Từ ngày 15.2.2022, một số quy định mới về xuất xứ hàng hóa; miễn tiền sử dụng đất cho người có công; sửa đổi một số quy định về thi hành Luật Phòng chống tham nhũng… sẽ có hiệu lực.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước phối hợp với Thành đoàn Tây Ninh tổ chức diễn đàn trực tuyến tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học
Thông tư 33/2021/TT-BYT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15.2.2022.
Trong đó, Điều 3 quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.
Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành…
Miễn tiền sử dụng đất cho người có công
Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 15.2.2022, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.
Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng như người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31.12.1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5.7.1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Bên cạnh đó, Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.
Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP ban hành ngày 30.12.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.2.2022.
Cũng theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 9.12.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 15.2.2022.
Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
CM
Ý kiến bạn đọc