Nhà báo -Đại tướng Tổng tư lệnh
“Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Công việc phải khẩn trương, nắm được ý nguyện của nhân dân, phát hiện được ý đồ, âm mưu lớn nhỏ của kẻ thù. Tất cả nhằm đến phương án tốt nhất trong việc phục vụ công chúng báo chí” . Trong một bài viết tổng kết 15 năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về nghề làm báo như vậy.
Suốt chặng đường cách mạng, đôi vai nặng gánh việc nước, việc quân, hàng chục năm tham gia Bộ Chính trị, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm, sử dụng báo chí để đem lại hiệu quả lớn lao trong mọi thời kỳ, ở mọi tình huống.
Trả lời câu hỏi của các đồng nghiệp thế hệ sau thời gian làm báo ở tại mặt trận Điện Biên Phủ (1954) về bút danh Chính Nghĩa-tác giả của nhiều bài bình luận mang nội dung nhận định đúng đắn tình hình địch-ta, dự đoán các tình huống chính trị-quân sự phát triển trên các chiến trường mà trực tiếp là Điện Biên Phủ rất chính xác… nhà báo Trần Kư cho biết đó là ông Hoàng Xuân Tùy.
Những bài bình luận có sức hút đối với cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận hào hứng đọc và củng cố thêm niềm tin vào chiến thắng, đồng thời mở rộng nhãn quan chiến lược trong chiến đấu. Ông Hoàng Xuân Tùy, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (1953-1956) thẳng thắn bày tỏ: “Các bài đó do tôi chấp bút, nhưng tư tưởng, cái hồn của bài viết là của Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thời điểm ra báo là quan trọng. Khó hơn là làm nghệ thuật. Nghĩa là làm báo phải đúng lúc, chính xác, chặt chẽ, đem lại hiệu quả cho bạn đọc. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ phải kết hợp hài hòa như những màu sắc của tác phẩm hội họa. Những chữ lớn, nhỏ, đứng, nghiêng... đều toát lên vai trò và hiệu quả riêng”.
Riêng với các tờ báo của Quân đội, từ khi còn ở chiến khu Việt Bắc thời điểm cách mạng còn trứng nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm chủ bút và chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 5 tháng 8 năm 1945) của báo Nước Nam mới thuộc Khu Giải phóng. Ông viết bài chỉ đạo cho báo Việt Nam Độc lập của Mặt trận Việt Minh khu căn cứ địa. Ông cho ra đời tờ Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân… Khi viết bài cho các tờ báo này, ông thường ký tên là Trí Dũng. Sau hòa bình lập lại (1954) đến mãi sau này, cả lúc tuổi đã cao, sức yếu, Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đều đặn viết nhiều bài báo...
Báo chí có thể chuyển biến con người
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều đặn viết báo khi còn công tác cho cả đến khi nghỉ hưu. Ảnh: Trần Hồng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người làm báo rất sớm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành (1928-2007) khi xuất bản cuốn sách về sự nghiệp báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, từ năm 16 tuổi, cậu học trò Trường Quốc học Huế là Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên với tựa đề “Đả đảo tên bạo chúa trường Quốc học” đăng trên báo L’Annau ở Sài Gòn vào tháng 6 năm 1927. Ngay khi đọc bài báo này, luật sư Phan Văn Trường - chủ bút báo khi đó phải thốt lên “Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris”.
Hai năm sau, vì tham gia bãi khóa, phản đối nhà trường đuổi học Nguyễn Chí Diểu nên Võ Nguyên Giáp cũng bị đuổi khỏi Trường Quốc học Huế. Ông xin làm việc tại tòa báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng (tháng 4 năm 1927) và hoạt động báo chí chuyên nghiệp từ đó.
Bài viết khởi đầu trên báo Tiếng Dân ra ngày 28-9-1929, với bút danh Vân Đình, tiêu đề “Vũ trụ và tiến hóa”. Võ Nguyên Giáp phân tích thời cuộc một cách tỉnh táo và nghiêm túc. Ông trở thành một cây bút chính phụ trách chuyên mục “Thế giới thời đàm” trên tờ báo này với 27 bài đăng trên 36 số ký bút danh Vân Đình.
Từ Huế, ra Hà Nội, vừa học vừa đi dạy học tư để học lên, vừa viết báo để tuyên truyền cho cách mạng. Ông nhận thấy trở ngại lớn nhất của báo chí tiếng Việt lúc đó là khó xin cấp phép ra báo. Khi ra được báo rồi lại bị kiểm duyệt ngặt nghèo hoặc nhanh chóng bị đóng cửa. Chính quyền thực dân lúc đó để ngỏ cho báo chí tiếng Pháp được tự do, Võ Nguyên Giáp đã cùng các đồng nghiệp Nguyễn Thế Rục, Phan Tư Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh… ra tờ báo bằng tiếng Pháp mang tên Le Travail (Lao Động); tiếp đến là tờ Le Travail ra đời.
Vừa dạy học tư ở trường tư thục Thăng Long, Võ Nguyên Giáp vừa nhận làm mọi công đoạn của tờ báo. Ông viết nhiều thể loại từ xã luận, bình luận, phóng sự đến điều tra. Ông đã đạp xe từ Hà Nội ra khu mỏ Cẩm Phả tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) để viết bài về phong trào đấu tranh của công nhân mỏ. Ông trực tiếp duyệt bài, lên marquette, đọc cả morasse của tờ báo và làm cả phát hành báo mà không hề nhận tiền nhuận bút, tiền phụ cấp. Tại Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ, Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đều đặn viết báo khi còn công tác cho cả đến khi nghỉ hưu, trước những vấn đề thời sự của đất nước và Quân đội ông vẫn kịp thời có bài viết để thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Trong một lần tiếp các nhà báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự:
“Tôi với tư cách là một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, và là một nhà báo, tôi rất vui mừng và cảm động được các nhà báo đến thăm, chúc mừng và nhắc lại một thời làm báo của tôi. Báo chí là một lực lượng mạnh, có thể tạo nên sự chuyển biến con người. Báo chí phải tích cực tham gia vào công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, phổ biến kiến thức mới trong nhân dân, trên cơ sở đó xây dựng một nước Việt Nam anh hùng nhưng giàu có”.
Trong một dịp khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Nghề báo là phải lao tâm, tổn trí, gian khổ. Nhưng được đền bù là người đọc”.
nguồn: qdnd.vn