Xe xôi lề đường đưa cháu vào đại học

Thứ hai - 09/10/2023 08:41 88 0
Căn phòng cuối xóm trọ nghèo ở phường 16, quận Gò Vấp (TP.HCM) rộng chừng 15m2 là nơi bà Thạch Kim Sa cùng hai cháu nội sinh sống. Buổi chiều muộn, những cơn mưa nặng hạt của Sài Gòn mùa này cứ lộp độp trên mái tôn, hắt vào khiến nền nhà sũng nước.
Xe xôi lề đường đưa cháu vào đại học

Trần Thị Hoài Trinh và bà nội bên chiếc nồi hầm đậu chuẩn bị cho mẻ xôi bán vào sáng hôm sau - Ảnh: B.MINH

Trần Thị Hoài Trinh và bà nội bên chiếc nồi hầm đậu chuẩn bị cho mẻ xôi bán vào sáng hôm sau - Ảnh: B.MINH

Bà Sa, 78 tuổi, ngồi cạnh bếp, tay đảo đều nồi đậu đen. Thi thoảng bà lại bóp thử vài hạt xem đậu đã mềm chưa.

Gần 30 năm, bà vẫn cặm cụi nấu xôi mỗi buổi chiều muộn đến tận khuya. Hàng xôi ấy vừa đưa cô cháu gái Trần Thị Hoài Trinh vào giảng đường Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Lời hứa với con trai

Suốt cuộc trò chuyện, chưa khoảnh khắc nào bà Sa rơi nước mắt, chỉ có tiếng cười nhưng lại nghe chua chát, không giấu được nỗi buồn.

Hoài Trinh ngồi trên chiếc giường tầng đặt sát góc phòng, đôi mắt lúc ấy đỏ hoe, ầng ậc nước như thấm từng vất vả, cơ cực của bà nội.

Trinh lên 2 tuổi, mẹ bỏ đi để lại hai chị em nheo nhóc. Bà nội cô bé kể cũng không biết con dâu đi đâu vì vốn dĩ từ đầu mẹ hai đứa trẻ ấy đã ở riêng. Ba năm sau, cha Trinh gặp bạo bệnh rồi qua đời.

Bà Sa nhớ như in khi con trai mắc bệnh, nhà làm gì có tiền đi bệnh viện, chỉ ra tiệm mua ít thuốc uống đỡ qua ngày.

"Trước lúc mất, nó có trối lại, năn nỉ tôi nuôi hai đứa nhỏ. Tôi đã hứa với nó rồi, nên có cỡ nào cũng phải ráng làm nuôi hai đứa cháu ăn học cho thành người", bà Sa kể.

Hàng chục năm trời, bà Sa một mình cặm cụi với hàng xôi mỗi ngày, mưu sinh và chở che hai đứa cháu tội nghiệp.

Cứ 13h mỗi ngày bà bắt đầu nổi lửa hầm đậu, ngâm nếp đến tận khuya. Nhiều khi mệt quá, bà lên giường chợp mắt dăm mười phút rồi lại bật dậy xuống làm tiếp.

2h sáng, công đoạn hấp xôi mới bắt đầu để kịp gần 6h đẩy xe ra đầu ngõ bán. Tuổi cao, sức mỗi ngày một yếu, lại đau xương khớp nhưng bà đều cố gắng tự bưng bê, làm hết mọi thứ vừa vì quen tay vừa không muốn hai đứa cháu vất vả.

"Tôi không muốn phiền tụi nó học hành, làm không quen lỡ đâu đổ nước sôi lại phỏng thì tội. Chỉ hôm nào làm không kịp, tận 11h đêm mà chưa ngâm nếp tôi mới đành gọi bé Trinh phụ", bà Sa cười.

Mình muốn học lên cao, có công việc ổn định để còn kịp chăm sóc bà. Bà đã nỗ lực, hy sinh cả cuộc đời cho cháu...

TRẦN THỊ HOÀI TRINH

Tôi ráng bán nhiều xôi mới có thêm đồng ra đồng vào lo cho cháu. Học hành là tương lai của tụi nó, để không phải nhọc thân như bà nội bây giờ.

Bà THẠCH KIM SA (bà nội Hoài Trinh)

Phải thay đổi cuộc sống

Trong nỗi cơ cực qua năm tháng, điều không chỉ bà nội mà cả cô cháu gái nhắc đi nhắc lại chính là khát khao phải thay đổi cuộc sống.

Niềm hy vọng ấy đang được đặt vào cô cháu gái vừa có những ngày đầu tiên của đời tân sinh viên, đặt chân vào giảng đường.

Sau nhiều năm không liên lạc, mới đây mẹ Trinh có trở về gặp con nhưng hiện đã có gia đình mới, có thêm con riêng.

Bà Sa bảo cũng không kỳ vọng gì từ con dâu, thôi thì vẫn gánh trên vai mình trách nhiệm nuôi cháu như lời hứa với cha tụi nhỏ trước khi nhắm mắt.

Những ngày ngồi rửa đậu, thổi xôi, bao dòng suy nghĩ, ký ức của những tháng năm qua cứ hiện về.

Người bà đầu tóc bạc trắng nhắc hồi ba con Trinh mới mất, bà phải bỏ hai chị em Trinh lên xe xôi rồi đẩy đi bán cùng để còn trông cháu. Ngày nắng không nói, ngày mưa lớn nhỏ gì mấy bà cháu cũng phải đi bán, lay lắt rồi cũng qua ngày.

Mấy chục năm bán xôi, bà Sa nói mình hiểu rất rõ giá trị của việc học. Hồi đó bà từng được học hết lớp đệ tam rồi lấy chồng sớm và cuộc đời cứ thế không thể ngoi lên được nữa dù muốn lắm.

Bất chợt, bà Sa ngẩng lên bảo: "Nhiều khi nghĩ thấy tủi, ngày nào cũng lủi thủi, nhưng buồn cũng phải làm thôi. Có ngày đi bán tôi chỉ mong nghỉ được một bữa, được vậy chắc tôi mừng lắm".

Cũng như bà, Hoài Trinh tâm niệm phải học mới mong thay đổi cuộc sống. Vì thế, cô học sinh lớp chọn của Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp) đã cố gắng học mỗi ngày, mà suốt 12 năm qua chưa bao giờ không là học sinh giỏi.

Thương bà lắm nhưng cô bé ít khi nói với ai, ngay cả nói cùng bà. Bởi bà nội giờ là người thân ít ỏi còn lại với Trinh trên đời này.

"Lúc nào bà cũng chỉ dặn mình ráng học chứ chưa bao giờ kể nỗi vất vả của bà nhưng mình biết hết, hiểu rõ việc nội làm cho mình nên lúc nào cũng phải ráng học thật giỏi", Trinh bộc bạch.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành phố mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành phố mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Nguồn: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay746
  • Tháng hiện tại42,069
  • Tổng lượt truy cập1,413,564
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây