Noi gương Bác, mỗi cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong công việc – làm đúng, làm đủ, làm đến nơi đến chốn những nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, không né tránh, không để công việc tồn đọng hay trì trệ vì lý do chủ quan. Trách nhiệm không chỉ nằm ở kết quả công việc mà còn thể hiện ở thái độ cầu thị, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì lợi ích chung.
Tinh thần tận tụy với công việc là biểu hiện cụ thể của đạo đức công vụ. Cán bộ, công chức phải tâm huyết với nhiệm vụ, coi công việc của dân như việc của chính mình, làm việc không vì hình thức mà vì hiệu quả thực chất. Đó là sự tận tâm, là việc làm bằng cả cái tâm và lòng yêu nghề, yêu nước.
Bên cạnh đó, yếu tố gần dân, sát dân, hiểu dân, học dân chính là cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Một cán bộ gần dân là người biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người dân, không quan liêu, không xa rời thực tế, không cửa quyền, hách dịch. Gần dân để hiểu dân, từ đó tham mưu đúng, giải quyết việc dân kịp thời, hiệu quả và hợp lòng dân.
Trong bối cảnh cải cách hành chính và xây dựng nền công vụ hiện đại, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, công chức. Đó không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là danh dự, là thước đo phẩm chất và năng lực phục vụ nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân chính là con đường thiết thực nhất để lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời đại hôm nay.
Tác giả bài viết: Minh Triết
Ý kiến bạn đọc