Nhóm nhiếp ảnh chụp hàng nghìn kỷ yếu miễn phí cho học sinh trên bản

Thứ tư - 28/05/2025 08:42 33 0
ĐTN: "Kỷ yếu trên bản" là dự án mang đến hàng nghìn bức ảnh kỷ yếu miễn phí cho học sinh ở vùng cao. Đến nay, nhóm đã chụp và tặng hơn 6.000 bức ảnh cho 3.000 học sinh tại nhiều điểm trường, đồng thời thu hút đông đảo nhiếp ảnh gia tình nguyện tham gia.

Hành trình bắt đầu từ ước mơ tuổi thơ

Lưu Minh Khương (31 tuổi), người dân tộc Tày, là người sáng lập dự án này. Khương kể rằng anh sinh ra và lớn lên tại bản Cây Thị, một bản nhỏ ở Bắc Giang. Khi lớn lên, đam mê nhiếp ảnh đã đưa anh đến nhiều vùng đất, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc. Ở đó, anh gặp những đứa trẻ hồn nhiên, gợi nhớ tuổi thơ của chính mình.

Học sinh hào hứng nhận ảnh kỷ yếu do nhóm gửi tặng.

Khương nhận ra rằng nếu với trẻ em thành phố, một bức ảnh chỉ mất vài giây, thì với các em vùng cao, đó là cả một giấc mơ. Trong những chuyến đi, anh chụp và tặng ảnh cho một số em, nhưng số lượng khung ảnh mang theo có hạn khiến nhiều đứa trẻ khác tủi thân khi không được nhận. Trăn trở về điều này, Khương quyết định khởi xướng "Kỷ yếu trên bản", kêu gọi các nhiếp ảnh gia cùng lên vùng cao, lưu giữ khoảnh khắc đẹp cho các em.

Khương chia sẻ, mỗi chuyến đi đều để lại trong anh những kỷ niệm khó phai. Anh nhớ nhất lần chụp ảnh cho 3 em nhỏ người Mông ở bản Ngải Thầu Thượng, Lào Cai. Dù trời lạnh buốt, nhiệt độ dưới 0 độ C, các em vẫn hồn nhiên chơi đùa trong băng giá, má hồng rực, tíu tít trò chuyện với anh. Các em hứa sẽ học giỏi để một ngày được xuống Hà Nội gặp "chú Khương". Những khoảnh khắc ấy là động lực để Khương tiếp tục hành trình.

Qua 4 mùa "Kỷ yếu trên bản", Khương kể rằng cả nhóm luôn háo hức chuẩn bị cho mùa tiếp theo, bởi họ biết còn rất nhiều học sinh đang chờ đợi. Khi nhận ảnh, một số em nhỏ chưa ý thức được giá trị của món quà, chỉ thấy thú vị, nhưng nhiều em khác lại tràn đầy cảm xúc. "Có em cả buổi chụp không nói gì, nhưng khi đoàn rời đi, các em chạy theo ôm, khóc và cảm ơn. Nhiều nhiếp ảnh gia trong đoàn cũng không kìm được nước mắt trước tình cảm ấy", Khương chia sẻ.

Theo Khương, các thầy cô và phụ huynh đánh giá cao dự án. Họ cho rằng những bức ảnh là "tài sản vô giá", lưu giữ ký ức mà ngay cả chính họ cũng không có khi còn nhỏ. Nhiều phụ huynh còn tâm sự với các nhiếp ảnh gia rằng bức ảnh không chỉ là kỷ niệm mà còn là nguồn động viên để các em cố gắng học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Tính đến thời điểm này, nhóm đã chụp ảnh cho hơn 3.000 học sinh tại 40 điểm trường. Tuy nhiên, Khương nhận thấy nhu cầu còn rất lớn. Khương bắt đầu nảy ra ý tưởng thành lập các đội nhóm tại từng địa phương để mở rộng quy mô, giúp nhiều em nhỏ hơn có cơ hội sở hữu bức ảnh tuổi thơ.

Tháng 9 tới, Khương đặt mục tiêu huy động 1.000 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới trên khắp VN. Họ dự định đến 80 điểm trường, chụp và tặng 54.000 khung ảnh, đánh dấu dịp 80 năm Quốc khánh. Khương nói con số 54.000 tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Anh hy vọng dự án không chỉ mang lại niềm vui cho các em mà còn truyền cảm hứng yêu quê hương, yêu nghề cho các thành viên và cộng đồng.

Dự án thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia với mong ước mang lại niềm vui và ký ức đẹp
cho các em.

Những câu chuyện từ trái tim

Mỗi thành viên tham gia dự án đều có kỷ niệm đáng nhớ. Nguyễn Gia An (26 tuổi), đến từ Nghệ An, tham gia dự án vì muốn đóng góp giá trị tích cực cho cộng đồng. An nhớ mãi buổi chụp mùa thứ hai khi những em học sinh Hà Giang ôm chặt những bức ảnh và túi kẹo mà nhóm tặng khi tiễn đoàn về. An chia sẻ: "Khi xe đi qua, các em vẫy tay chào, mắt rưng rưng. Lúc đó, mình nhận ra nhóm không chỉ tặng ảnh, mà còn trao đi một món quà tinh thần lớn lao, có lẽ là lần đầu tiên trong đời các em nhận được".

Còn Phạm Tuấn Hùng (27 tuổi), đến từ Nam Định, tin rằng mỗi bức ảnh là cách giản dị nhưng đẹp đẽ để lưu giữ tuổi trẻ. Với Hùng, mang máy ảnh lên bản không chỉ để chụp hình mà còn để kể lại câu chuyện tuổi thơ mà các em có thể mang theo suốt đời. "Những nụ cười của các em là minh chứng cho ý nghĩa của dự án. Với mình, đó là niềm hạnh phúc khi được gieo yêu thương", Hùng nói.

Theo ông Bùi Văn Khuya, nguyên chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Hoàng Su Phì (Hà Giang), "Kỷ yếu trên bản" không chỉ mang lại những bức ảnh mà còn lan tỏa giá trị tinh thần lớn lao. "Tôi đánh giá rất cao nhóm bạn Khương vì sự tận tâm và cách tiếp cận phù hợp với học sinh, giáo viên vùng cao. Họ không chỉ chụp mà còn rửa ảnh, đóng khung, trao tận tay thầy cô và các em. Chưa kể, khi cơ sở ngỏ ý hỗ trợ, các bạn từ chối, tự lo hết mọi chi phí, thiết bị. Nhóm làm việc chuyên nghiệp, chủ động nên được mọi người rất quý", ông Khuya nói.

Tác giả bài viết: BTG

Nguồn tin: Trang Thông tin Điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay2,661
  • Tháng hiện tại235,603
  • Tổng lượt truy cập1,906,325
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây