Những "hiệp sĩ" cứu hộ trong đêm

Thứ hai - 17/06/2024 07:00 11 0
Họ là nhóm bạn trẻ cứu hộ giao thông hằng đêm trên các tuyến đường tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM với mục tiêu không để ai bị bỏ rơi giữa đêm
Những "hiệp sĩ" cứu hộ trong đêm

21 giờ, khi mọi nhà đang chuẩn bị đi ngủ, phố xá cũng vắng dần thì Đội SOS Xuân Thới Thượng lại sửa soạn túi đồ nghề, rong ruổi trên các tuyến đường ở địa bàn huyện Hóc Môn cứu hộ, giúp người chẳng may hư xe hay gặp nạn giữa đường.

Công việc không tên

Xã Xuân Thới Thượng - nơi đất rộng người đông, nơi biết bao người kiếm sống tha hương. Với mục tiêu giúp bà con về nhà an toàn trong đêm, Đội SOS Xuân Thới Thượng ra mắt vào ngày 26-3-2023, ngày kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đội gồm 7 thành viên, là cán bộ Đoàn xã, thợ cơ khí, buôn bán nhỏ... nhưng có tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng lên đường bất kể khi nào để thực hiện nhiệm vụ. Nói là nhiệm vụ cho oai nhưng thực tế do các thành viên trong nhóm tự đặt ra. Anh Nguyễn Tuấn Liêm, Bí thư Đoàn xã Xuân Thới Thượng - người sáng lập Đội SOS Xuân Thới Thượng, cho biết sau khi được thành lập, anh em trong đội lên mạng tìm kiếm mô hình xe hút đinh, tính toán kinh phí và cùng đóng góp tiền mua vật tư, thiết bị để thực hiện. Anh Phạm Thanh Quang, Đội trưởng Đội SOS Xuân Thới Thượng, là công nhân cơ khí có tay nghề cao, được giao nhiệm vụ thiết kế chế tạo máy hút đinh.

Tranh thủ thời gian rỗi, các thành viên trong nhóm tìm đến các tiệm sửa chữa xe máy để học cách vá, sửa xe cơ bản. Dù không chuyên nghiệp nhưng họ luôn nỗ lực từng ngày để hoàn thiện kỹ năng với mong muốn giúp càng nhiều trường hợp càng tốt. Nhưng nhiều hôm gặp "ca khó", xe bị hỏng nặng, anh em phải làm đến 1 giờ sáng mới về nhà.

Ban đầu, do chỉ quen vá, sửa chữa xe nên khi tham gia cứu người bị tai nạn hoặc hỗ trợ người bệnh, các thành viên trong đội rất lúng túng. Đội SOS Xuân Thới Thượng đã chủ động thiết lập quan hệ với Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn để được hỗ trợ kịp thời. Hơn 1 năm qua, có thể thống kê hết các trường hợp được đội hỗ trợ.

Mỗi đêm, đường dây nóng của đội liên tục reo bởi tin nhắn, điện thoại yêu cầu được hỗ trợ của người dân. "Đa số cuộc gọi nhờ hỗ trợ vá, sửa xe do gặp sự cố dọc đường. Cũng có trường hợp bị cướp, bị tai nạn gọi chúng tôi nhờ tiếp sức. Xác định được địa điểm là anh em lên đường ngay" - anh Liêm cho biết.

Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc

Hơn một năm đồng hành với những công việc không tên, điều mà những thành viên của Đội SOS Xuân Thới Thượng nhận về nhiều nhất là lời cảm ơn và động viên từ chính những người được giúp đỡ. Đó cũng chính là động lực giúp các anh vượt qua những khó khăn, mệt mỏi.

Anh Liêm tâm sự: "Thời gian đầu khi đội mới thành lập, những người chưa biết thường từ chối nhận giúp đỡ. Đơn giản vì họ sợ bị lừa và không tin thời buổi này có những người đi làm không công vào đêm hôm. Lúc đó, anh em kiên trì thuyết phục, vì nếu bỏ đi thì mọi người sẽ nghĩ đội SOS lừa đảo thật".

Anh Lê Nguyên (ngụ huyện Hóc Môn) kể đêm đó đã hơn 23 giờ nhưng xe bị thủng lốp, phải dắt bộ trên đường Song Hành. Đúng lúc đó, bỗng có 3 chàng trai trẻ tiến đến đề nghị hỗ trợ sửa xe. Khá lo lắng nhưng vì mong được về nhà sớm nên anh đồng ý. "Khi xe sửa xong, tôi ngỏ ý trả tiền nhưng các bạn từ chối. Hành động của họ làm tôi bất ngờ và xúc động bởi lúc đó rất khó tìm được tiệm sửa xe. Thật sự rất biết ơn vì nếu không có các bạn, tôi cũng không biết tính sao vì đường về nhà còn rất xa" - anh Nguyên trải lòng.

Một niềm vui nho nhỏ mà đội nhận về là đôi khi những người bị nạn được giúp đỡ trước đây đã quay trở lại đồng hành với đội, san sẻ, hỗ trợ về kinh phí và động viên tinh thần để đội tiếp tục công việc của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, các thành viên trong Đội SOS Xuân Thới Thượng mong muốn rằng những việc làm dù nhỏ của họ sẽ phần nào lan tỏa thông điệp sẻ chia, đó là mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Với họ, giúp đỡ người khác cũng là niềm hạnh phúc.

Nhà trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), chị Hoàng Ngọc Anh đã nhiều lần chứng kiến các bạn trẻ này ra đường lúc khuya để hỗ trợ người bị nạn. Nhiều người dân địa phương gọi họ là "hiệp sĩ đường phố". "Những công việc không tên của họ mang ý nghĩa tốt đẹp với cuộc sống này. Họ giúp đỡ người xa lạ bằng sự tự nguyện, không cần nhận lại điều gì" - chị Hoàng Ngọc Anh nhận xét. 

Theo Người Lao Động 

Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập113
  • Hôm nay2,135
  • Tháng hiện tại43,458
  • Tổng lượt truy cập1,414,953
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây