Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

Thứ năm - 10/11/2022 23:53 74 0

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

Cách đây 75 năm, sáng ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, phát động toàn dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi của Người đã trở thành dấu ấn lịch sử, khẳng định khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam, trở thành phương châm chiến lược chỉ đạo con đường cách mạng tiến đến thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày nay.

[caption id="attachment_19292" align="aligncenter" width="261"] Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946) (Ảnh: hochiminh.vn) [/caption]
  1. Hòa bình - khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, dựa trên tinh thần bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791 và thực tiễn thành quả cách mạng là “nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ lâm thời và toàn thể nhân dân Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.

Với bản Tuyên ngôn đó, hòa bình của nhân dân và dân tộc Việt Nam đã được lập lại trên cơ sở vững chắc của nền độc lập, tự do mà nhân dân ta vừa giành được sau gần 100 năm đô hộ của thực dân, phát xít và phong kiến. Bản Tuyên ngôn còn khẳng định khát vọng hòa bình mà nhân dân Việt Nam đã đấu tranh, phấn đấu gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử. Là một dân tộc nhỏ bé, để tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, vượt qua biết bao cuộc chiến tranh xâm lược, cường bạo trong lịch sử. Từ buổi đầu dựng nước, với truyền thuyết Thánh Gióng, Nỏ thần Kim Quy, đến thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khẳng định quyền tự chủ với bài thơ thần - Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, rồi đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… đã không chỉ khẳng định nền độc lập, tự chủ và tự do mà còn sang sảng tuyên bố khát vọng hòa bình và chung sống hòa bình của dân tộc Việt Nam với các lân bang.

Tiếp nối khát vọng, phát huy truyền thống hòa bình của dân tộc, trước bối cảnh thực dân Pháp quyết thực hiện âm mưu chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa từ năm 1945 đến cuối năm 1946, đã buộc Đảng ta, Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tuy là lời phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho toàn thể dân tộc Việt Nam, nhưng lời kêu gọi ấy lại tỏa sáng khát vọng, ý chí hòa bình ngàn đời của dân tộc ta, nêu cao tinh thần chính nghĩa, giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt Nam, đề cao tư tưởng tiến bộ của nhân loại và thời đại. Một lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhưng lại không có một ngôn từ nào thuộc về “chiến tranh”, “tiêu diệt”, “bắn giết” kẻ thù… Trái lại, nó hoàn toàn là những ngôn từ thể hiện tư tưởng hòa bình, chính nghĩa được nêu cao hơn bao giờ hết, mà trước hết là tư tưởng: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng”.

Chính những ngôn từ hòa bình trong Lời kêu gọi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống, khát vọng hào hùng của dân tộc Việt Nam ta, cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh giữ vững nền độc lập, tự do của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam; đồng thời, làm cho cộng đồng thế giới, nhân dân tiến bộ Pháp thấy được tính chất chính nghĩa và ủng hộ sự nghiệp kháng chiến, tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; làm cho nội bộ các thế lực thực dân Pháp xâm lược và đế quốc can thiệp bị lên án, phân hóa, cô lập trên trường quốc tế; làm cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của nhân dân Việt Nam ngày càng trở nên thuận lợi và được phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiến lên giành thắng lợi từng phần, tiến đến giành thắng lợi toàn cục và quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

[caption id="attachment_19293" align="aligncenter" width="780"] Ngôi nhà làng Vạn Phúc, Hà Đông, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) (Ảnh: hochiminh.vn)[/caption]
  1. Muốn hòa bình, không chỉ biết nhân nhượng mà còn phải biết đấu tranh

Lịch sử về xây đắp nền hòa bình của dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Muốn có hòa bình, dân tộc Việt Nam đã không chỉ biết nhân nhượng mà còn phải biết đấu tranh. Suốt chiều dài lịch sử đối đầu với các thế lực phong kiến phương Bắc hùng mạnh và tàn bạo nhất, các nhà nước, triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn thực hành chủ trương nhân nhượng, đàm phán hòa bình để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Hòa bình vừa là mục đích vừa là mưu lược, kế sách giữ nước lâu bền của các vương triều, nhà nước Việt Nam nhằm trì hoãn, ngăn ngừa chiến tranh xâm lược. Tuy vậy, nền hòa bình của Việt Nam không phải là một nền hòa bình nhu nhược, khiếp sợ, chủ nghĩa hòa bình thuần túy. Trái lại, nền hòa bình của Việt Nam là nền hòa bình dựa trên nguyên tắc giữ vững nền độc lập, tự do, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc của Tổ quốc. Bằng mưu lược, kế sách của mình, các triều đại, nhà nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã luôn biết vận dụng nhiều phương thức, biện pháp đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trước mưu đồ quyết lập lại sự thống trị của thực dân Pháp tại Đông Dương và Việt Nam trong tuyên bố Prazzaville của tướng De Gaulle, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm mọi cách thương lượng với thực dân Pháp để tránh một cuộc chiến tranh trở lại cho dân tộc Việt Nam và dân tộc Pháp. Hồ Chí Minh đã liên tiếp viết thư kêu gọi Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và trực tiếp gặp những người đứng đầu quân đội Pháp ở Hà Nội để cứu vãn hòa bình. Đảng, Chính Phủ ta và bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để thương lượng, đàm phán giữ gìn hòa bình, kể cả ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6/3/1946, rồi sang tận Pháp để ký với Chính phủ Pháp Tạm ước 14/9/1946… Nhưng suốt thời gian đó, quân Pháp vẫn đẩy mạnh các cuộc tiến công xâm lấn nhiều thành phố, thị xã quan trọng khắp từ Nam ra Bắc. Đặc biệt, Bộ Chỉ huy quân Pháp còn liên tiếp gửi hai tối hậu thư, đòi tước vũ khí của tự vệ ta, đòi chiếm Bộ Công an và tuyên bố quân Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm trị an tại Hà Nội chậm nhất vào ngày 20/12/1946. Ngày 17/12, chúng đã gây hấn ở Thủ đô Hà Nội, bắn phá trụ sở tự vệ ta, thảm sát ở phố Yên Ninh, Hàng Bún; ngày 18/12 chúng chiếm Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông công chính và ra sức khiêu kích nhiều điểm ở Thủ đô…

Với dã tâm và hành động phát động chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, không thể trì hoãn được nữa, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn định rất kỹ càng, thận trọng để đi đến quyết định chấp nhận một cuộc kháng chiến trường kỳ, đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sáng ngày 20/12, Lời kêu gọi do Người đọc đã được phát đi, vang vọng trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, thúc giục quân dân cả nước đồng lòng, chung sức đứng lên cứu Tổ quốc. Lời kêu gọi không chỉ thể hiện rõ tinh thần, khát vọng yêu chuộng hòa bình cháy bỏng, sự nhân nhượng tới mức giới hạn của nhân dân ta với thực dân Pháp, mà còn tỏ rõ ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng đứng lên đấu tranh bảo vệ nền hòa bình đó: “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Dẫu nhân dân ta buộc phải bước vào cuộc kháng chiến với nhiều bất lợi, khó khăn chồng chất từ một nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ, kinh tế kiệt quệ, lại bị bao vây, tiến công bởi nhiều kẻ thù, nhất là thế lực thực dân, quân đội Pháp hiếu chiến, xâm lược với vũ khí, súng đạn vượt trội hơn ta gấp nhiều lần, nhưng lại mang theo cả một truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, khí phách quật cường của người Việt Nam. Hào khí “Sát thát” của cha ông đã thắp sáng và thổi bùng lên bằng tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà chết không chịu làm nô lệ”... Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến này, nhân dân ta có được sự lãnh đạo, chỉ đạo bởi một bộ tham mưu tài giỏi là Đảng ta và một lãnh tụ tài tình là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đúng đắn, phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc lên một tầm cao mới; biết nêu cao ý chí tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành chiến thắng từng bước, từng phần, tiến đến chiến thắng quyết định bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nhờ đó mà giành lại nền độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc ta…

Bài học về biết nhân nhượng và cũng biết đấu tranh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã soi đường chỉ lối cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta không chỉ trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau này, mà còn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, nhằm giữ vững và bảo vệ nền hòa bình lâu dài của đất nước.

[caption id="attachment_19294" align="aligncenter" width="780"] Tại tòa thị chính ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa. (Ảnh: hochiminh.vn)[/caption]
  1. Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc để giữ vững nền hòa bình của đất nước

Ý chí, quyết tâm: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!/ Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!/ Kháng chiến thắng lợi muôn năm!” trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh 75 năm trước, không chỉ có giá trị trực tiếp thể hiện, quy tụ và phát huy tinh thần đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn là kim chỉ nam, định hướng, chỉ đạo cho toàn thể nhân dân ta suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai hòng xâm lược, chia cắt và thôn tính lâu dài đất nước ta; cũng như các cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo của đất nước ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong những năm 1975 đến 1989.

Với khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, vượt lên trên mưa bom, bão đạn, chiến tranh tàn phá, xâm lược, chia cắt, xâm lấn lãnh thổ và bao vây, cấm vận đối với Tổ quốc ta của các thế lực thực dân, đế quốc, bè lũ diệt chủng và bành trướng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã luôn thực hành chủ trương “dựa vào sức mình là chính”, nêu cao tinh thần “tự lực, tự cường”, kháng chiến kết hợp với kiến quốc, vừa đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng đất nước giàu mạnh; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… làm cho thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh, phát triển không ngừng; sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, ngày càng thu được nhiều thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Trong công cuộc đổi mới, để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình lâu dài của đất nước, tư tưởng “hòa bình” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lên từ ngày đầu phát động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã luôn soi đường, chỉ lối cho Đảng ta, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta tập trung vào thực hành và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng hòa bình, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ phá hoại, xâm lấn, xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do đất nước ta không chỉ được nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy trong mọi tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang ta, mà còn được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể trong xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin son sắt để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững vàng bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Từ khát vọng hòa bình được nêu cao từ ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng ý chí và tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước; tinh thần lao động, sáng tạo không ngừng, đạt được những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đổi mới vừa qua của nhân dân và lực lượng vũ trang ta trong suốt 75 năm qua, đã tạo tiền đề vật chất và tinh thần vững chắc cho Đại hội XIII của Đảng xác định quan điểm chỉ đạo: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa…

Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã trở thành mệnh lệnh từ mỗi trái tim của con người Việt Nam, và là con đường đúng đắn nhất để khẳng định, giữ vững, bảo vệ nền hòa bình lâu dài của đất nước./.

Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Quang, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu lý luận chính trị, Viện KHXH&NVQS

Nguồn: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay1,765
  • Tháng hiện tại29,541
  • Tổng lượt truy cập1,307,291
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây