“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946 không chỉ là sự tri ân đối với tổ tiên mà còn là lời hiệu triệu thiêng liêng gửi đến các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc: Dựng nước và giữ nước là hai nhiệm vụ thiêng liêng, gắn bó máu thịt trong hành trình tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Nếu các vua Hùng đã đặt nền móng đầu tiên cho đất nước thì thế hệ hôm nay, từ cán bộ, đảng viên đến mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đều có trách nhiệm kế thừa và phát huy tinh thần đó bằng những hành động thiết thực.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nhiều thách thức mới nổi lên – từ biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống đến nguy cơ diễn biến hòa bình – tinh thần “giữ nước” càng cần được hiểu không chỉ trong ý nghĩa bảo vệ lãnh thổ mà còn là giữ gìn độc lập dân tộc, chủ quyền, văn hóa, và bản sắc Việt Nam. Mỗi hành động nhỏ, từ học tập tốt, lao động giỏi, đến ứng xử văn hóa, gìn giữ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc đều là biểu hiện cụ thể của việc “giữ lấy nước”.
Để thực hiện tốt lời dạy của Bác, việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân cần tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, trường học cần đưa nội dung này thành một phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên.
Lời Bác dạy vẫn vang vọng như một mệnh lệnh của thời đại. Giữ lấy nước hôm nay là giữ cho Việt Nam tiếp tục phát triển hùng cường, là gìn giữ hòa bình, ổn định để mỗi người dân đều có cơ hội sống tốt, sống đẹp, sống có ích cho đất nước.
Tác giả bài viết: Minh Triết
Ý kiến bạn đọc