Đất nước Việt Nam đã 90 mùa xuân có Đảng. Mỗi dịp xuân về, trong không khí “mừng Xuân, mừng Đảng”, chúng ta lại được nghe âm điệu rộn ràng của những bài hát ca ngợi Đảng. Những khúc ca ấy luôn đem lại niềm tin và hy vọng vào một tương lai mới của đất nước trước mỗi mùa xuân. Và chúng ta luôn tự hào thốt lên từ đáy lòng: “Đảng là cuộc sống của tôi!”
Trong số nhiều nhạc sĩ viết về Đảng, Nguyễn Đức Toàn có cách thể hiện lòng kính yêu Đảng rất riêng trong ca khúc “Đảng là cuộc sống của tôi”. Ông tâm sự: “Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió”. Nhớ những ngày đầu tiên chập chững mò mẫm chưa tìm được hướng đi, “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, như biển khơi biết đâu là bờ…”. Và bây giờ “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao giữa trời tối đêm mịt mùng”. Bằng niềm tin chứa chan vào con đường mà Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi ra khỏi tối đêm mịt mùng ấy, ông đã thốt lên “Đảng của tôi ơi, mãi mãi ơn Người”.
Với đề tài viết về Đảng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có 3 bài hát để đời. “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” viết năm 1960. Bài hát như một lời reo vui của toàn dân tộc khi được sống trong mùa xuân đất nước do Đảng đem lại - mùa xuân ước vọng, của những khát khao, những mơ ước mới đã thành sự thật: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi…”. Mùa xuân ấy đã đem lại cơm no áo ấm cho dân tộc Việt Nam, nhưng điều thiết thực nhất đó là “xua đi màn đêm chiến tranh gieo bao khổ đau. Cuộc đời từ nay sẽ sáng tươi như mùa xuân”. Thấm nhuần điều đó, toàn dân đã nguyện “Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”. Mùa xuân của đất trời cũng là mùa xuân của dân tộc, hòa quyện làm một, tạo cảm hứng cho nhạc sĩ có những sáng tác bất hủ, sống mãi với thời gian. Ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, Phạm Tuyên lại thể hiện lòng biết ơn Đảng ở góc độ khác. Từ lời thơ của Louis Aragon, qua lời dịch của nhà thơ Tố Hữu, Phạm Tuyên đã ca ngợi công lao của Đảng, giác ngộ ý chí, vạch đường chỉ lối cho các thế hệ Cách mạng Việt Nam. “Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà, Đảng của tôi ơi cám ơn người dạy dỗ”. Và hơn cả là “Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Phạm Tuyên cũng nói được xúc cảm của mình qua bài “Màu cờ tôi yêu”. Nhạc sĩ đã viết “Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi, búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta”. Ông đã khẳng định “Trong đêm tối, giữa mưa sa, màu cờ đỏ vẫn chói lòa hồn tôi”. Trong tâm khảm, người chiến sĩ cộng sản kiên trung vẫn luôn nhắc nhau “suốt đời lòng dặn giữ lời, đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau”. Cho dù chặng đường cách mạng còn lắm chông gai “trong vui sướng lẫn thương đau” thì màu đỏ của lá cờ ấy vẫn “sáng màu lòng tôi”, và tự hào khi kháng chiến thắng lợi“ôi màu cờ ấy là lời tình yêu”.
Với nhạc sĩ Văn An trong ca khúc “Lá cờ Đảng”, lại thốt lên “Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm?”. Nhác sĩ nói hộ triệu triệu người dân Việt Nam: “Trong đêm đen, lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh” để rồi từ đáy lòng xin hứa “trọn đời lòng ta gắn bó, sắt son bước theo bóng cờ”.
Với bài hát “Như hoa hướng dương” (Tô Vũ, thơ Hải Như), tác giả đã ví ánh sáng của Đảng như mặt trời chói lọi, mà toàn dân luôn hướng về Đảng “như hoa hướng dương, hướng về mặt trời”. Tác giả nhớ lại một thời tăm tối khi chưa có Đảng “phải cúi gập lưng”. Nhưng từ khi có ánh sáng của Đảng soi chiếu, thì người dân “cất cao đầu ta đi”. Đảng đem đến cho nhân dân những điều thiết thực nhất “một lớp học đầu thôn, một bát cơm gạo trắng” và cả “cái bắt tay nam nữ giữa đường” thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt hoặc trọng nam khinh nữ. Đảng còn đem lại cho ta lời ca tiếng hát “một câu hò ớ ơ”. Nhờ có Đảng mà bản sắc văn hóa của dân tộc được giữ gìn “một ngôi chùa cổ quê hương”. Và toàn dân “nguyện một lòng di theo Đảng”, cùng hướng về Đảng như hoa hướng dương, hướng về mặt trời.
Không chỉ viết cho người lớn, những ca khúc về Đảng còn hướng đến đối tượng thiếu nhi. Trong bài hát “Đảng là mùa xuân của em” - (Xuân Giao), em thiếu nhi đã cảm nhận được “nếu em là mầm non, thì Đảng là ánh nắng”. Khi mầm non ấy được “nắng bình minh chiếu sáng” để rồi “mầm non sẽ thành cây xanh”. Bác Hồ đã ví “Trẻ em như búp trên cành”, và những búp non ấy dưới ánh bình minh cuả Đảng chiếu rọi được tiếp thêm sức mạnh, sẽ trở thành cây đời xanh tốt, góp phần cho mùa xuân của dân tộc tươi đẹp hơn. Và em liên tưởng “Nếu em là nụ xinh” thì “Đảng là mùa xuân ấm”. 90 mùa xuân ấy đã tiếp thêm nhựa sống cho biết bao thế hệ mầm non để “nụ xinh sẽ nở thành hoa”. Chỉ bằng hai hình ảnh thể hiện chủ thể cho và nhận: “mầm non - ánh nắng” và “ nụ xinh - mùa xuân ấm” thôi, tác giả đã khéo léo vẽ lên một bức tranh, và qua bức tranh ấy là sự liên tưởng dưới con mắt cuả trẻ thơ: “Đảng là mùa xuân cuả em”.
Cũng 90 mùa xuân qua, ánh bình minh của Đảng chiếu rọi đã vun trồng cho biết bao thế hệ măng non, nay đã trưởng thành và góp phần không nhỏ giúp cho đất nước ta được sánh vai với các cường quốc năm châu. Niềm tin ấy sẽ mãi mãi là động lực thúc đẩy để tuổi thơ tiếp tục rèn luyện học tập sao cho xứng đáng với những gì Đảng Bác đã chăm chút cho thế hệ măng non của đất nước ta.
Còn trong ca khúc “Em là mầm non cuả Đảng” (Mộng Lân), lại là tiếng reo vui của những em bé được sinh ra khi có Đảng, và như những búp măng non lớn lên trong vườn xuân của Cách mạng, trong tình thương yêu cuả Đảng, Bác Hồ. Ánh sáng cuả Đảng đã sưởi ấm cho tất cả mọi người dân - đặc biệt là trẻ thơ - những “búp trên cành”. Hình ảnh búp măng non trên huy hiệu cuả các em như biểu tượng của “tre già măng mọc” - một sự kế thừa và phát huy. Đảng và những lý tưởng cuả Đảng là những khái niệm trừu tượng đối với trẻ thơ, nhưng những gì Đảng đem lại cho các em lại rất cụ thể, đó là “sách mới, áo hoa”. Và em bé vui sướng bởi không chỉ có “áo hoa”- vật chất, mà còn có “sách mới”- tri thức. “ Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta. Vui tung tăng em ca: có Đảng cuộc đời nở hoa”.
Trong 90 năm qua, những khúc ca về Đảng mãi ngợi ca mùa xuân tươi đẹp của đất trời, mùa xuân trong lòng mỗi con người Việt Nam. Viết về Đảng, ngoài những ca khúc trên, còn phải kể đến những bài hát “Người Mèo ơn Đảng” (Thanh Phúc); “Vinh quang Đảng Lao động Việt Nam” (Nguyễn Đức Toàn); “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam” (Đỗ Minh); “Ta dâng Đảng ngàn tiếng ca”; “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi” (Huy Du); “Niềm Tin Ngày Mới” (Nguyễn Bá Chỉnh); “Đâu Đảng cần chúng ta có mặt” (Văn An); “Dưới cờ Đảng vẻ vang” (Lưu Hữu Phước)… Những khúc ca ấy vẫn mãi đem lại cảm xúc tươi mới cho người nghe, góp thêm vào vườn xuân âm nhạc Việt Nam, khơi gợi những xúc cảm về Đảng trước mùa xuân, để nguyện “mãi mãi đi theo Người”.
Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ý kiến bạn đọc