Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!  Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?  Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm  Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác  Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt  Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?  Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn  Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!  Tôi cúi đầu nghe, dặt dìu, tha thiết  Cây cỏ trời mây, kẻ mất người còn  Trong mơ hồ, trăm tiếng của quê hương  Tiếng mẹ bảo bên tai: "Con hãy nhớ  Bà con quê ta đói nghèo lam lũ  Cuộc sống xưa như nước chảy mất dòng  Không ai thương như cỏ nội giữa đồng  Con chim bỏ trời quê ta đi xứ khác  Đất chẳng nuôi người, người không nuôi nổi đất  Chiếc khăn xanh mẹ bịt ở trên đầu  Đã từng che hai thứ tóc buồn đau  Mẹ trông ở đời con... Con hãy gắng  Con đi đi... Từ nay con có Đảng"  Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương  Như đang dâng thành núi lại thành cồn  Ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa  Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ  Những đồi sim không đủ quả nuôi người  Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười  Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng  Của đồn giặc mấy năm trời chiếm đóng  Đảng kính yêu! Tôi tìm Đảng giữa nơi này  Như chờ vang tiếng sét xé trời mây...  Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ  Phút mơ ước, sao thiếu hình bóng mẹ?  Giặc bao vây ngăn lối chặn đường  Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương!  Mẹ ơi! Mẹ không là đồng chí  Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ  Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này  Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây  Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc  Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát  Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?  Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu  Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ  Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ  Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng  Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan  Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng  Rẫy bắp, vườn tiêu, bờ tre, bãi sắn  Những đồi tranh ăn độc gió Lào  Cả trại tù Lao Bảo chốn rừng sâu  Ôi tiếng đầu tiên gọi ta "đồng chí"  Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị  Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi  Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai  Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ  Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ  Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu  Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau. Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI: Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn. Ông tên thật là Phan Ngọc Hoan (ghi trong gia phả là Phan Ngọc Hoan Châu), sinh năm 1920, quê làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông có tập thơ đầu tay nhan đề "Điêu tàn", một trong những tác phẩm nổi bật trong thi đàn tiền chiến. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng đánh giá tập thơ "Điêu tàn" ra đời như một niềm kinh dị! Âm hưởng chủ đạo của "Điêu tàn" là hoài cổ, là nỗi nhớ cố hương vừa cụ thể, vừa như ở đâu đó tận trong tâm khảm. Chính nỗi nhớ đó đã đưa thơ ông đến với thế giới siêu hình, thế giới của vương quốc cổ xưa với những thân phận bị đọa đày, bị mất quê hương. Sau này, khi nhìn lại cõi siêu hình một thuở đã chi phối tinh thần và cảm xúc thơ, ông nhận ra: "Siêu hình là bi quan nhất trong mọi thứ bi quan và những nhà thơ siêu hình có lẽ là những người sốt ruột nhất trong cách giải quyết cuộc đời". Ông luôn nhận mình và các bạn thơ tiền chiến khác: "Là những người từ thế giới một người đến thế giới nhiều người, từ thung lũng đau thương ra đến cánh đồng vui…". Và từ điểm mệnh đó, "các nhà thơ của nỗi khổ đau ấy đã thấy cách mạng là của họ", đó cũng là quá trình nhận thức để đi cùng với dân tộc, nhân dân của ông cùng các nhà thơ đồng thế hệ. Còn câu chuyện về Đảng, khi được tổ chức giới thiệu đứng trong hàng ngũ những người cộng sản, ông đã từ chối vì một mối băn khoăn mà đến hơn 30 năm sau ông tâm sự: "Cách mạng làm tôi vui mà cũng làm tôi hơi áy náy. Mình đã làm gì để hưởng được cái vui này? Ngỡ như mình dự một bữa tiệc mà không phải tốn công xuống bếp... Cách mạng làm tôi vui, nhưng cũng làm tôi lo lắng: "Tôi còn có tự do? Văn học cách mạng có phải là văn học?"... Và, "cả nước đi nhanh mà tôi đi chậm vì đã trót đi xa... đi tuốt ra khỏi cuộc đời, về phía tha ma, về phía siêu hình....". Phải sau bao nhiêu năm tham gia công tác kháng chiến, tới tháng 7-1949, Chế Lan Viên được kết nạp Đảng ngay chính trên quê hương mình: "Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!/ Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?/ Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm/ Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên". Kể từ khi bài thơ ra đời đến nay đã 71 năm. Sau từng ấy thời gian, qua bao nhiêu bước thăng trầm của đất nước, của Đảng và của cả sự chuyển đổi thi pháp thơ từ tượng trưng, siêu hình đến hiện thực, hiện đại và hậu hiện đại… vậy mà mỗi khi ta đọc hay nghe lại băng ghi âm bài thơ qua giọng ngâm của các nữ nghệ sĩ: Trần Thị Tuyết, Châu Loan..., người yêu thơ Chế Lan Viên vẫn bồi hồi, rưng rưng xúc động trong cảm nhận tinh khôi như thuở ban đầu. Thật khó hình dung, từ một Chế Lan Viên với tâm trạng "Điêu tàn", lại sớm vượt qua cái "Thung lũng đau thương" để có những vần thơ cách mạng lay động lòng người đến thế:          Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương          Như đang dâng thành núi lại thành cồn          Ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa          Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ          Những đồi sim không đủ quả nuôi người          Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười          Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng          Của đồn giặc mấy năm trời chiếm đóng... Và,          Đảng kính yêu! Tôi tìm Đảng giữa nơi này          Như chờ vang tiếng sét xé trời mây…

Trong bài, hai lần nhà thơ đã thốt lên tiếng gọi tha thiết "Đảng kính yêu!" và "Đảng mến yêu!". Với đôi lời thốt gọi vang lên như một tiếng gọi trìu mến, thân gần, tha thiết nghe ngỡ tiếng gọi của một người con, người em, người bạn, đồng chí gọi nhau vậy. Và vì vậy, ở ngữ cảnh này, chữ "Đảng" đã trở thành một danh từ nhằm chỉ về một "Con Người" vô cùng gần gũi, yêu dấu. Chính từ điểm trụ cảm xúc đó, một nguồn sống mang những con chữ căng tràn niềm khát vọng, tin yêu, dâng hiến dào dạt xô đến, là thứ vật liệu thiêng liêng giúp nhà thơ kiến tạo nên thi phẩm.

"Kết nạp Đảng trên quê mẹ" đã kết hợp trong nó gần như trọn vẹn các yếu tố nghệ thuật, thể hiện rất sáng rõ tư tưởng, tinh thần thời đại, chất anh hùng ca hòa quyện chất tình ca, cái chung và cái riêng, chân thực đấy mà cũng huyền ảo mê hoặc đấy.

71 năm đã qua, bài thơ "Kết nạp Đảng trên quê mẹ" của Chế Lan Viên chắc chắn vẫn được ghi nhận là một trong những bài thơ hay nhất, xúc động nhất viết về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ket-nap-dang-tren-que-me-464943 Ghi chú: bài viết được cập nhật lại số năm phù hợp thời điểm đăng bài.