Chủ nghĩa Mác – Lênin: cơ sở lý luận quan trọng của báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ ba - 22/03/2022 21:28 116 0

Chủ nghĩa Mác – Lênin: cơ sở lý luận quan trọng của báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chủ nghĩa Mác – Lênin: cơ sở lý luận quan trọng của báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, luôn tiên phong trên mặt trận tư tưởng.

[caption id="attachment_19313" align="aligncenter" width="640"] Ảnh minh họa[/caption]

Báo chí phản ánh sự vận động của xã hội, là một thành tố văn hóa của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc và nhân loại. Ngay từ khi ra đời, báo chí đã khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là một phương tiện truyền thông không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Báo chí cách mạng Việt Nam tồn tại và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đã và đang là công cụ, là vũ khí tư tưởng sắc bén, hiệu quả, ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí thực sự là lực lượng xung kích, là công cụ sắc bén. Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” khẳng định: “Công tác tư tưởng, lí luận, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lí tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, những tinh hoa văn hoá thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”[1].

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong quá trình đổi mới, các thế lực thù địch, phản động liên tục gia tăng các hoạt động chống phá với những hình thức tinh vi, đa dạng. Chúng ra sức kích động gây mất ổn định, làm phân tâm lòng người, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xa hơn là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ. 

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”[2]. Nghị quyết khẳng định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là “bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay”. Đây là một nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng làm công tác tuyên giáo, hệ thống báo chí đóng vai trò tiên phong, nòng cốt.

Trước yêu cầu cao đối với việc phát huy vai trò của báo chí trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cần thực hiện tốt chức năng quan trọng là định hướng tư tưởng, dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà còn phải phân tích, bình luận, định hướng giúp người đọc, người nghe, người xem hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư, tật xấu và hướng đến những giá trị nhân văn cao cả. Đặc biệt, báo chí phải trở thành người giáo dục, hướng dẫn nhận thức để hình thành dư luận xã hội tích cực, động viên các tầng lớp nhân dân tin tưởng và thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, báo chí cũng thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, đa chiều về tình hình của đất nước, tạo sự hài hòa và đồng thuận trong xã hội.

Để thực hiện tốt chức năng và phát huy được vai trò của mình trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đòi hỏi báo chí phải dựa chắc trên nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi vì:

Thứ nhất, xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác -Lênin

Chủ nghĩa Mác - Lênin là kết quả của sự phát triển những tư tưởng tiên tiến của nhân loại gắn liền với công lao to lớn và trí tuệ thiên tài của C.Mác, P.Ăngghen, V.Lênin. Đó là học thuyết chỉ ra quy luật vận động và phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy; học thuyết đóng vai trò thế giới quan, phương pháp luận của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới khỏi nô dịch và bóc lột, khỏi đói nghèo và tha hóa về nhiều mặt. Đồng thời, học thuyết chỉ ra lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và phát triển xã hội là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại cho họ niềm tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình.

Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin còn thể hiện ở chỗ, đây là học thuyết mở, không cứng nhắc, bất biến mà đòi hỏi phải luôn được bổ sung, phát triển trong dòng phát triển trí tuệ của nhân loại. Toàn bộ học thuyết Mác - Lênin có giá trị bền vững xét trong tinh thần biện chứng của nó, với bản chất cách mạng, khoa học, nhân đạo, chủ nghĩa Mác - Lênin sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới và là nền tảng, tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.[3] Vì vậy, đây cũng chính là cơ sở lý luận cho báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.

Thứ hai, xuất phát từ sự lãnh đạo của Đảng với báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 21 tháng 6 năm 1925, tờ báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam (Ngày 21 tháng 6 hằng năm được lấy là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam). Ngay khi ra đời Đảng ta đã quyết định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”  “Duy trì tất cả những tờ báo do quần chúng chủ trương”.[4]  Như vậy, ngay từ thuở cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rõ, báo chí là một mặt trận để “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng”. Vừa khai sinh, Đảng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam - nền báo chí phụng sự Nhân dân, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng luôn khẳng định sự lãnh đạo của mình với báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời luôn coi trọng, đề cao vai trò xung kích và đóng góp to lớn của báo chí cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Công tác tư tưởng, lí luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng”[5], Luật Báo chí năm 2016 cũng khẳng định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”[6]. Như vậy, toàn bộ hệ thống báo chí, truyền thông ở Việt Nam đều là cơ quan của các tổ chức đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo chí, truyền thông bằng việc định hướng quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí, truyền thông; định hướng tư tưởng, chính trị trong nội dung thông tin; quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ; giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo; lãnh đạo việc tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, coi trọng thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là xây dựng, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp đối với các các lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác trên internet. Khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng đồng nghĩa báo chí cách mạng Việt Nam phụng sự cho lợi ích tối thượng của nhân dân, của dân tộc. Từ đó khẳng định một nguyên tắc bất di bất dịch là “tính Đảng” của Báo chí cách mạng Việt Nam, mà vấn đề quan trọng hàng đầu đó là báo chí cách mạng Việt Nam phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở lý luận trong hoạt động của mình trên tất cả các lĩnh vực, các mặt trận. Trong đó có mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, xuất phát từ âm mưu đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin của các thế lực thù địch.

Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, một số nước đã kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách hết sức gay gắt và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thực tế đó như cái gai trong mắt của các thế lực thù địch. Vì thế, chúng đang tận dụng thời cơ để phủ nhận những thành quả to lớn mà chủ nghĩa xã hội đem lại cho nhân loại; đẩy mạnh thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu và thủ tiêu các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những mục tiêu của chúng là xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta. Đặc biệt, thời gian gần đây lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng internet để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin bằng nhiều nội dung, hình thức khác nhau và vô cùng tinh vi, nham hiểm. Vì vậy, nhiệm vụ của báo chí là phải góp phần “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội…”[7] Để làm được điều đó, đòi hỏi các nhà báo phải nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 Thứ tư, thực tiễn hoạt động của Báo chí cách mạng Việt Nam trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã chứng minh.

Báo chí cách mạng đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng tiếp tục thực hiện sứ mạng là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí đã phát huy thế mạnh, tích cực tham gia phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, báo chí đã góp phần phân tích, luận giải, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết khoa học và cách mạng, tính tất yếu khách quan Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Cùng với đó, báo chí đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, chức năng quan trọng bảo đảm quá trình hoạch định, thực thi chính sách ngày càng phù hợp với xu thế phát triển và hợp lòng dân - yếu tố góp phần quyết định xây dựng một xã hội văn minh, ổn định, phát triển.

Để hiểu đúng các vấn đề trên và vững vàng về tâm thế khi đấu tranh với kẻ thù và giữ vững “tính Đảng”, báo chí nói chung và từng nhà báo nói riêng đã không ngừng học tập, rèn luyện và luôn dựa chắc vào cơ sở lý luận khoa học, cách mạng của Đảng đó là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây là sự nghiệp vô cùng to lớn, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn xã hội phải đồng tâm, nhất trí cao, quyết tâm, nỗ lực lớn, có niềm tin vững chắc và ý chí, nghị lực phi thường. Theo đó, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, chức năng, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, luôn tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Phải luôn nghiên cứu, quán triệt lĩnh hội và vận dụng những quan điểm tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, biết tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển chung của nhân loại. Báo chí phải dựa chắc trên nền tảng tư tưởng của Đảng, là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng.

 ---------------------------------                           

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 66, Hà Nội 2017, tr. 420.

[2] Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, ngày 22-10-2018.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 563

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 12-13

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 66, Hà Nội 2017,  tr.420

[6] Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Báo chí 2016 số 103/2016/QH13 

[7] Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, ngày 22-10-2018.

ThS Trần Bá Tấn, Trường Sĩ quan Chính trị

Nguồn: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,244
  • Tháng hiện tại42,567
  • Tổng lượt truy cập1,414,062
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây