Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một nhà báo tiên phong trước cách mạng tháng Tám

Thứ hai - 12/07/2021 21:43 104 0

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một nhà báo tiên phong trước cách mạng tháng Tám

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một nhà báo tiên phong trước cách mạng tháng Tám

Nhiều người thường biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò là một nhà quân sự tài ba, nhưng Đại tướng còn là một nhà báo tiên phong trước cách mạng tháng Tám mà nhiều người chưa biết. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết báo, làm báo từ rất sớm trên con đường cách mạng của mình. Đại tướng đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén, hiệu quả trong mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng của mình với bút danh như: Vân Đình, Hải Thanh, Hồng Nam, Chính Nghĩa…

Nhà báo Vân Đình - Võ Nguyên Giáp năm 1936. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Năm 1929, đồng chí Võ Nguyên Giáp bắt đầu làm việc tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do đồng chí Đào Duy Anh sáng lập; và tham gia viết báo Tiếng Dân của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại Huế. Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết nhiều bài chính luận về chính luận, xã hội, khoa học… Bài đầu tiên của Đại tướng (ký bút hiệu Hải Thanh) nhan đề “Vũ trụ và tân hóa” đăng trên báo Tiếng Dân số 218 ngày 28/9/1929 và số 222 ngày 5/10/1929.

Sau khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh 1930, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng. Tháng 10/1930, đồng chí Võ Nguyên Giáp bị mật thám bắt ở nhà in báo Tiếng Dân trong vụ “cứu tế Nghệ An Đỏ” bị tuyên án 2 năm tù, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, do có Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, Đồng chí và một số người khác được trả tự do và đưa về quản thúc ở quê nhà Quảng Bình cho đủ hạn 2 năm theo án tù đã tuyên.  Năm 1936, đồng chí Võ Nguyên Giáp bước vào công việc làm báo cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương Đại hội sôi nổi những năm 1936-1939.  Trong những năm 1936-1939, nghề chính của đồng chí Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long. Đồng chí vừa dạy Lịch sử vừa dạy Địa lý, đồng thời tiếp tục học trường Luật, nhưng phần lớn thời gian của đồng chí Võ Nguyên Giáp lại dành cho hoạt động báo chí.

Một buổi chiều tháng 6/1936, tin thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp được công bố. Tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghĩ ngay tới chuyện ra một tờ báo để đón thời cơ. Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt, phải xin phép, thể lệ rất phiền phức và thường phải chờ đợi lâu. May sao có tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn với đồng chí Đặng Thai Mai và các giáo sư trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Chỉ hai ngày sau khi Léon Blum tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Pháp, ngày 6/6/1936, Tờ Hồn trẻ tập mới ra đời. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. 

Báo ra đến số 5 thì bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa. Tuy nhiên đây là tiếng chuông báo hiệu phong trào hoạt động báo chí công khai của Mặt trận dân chủ Đông Dương trong thời gian 1936-1939. Không thể sớm có một tờ báo Tiếng Việt trong tình hình ấy. Vì thế ngày 16/9/1936, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng bạn bè ra tờ báo bằng tiếng Pháp với tên gọi Le Travaill (Lao động) ra số đầu tiên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành một biên tập viên chính, được phân công viết khá nhiều đề tài như cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân… Đồng chí Võ Nguyên Giáp làm việc rất hào hứng, mặc dù sức khỏe lúc này của đồng chí không tốt cho lắm…

Thời gian làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều gắn bó và kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1941, khi Bác Hồ về nước chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh và cho ra đời báo Việt Nam Độc Lập do chính Người làm Tổng Biên tập. Bác Hồ giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp viết một bài về vấn đề phụ nữ. Khi Đại tướng viết xong và trình lên Bác, Bác xem và nói: “Bác trả lại chú. Giờ chú chịu khó viết lại 200 chữ thôi. Khi viết cần nhớ: Viết cho ai đọc, viết sao cho người đọc hiểu, hiểu rồi để làm…”. Thế là từ bài báo gần 1000 chữ, đồng chí Võ Nguyên Giáp phải rút ngắn 5 lần và được Bác khen “Bài của chú thế là được”.

Cách mạng tháng Tám thành công, từ một thành viên của Ủy ban dân tộc Giải phóng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ lâm thời và chính phủ liên hiệp lâm thời trong năm đầu Cách mạng tháng Tám (1945-1946). Trên cương vị này, ngoài giữ vai trò tham mưu cho Chính phủ xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng và cấp giấy phép xuất bản, quyết định đình bản báo chí… Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc tham mưu, xây dựng chính quyền cách mạng, đồng thời quản lý lĩnh vực xuất bản báo chí.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp từng viết nhiều bài trên Báo Le travail. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Mặc dù bận rộn với công việc quản lý, đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫn nhiệt tình tham gia viết báo, khi làm chủ bút, chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ 20/6 đến 5/8/1945) của báo Nước Nam mới của Khu Giải phóng; cho ra đời tờ Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân. Số 1 của Quân Giải phóng ra đời ngày 5/8/1945, trên báo có bài quan trọng của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với bút danh là Trí Dũng phê bình các cuộc chiến đấu vừa qua, đồng thời biểu dương, rút kinh nghiệm cho các cuộc chiến đấu tiếp theo. Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết “Phải làm thế nào mỗi lần đánh là một lần thắng cả về chính trị lẫn quân sự”.

Ngoài các tác phẩm báo chí bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Trường Chinh viết chung cuốn sách đầu tiên tựa “Vấn đề dân cày” (1937) ký tên hai đồng tác giả: Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp). Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn viết riêng quyển “Vấn đề dân tộc ở Đông Dương” (1939) với bút danh Vân Đình, nêu nhiệm vụ phản đế và chống phát xít của cách mạng Việt Nam. Về sau, còn nhiều tác phẩm của Đại tướng đã xuất bản ở trong và ngoài nước như: Đội quân Giải phóng (1950); Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân (1959); Từ nhân dân mà ra (1964); Điện Biên Phủ (1964)…

Trong công việc báo chí, sở trường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là viết chính luận, phân tích, bình luận tình hình thời sự - chính trị quốc tế, phê phán kinh tế chính trị học. Công tác thực tế thể hiện nhà báo Võ Nguyên Giáp đã trải qua hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi cả việc phát hành báo… Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy hiệu dành cho những người đã từng có từ 25 năm làm báo trở lên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đón nhận phần thưởng này với ít nhiều những tự hào. Có thể nói trong suốt quá trình hoạt động Cách mạng, vị Đại tướng này không mấy khi xa rời công tác báo chí. Đại tướng có nhiều kinh nghiệm làm báo và chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho giới báo chí.

Nhiều ý kiến chia sẻ về nghề báo của Đại tướng được đăng trong bài báo “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” trên tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8/1991 như: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng - đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.

nguồn: hcmcpv.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay29
  • Tháng hiện tại72,716
  • Tổng lượt truy cập808,426
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây