Theo thống kê đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người (đầu năm 2023 là 77,93 triệu người) dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 72 triệu (năm 2023 là 70 triệu), tương đương với 73,3% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 168,5 triệu, tương đương với 169,8% tổng dân số. Qua đó cho thấy, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Trong đó, 94% số người sử dụng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Khi thế giới nằm trên mười đầu ngón tay
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của internet, đặc biệt trong vai trò lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ, lan toả thông tin. Cách đây khá lâu tôi có đọc một bài viết trích dẫn câu nói của tỷ phú Bill Gates, kiến trúc sư của Công ty phần mềm Microsoft, rằng: "Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn", câu nói cửa miệng của ông đã nói lên sức mạnh khuynh đảo thế giới của nền công nghệ số suốt mấy chục năm qua.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, công nghệ thông tin cũng chính là phương tiện để các thế lực thù địch, phản động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước... (Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia về số lượng vụ tấn công mạng).
Trong khi đó, nhận thức của người dân về an ninh mạng còn rất hạn chế, tầm quan trọng của an ninh mạng đối với kinh doanh, tài chính và an ninh quốc gia chưa được đánh giá đúng. Các giải pháp an ninh mạng hoặc chưa đủ tốt, hoặc giá thành quá đắt đỏ để tiếp cận, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ không gian mạng.
Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấy rằng, hơn lúc nào hết, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.
Trong thời gian qua, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, đất nước càng đạt được những thành tựu phát triển to lớn, các thế lực thù địch, phản động lại càng tìm mọi cách để chống phá.
Lợi dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Hoạt động của chúng có lúc âm thầm, lẩn khuất, có lúc công khai, trắng trợn; thường tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm.
Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ, chúng tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội.
Chúng sử dụng hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh Facebook, YouTube... để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật”, “giật tít, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người.
Nhìn chung, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ việc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Những thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín của tổ chức, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục; kích động đồi truỵ, bạo lực... ngày càng tinh vi, đa dạng và khó đối phó hơn.
Mặc dù thông tin xấu độc có nhiều hình thức, nhiều biểu hiện đa dạng, nhưng chung quy chúng ta có thể nhìn thấy chúng dưới những “hình dạng” sau:
Môt, thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai, xuyên tạc đường lối xây dựng CNXH, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới.
Ba, xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.
Bốn, xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; Vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, gieo rắc hoài nghi, thiếu tin tưởng trong quần chúng Nhân dân.
Năm, lợi dụng điểm nóng kích động, kêu gọi biểu tình, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ sắc tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Sáu, truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, truỵ lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức.
Bảy, phá hoại bản sắc văn hoá dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hoá và lối sống phương Tây.
Tám, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus.
Chín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân.
Trách nhiệm với nút “share”
Để phòng, chống thông tin xấu, độc, trước hết mỗi người cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng và văn hoá ứng xử trên mạng xã hội, không để thông tin mạng dẫn dắt, thao túng tâm lý dễ dàng. Người tham gia MXH, đặc biệt là giới trẻ cần phải hết sức tỉnh táo trước ma trận thông tin để không bị biến thành “con rối” truyền bá thông tin xấu, thông tin độc của các thế lực thù địch. Tỉnh táo để nhận diện thông tin, kiểm chứng tính xác thực của thông tin và chọn lọc thông tin để chia sẻ trên mạng xã hội.
Về phía Sở Thông tin Truyền thông, với vai trò quản lý Nhà nước, chúng tôi tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật. Theo dõi thông tin báo chí, mạng xã hội để phát hiện, xử lý những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, chủ động phối hợp cung cấp các thông tin tích cực, chính thống trên nền tảng mạng xã hội do Sở quản lý như: Fanpage “Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh” hơn 2.300 lượt theo dõi, Fanpage “1022 Tây Ninh” hơn 1.900 người theo dõi, Zalo OA “1022” với 8.471 người quan tâm, ứng dụng “Tây Ninh Smart” với 143.109 người dùng cài đặt, mini app “Tây Ninh Smart” với 248.949 lượt người dùng nhằm phục vụ trong công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội, lan toả thông tin tích cực, góp phần đấu tranh phòng, chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc.
Thứ ba, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tấn công, mất an toàn thông tin tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh.
Thứ tư, thường xuyên theo dõi, giám sát an toàn thông tin, để phát hiện, xử lý và cảnh báo kịp thời các mã độc xâm nhập vào hệ thống mạng của cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu độc, phản động, qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Khi phát hiện người tham gia mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật hoặc đăng lại các thông tin xấu; các cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hoá, dịch vụ bị cấm.
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Ngoài ra, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tác giả bài viết: BTG
Nguồn tin: Báo Tây Ninh online
Ý kiến bạn đọc