm, đến ngày 23 tháng 11, cán bộ, đội viên đội TNXP 2311 Hoàng Lê Kha Tây Ninh gặp nhau, để biết ai còn, ai mất, để sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống, để ôn lại truyền thống hào hùng của một thời máu lửa, đạm bom, "Tuổi trẻ Tây Ninh nguyện tiếp lửa truyền thống, nêu cao tinh thần xung kích tình nguyện, xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu đẹp, thắm đượm nghĩa tình".
DUY ĐỨC
Ý kiến bạn đọc