Phải đi sớm tôi mới gặp được ông. Hỏi chuyện, ông đáp qua loa vì lo kéo cái áo mưa bị ai vứt trôi dưới biển lên. Ông bảo: "Phải lấy ngay chứ con gì nó chui vào mắc kẹt, nó chết thì tội làm sao". Tôi xin chụp hình nhưng ông cứ di chuyển khỏi ống kính. Đến chỗ nhiều dây muống biển, ông bảo: "Để ghé vào đây nhặt rác cho vườn hoa đã". Thấy vậy, bác Ba đi tắm biển bảo: "Kệ ổng, cô cứ chụp, cứ quay đi để nhiều người biết, ai giúp được ổng thì giúp".
Bà con đi tắm biển kể rằng họ tính làm cái xe kéo rác tặng ông nhưng ông nhất quyết không chịu, bảo để tập thể dục cho khỏe. Ông không muốn nhận giúp đỡ của ai. Nếu buộc phải nhận, ông sẽ dành lại cho người khó khăn hơn. Ông đi nhặt rác vì nghĩ rằng biển sạch thì nhiều người tắm hơn, nhiều người khỏe thì mình cũng khỏe...
Ông Nguyễn Hoài Sơn (nhà ở phường Phú Đông) chỉ cho tôi mấy cái sọt nhựa và nói: "Của ổng mang xuống đó, nhiều lắm, nhưng người ta lấy mất. Ổng còn dán tờ giấy vui lòng bỏ rác vào đây". Rác vẫn ở ngoài sọt mà dòng chữ thì bay đâu mất.
"Chủ yếu là mấy người tắm biển buổi chiều, nhậu nhẹt, ăn ốc, ăn gỏi rồi xả để gió bay tùm lum. Chứ mấy người buổi sáng họ cũng ý thức lắm. Ổng già vậy mà còn đi nhặt rác, nên mình cũng không dám xả rác, thấy mắc cỡ chứ", một anh thanh niên nói với tôi. Có lẽ ông Bảy Sen không giảng một bài nào về môi trường, nhưng những người đi tắm biển sáng nào cũng gặp ông cụ nhặt rác nên cũng tự cảm thấy mình phải giữ gìn biển sạch sẽ hơn.
Sáu năm qua, ông cụ gầy gò, đầu đội đèn pin đi nhặt rác cả cây số dù nắng hay mưa đã trở nên quá đỗi thân thuộc với mọi người. Mà nếu ngày nào không gặp chắc họ sẽ thấy "thiếu thiếu". Họ biết ơn ông vì "nhờ có ông mà bãi biển này mới sạch thế". Cái cây rau muống biển bình thường mọc dại đối với ông cũng là vườn hoa, cần phải nhặt rác cho vườn hoa đẹp hơn, mà vườn hoa đẹp thì mọi người cũng được khỏe thêm, vui thêm.
Là người gần gũi với ông mỗi sáng ở bãi biển, chị Tiêm giữ xe còn để ý thấy "dạo này hình như ổng yếu hơn hay sao đó, chắc do đợt Tết vừa rồi bị tông xe". Chị kể với chút lo lắng: "Tui thấy ổng kéo bao rác lên bờ không nổi, phải cột sau xe đạp chở. Chứ trước ổng khỏe lắm, đi lại nhanh nhẹn, thanh niên còn theo không kịp". Tuy nhiên, sáng sáng chị vẫn thấy ông cụ lom khom trên bãi biển, vẫn lặng lẽ nhặt rác như chưa một ngày nào nghỉ.
Bà hàng xóm thân với ông Bảy Sen tâm sự: "Số ông cũng khổ. Vợ ổng cứ sinh xong một đứa là bị bệnh. Nên bảy con thơ đều đến tay ông, ông vừa làm cha vừa làm mẹ. Mà nuôi lay lắt lắm, chăn con bò, trồng cái cây kiếm rau trái qua ngày cho tụi nhỏ".
Hỏi ông làm sao vượt qua, ông chỉ nói "chịu chứ sao". Bà bán hàng thì kể về cách ông đi chợ đến tội nghiệp: "Không biết trả giá thế nào, mua đại mớ cá vậy chứ không cân. Cứ đứng chờ sau lưng người ta, giả sử họ trả 30.000 rồi bỏ đi thì ông trả lên 35.000 - 40.000".
Còn con dâu ông kể: "Ba chồng em không thích cho số điện thoại, không thích nhận quà ai, ông làm việc vì cái tâm. Nhà không khá giả nhưng bảy người con đều tốt nghiệp đại học. Tết rồi, ông bị người ta tông nhập viện cả tháng trời, nhưng ông không lấy một đồng nào tiền đền bù. Ông nói chuyện ngoài ý muốn mà, còn dặn người ta đi cẩn thận".
Ông không trách ai. Câu trả lời quen thuộc của ông vẫn thật nhẹ nhàng: "Chịu chứ sao. Người ta lỡ tông mình thì mình chịu chứ sao".
Khi tôi lên bãi lấy xe ra về, thấy tôi chở theo hai đứa trẻ, ông cười với tụi nhỏ: "Hai đứa này cũng giống cháu nội tao. Thôi tậu (tội) quá muốn về nhà tao thì đi". Ông đạp thoăn thoắt. Không ai nghĩ đó là ông cụ 82 tuổi, thỉnh thoảng ông lại giơ tay chào người quen.
Về nhà ông, câu chuyện ông kể không phải là chuyện nhặt rác hay vất vả nuôi con mà là chuyện... nuôi bò. Ông ăn chay đã ba năm nay, mới đầu thì uống sữa bò nhưng sau thấy "vắt sữa nó tội quá nên ông chuyển sang uống sữa đậu nành". Không có vốn nên cứ thấy bò ai bệnh yếu là ông mua rẻ về nuôi. Bò vô tay ông là mập. Ông giải thích: "Vì họ cho nó ăn ít mà bắt làm nhiều thì nó ốm thôi. Mình thương nó thì nó mới mạnh khỏe được".
Có lần ông mua một con bò với giá 2,4 triệu đồng. Mua xong ai cũng bảo con bò này nó hung lắm, gặp ai cũng "đụng". Định bán đi nhưng sợ lỗ, ông đành giữ lại. Ông vuốt ve nó năn nỉ: "Mày nghe lời tao, ăn uống đàng hoàng, tao sống sao thì mày sống vậy". Vậy mà con bò ở với ông tám năm không hề "đụng" ai. Một bữa thả nó ra bãi cỏ, thấy nó "dáy" (húc - NV) các con bò khác.
Vì sợ không an toàn cho mấy đứa nhỏ nên ông đành bán, mà trước khi bán cũng "phải nói chuyện với nó đàng hoàng". Ông kể về con bò như người ta kể về một người bạn thân tình lâu ngày không gặp.
Câu chuyện của tôi và ông phải dừng lại vì đến giờ ông ngồi thiền, tụng kinh. Rồi sáng mai ông sẽ lại có mặt thật sớm trên bãi biển để nhặt rác cho người dân được sạch sẽ, thoải mái vui chơi và cả rác dưới nước để con cá, con cua không gặp nạn. Tôi không cần hẹn nữa, bởi tôi biết sáng sớm mai mình sẽ gặp lại ông với nụ cười cùng bao rác trên tay...
Một thời ông chăn bò, làm lụng thêm nhiều việc và vay chỗ này chỗ nọ để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, nhưng ông bảo "nhắc lại làm chi". Bây giờ con cái đã trưởng thành, biết thương cha thương mẹ là ông rất vui rồi.
Với những vất vả đã qua, ông chỉ nói nhẹ bâng rằng "lấy khổ làm thầy". Lúc ông 6-7 tuổi, trong nhà có anh tên Sang nên cha muốn đặt tên ông là Sướng nhưng ông chê xấu không chịu, nên mới sửa lại là Sen. Ông nói đùa: "Có lẽ mình không muốn sướng nên chịu chứ sao". Tôi nghĩ cũng như cái tên ông, bông sen thì phải nở trên đầm lầy.
Nguồn: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc