Năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8/9 hàng năm là “Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ”, với mong muốn thúc đẩy xóa mù chữ, mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người.
Trước đó 20 năm, ngày 8/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam đã ban hành ba sắc lệnh về giáo dục, chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ đó đến nay, công tác xóa mù chữ luôn được quan tâm ở khu vực vùng cao, giáp biên giới nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tại huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), hằng năm, các lớp học xóa mù chữ vẫn được đều đặn mở ra, với nòng cốt là đội ngũ giáo viên tiểu học phối hợp lực lượng các đồn biên phòng trên địa bàn. Cô giáo Quàng Thị Xuân (sinh năm 1990) - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cũng trực tiếp đứng lớp, giảng dạy cho các học viên.
Cô giáo vùng cao “bám trường”, “bám bản”
Xã Mường Lạn nằm ở phía Đông Nam của huyện Sốp Cộp, có đường biên giới với nước bạn Lào. Mường Lạn là xã thuộc vùng III (đặc biệt khó khăn) của huyện, có 7 dân tộc anh em (Thái, Mông, Lào, Mường, Kinh, Tày, Khơ Mú) cùng sinh sống.
Là một người con dân tộc Thái lớn lên ở vùng cao biên giới, cô Quàng Thị Xuân đã từng chứng kiến rất nhiều bạn bè vì hoàn cảnh khó khăn mà đi học muộn so với độ tuổi, rồi thậm chí phải bỏ học giữa chừng.
Có lẽ, cô Xuân may mắn hơn, vì gia đình có truyền thống dạy học, rất coi trọng chuyện học tập. Chính vì thế, cô cũng luôn mơ ước được “gieo con chữ” cho trẻ em vùng cao.
Năm 2008, cô Xuân theo học ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sơn La và sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn vào cuối năm 2011.
Sau đó, đến năm 2017, cô Xuân đã chủ động đăng ký học liên thông đại học ngành Giáo dục Tiểu học ở Trường Đại học Tây Bắc, để đáp ứng yêu cầu công việc.
Vững vàng chuyên môn và sáng tạo trong cách giảng dạy, cô Quàng Thị Xuân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích tiêu biểu trong thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021-2022; Giấy chứng nhận Giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ XI, năm học 2020-2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Nhờ những thành tích xuất sắc đó, đầu năm 2024, cô Xuân được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn. Bên cạnh công việc chính là quản lý, phụ trách chuyên môn, cô Xuân vẫn lên lớp 4 tiết/tuần.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn có 1.486 học sinh với 8 điểm trường, trong đó, có 1 điểm trung tâm, còn lại là 7 điểm lẻ, trong đó, các điểm cách nhau trung bình là 4-9km và xa nhất là 14km. Trường có 3 điểm ăn bán trú với tổng số 487 học sinh. Tại điểm trường trung tâm và điểm trường Nà Khi, học sinh đông hơn, phòng ở bán trú chật chội, khó khăn trong điều kiện sinh hoạt.
Theo cô Xuân, các thầy cô tại điểm trường đã có nhà cấp 4, tuy nhiên phòng ở hẹp nên điều kiện sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn.
Nữ Phó Hiệu trưởng tâm sự: “Dạy học tại vùng cao có nhiều khó khăn hơn thành phố. Học sinh trước khi vào lớp 1 chưa thạo tiếng phổ thông, chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ, nên việc giao tiếp giữa thầy và trò còn có những rào cản nhất định.
Bên cạnh đó, phụ huynh còn chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Nhiều người không có công ăn việc làm ổn định, chỉ biết đưa con đến trường là được nhận chế độ hỗ trợ, chứ cũng chưa thực sự nhận thức được giá trị của việc học tập.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học phải học ở trường 2 buổi/ngày. Nhưng một số em chỉ được đi học buổi sáng, vì buổi chiều còn phải giúp bố mẹ làm nương, trông em. Nhà trường cũng thường xuyên đến từng gia đình để vận động học sinh đi học đầy đủ số buổi, tuy nhiên, vẫn có những em đi học không đều, hôm nào có việc bận là lại nghỉ học...”.
Hành trình xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao
Cô Xuân cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời, căn cứ công tác điều tra phổ cập hằng năm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã Mường Lạn phối hợp với đồn biên phòng địa phương mở lớp dạy học xóa mù chữ.
Đối tượng tham gia xóa mù là những người dân độ tuổi từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ. Các lớp sẽ được tổ chức theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là những đối tượng mù chữ chưa học hết lớp 2, giai đoạn 2 lớp học mở cho những đối tượng đã học hết lớp 3. Đồng bào sẽ được học đến hết chương trình lớp 5.
Mục đích của lớp học là giúp các học viên biết cách đọc, viết, giao tiếp bằng tiếng phổ thông và tính những phép tính đơn giản, nhằm phục vụ trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa.
“Các lớp học xóa mù chữ thường sáng đèn từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút hằng ngày. Lớp học xóa mù chữ thường chỉ mở được vào buổi tối, bởi, dân bản phải lên nương rẫy cả ngày. Cuối giờ chiều, khi trở về nhà, họ lại chuẩn bị cơm nước cho con rồi mới đến lớp được” - cô Xuân lý giải.
Không chỉ riêng cô Xuân, mà các thầy cô hầu hết đều miệt mài thực hiện nhiệm vụ từ sáng đến khuya. Buổi sáng, các thầy cô tận tình dạy trẻ và làm công việc tại trường, buổi tối, lại tất bật, nhanh chóng chuẩn bị để đến lớp dạy chữ, dạy làm toán cho đồng bào.
Cô Xuân chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với cô chính là việc đi lại, do quãng đường di chuyển toàn đường đất, nhất là đi trong màn đêm tối, vào những đêm mưa gió hay trời trở lạnh “cắt da, cắt thịt”, thì càng thêm khó khăn.
Nhiều học viên cũng ở xa lớp học, đường đất dốc khó đi, nên có những hôm đã quá giờ học, nhưng vẫn phải chờ thêm 15-30 phút nữa, lớp học mới đông đủ.
“Những bàn tay chai sần chỉ quen cầm cuốc, tra ngô, nay xòe ra làm phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn.
Học viên hầu hết đều đã lớn tuổi, phải chăm con, chăm cháu, rất bận rộn... Vì vậy, để vận động họ đi học vào buổi tối cũng không dễ dàng. Những học viên đã ngoài 50 tuổi, điều kiện sức khỏe kém, mắt đã mờ và không thể tiếp thu nhanh thường không muốn tham gia học.
Do học viên là đồng bào thuộc nhiều dân tộc thiểu số khác nhau, không thạo tiếng phổ thông, nên khi lên lớp, giáo viên còn phải học thêm tiếng dân tộc để phiên dịch cho học viên. Quá trình giảng dạy cũng vì vậy mà mất nhiều thời gian hơn hơn so với các học trò nhỏ tuổi” - cô Xuân chia sẻ.
Dẫu vậy, cô Xuân cùng các đồng nghiệp vẫn tận tụy, cố gắng với hy vọng, mỗi học viên biết đọc, biết viết, có thể hiểu thêm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như biết cách phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Đồng thời, bà con sẽ dễ dàng tiếp thu các thông tin cần thiết về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; chấp hành nghiêm pháp luật, nhất là về vấn đề biên giới quốc gia, không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ” - cô Quàng Thị Xuân bày tỏ.
Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn cũng có nhiều đề xuất để cải thiện điều kiện dạy và học cho đồng bào thiểu số: “Hy vọng công tác tuyên truyền, vận động xóa mù chữ sẽ được đẩy mạnh, thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là với người học và gia đình. Tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng và phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng.
Mặt khác, cần kịp thời biểu dương những cá nhân tham gia học lớp xóa mù chữ và áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời.
Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong được các cấp, các ngành cùng chung tay, chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xoá mù chữ cho người lớn”.
Theo Báo Giáo dục
Tác giả bài viết: tinhdoan.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc