Những cụm mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo, biên giới được đặt trong sân nhiều trường học tại Tây Ninh giúp các em học sinh hiểu hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.
Năm học 2023 – 2024, Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Giáo dục truyền thống Biển, Đảo qua Cột mốc chủ quyền” tại các trường học trên địa bàn tỉnh bằng cách đặt các cột mốc mô hình của các Đảo thuộc chủ quyền của nước ta trong nhà trường. Các công trình sẽ góp phần thiết thực trong giáo dục lịch sử, truyền thống cho học sinh, giúp các em thêm hiểu biết về chủ quyền biển, đảo và yêu hơn biển, đảo quê hương mình.
Đây là mô hình giáo dục lịch sử, truyền thống rất thiết thực đối với học sinh, đội viên của trường. Trước đây, các giáo viên thường cho học sinh xem hình ảnh những cột mốc chủ quyền Trường Sa thông qua trình chiếu, xem video clip; giờ đây, vào các giờ học hay sinh hoạt, các em tập trung tại mô hình cột mốc để được giới thiệu, giáo dục trực quan, sinh động hơn, từ đó sẽ ghi nhớ lâu hơn, hiểu rõ hơn về biển, đảo của Tổ quốc. Từ khi được lắp đặt đến nay, các học sinh đều rất thích thú và hào hứng hơn mỗi giờ học lịch sử, địa lý hay sinh hoạt đội.
Kết quả đạt được, có 100% liên đội đã triển khai tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua nhiều hình thức sinh động, đa dạng, phong phú được 301 hoạt động với 10.621 đội viên, học sinh tham gia.
Ngoài ra, Các em học sinh tại các Liên đội tham gia lắp ráp và thực hiện mô hình cột mốc chủ quyền biển, đảo (Đối với mô hình bằng vật liệu nhẹ:Nhựa, mica, inox…) với 1.354 em học sinh và hơn 3.000 ngày công cho 124 cột mốc chủ quyền. Đồng thời, xây dựng 14 cột mốc (bằng vật liệu chắc chắn: gạch, đá, bêtong…) tại các liên đội. Liên đội tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường về tổ chức phối hợp với giáo viên bộ môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân tổ chức các hoạt động tuyên truyền tìm hiểu về biển, đảo, chủ quyền biên giới quốc gia, Hoàng Sa, Trường Sa… thông qua mô hình “Cột mốc chủ quyền” tại liên đội, kết quả: tổ chức được 150 tiết học, buổi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa... với sự tham gia của hơn 7.500 học sinh, đôi viên.
Các bạn học sinh được lắng nghe, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo trong buổi sinh hoạt đầu tuần
Hội đồng Đội tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2023 - 2028, sẽ có 100% liên đội trường tiểu học, THCS có mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo. Các liên đội tùy vào tình hình thực tế tại đơn vị để trích kinh phí từ quỹ kế hoạch nhỏ, vận động, phối hợp với các tổ chức đoàn, hội để thực hiện mô hình cột mốc tại khu vực sinh hoạt tập thể của học sinh. Trong các giờ sinh hoạt đội hay giờ học có nội dung liên quan, các liên đội sẽ cùng với nhà trường tăng cường tuyên truyền trực quan cho các em, từ đó nâng cao kiến thức cho học sinh về chủ quyền biển, đảo nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng. Đơn vị kỳ vọng, mô hình sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo cho đội viên, học sinh.
Tác giả bài viết: Ban TTNTH
Ý kiến bạn đọc