Lòng thương yêu nhân dân, nhân loại, người cùng khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở “tình thương trừu tượng”, ở sự thông cảm, lòng tin, mà trên cơ sở nắm vững lý luận, phương pháp luận khoa học, cách mạng.
Người đã đi sâu tìm hiểu vạch rõ nguồn gốc của mọi nghèo khổ, mọi áp bức bóc lột, mọi bất công trên đời. Từ đó, gắn lòng thương yêu nhân dân, nhân loại, người cùng khổ với lòng căm ghét lên án mọi chế độ bất công, lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân, lên án chủ nghĩa tư bản bóc lột tìm ra con đường đúng đắn, khoa học để xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người cũng hết sức căm ghét lên án những kẻ sâu mọi trong cán bộ, Đảng viên, trong nội bộ nhân dân xâm phạm quyền lợi nhân dân, tham ô, lãng phí, ức hiếp nhân dân... Với bọn này Người đã chỉ rõ là, nếu giáo dục, làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị: “đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”.
Chủ nghĩa nhân văn, lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn, lòng yêu thương con người một cách khoa học, hiện thực, cách mạng. Người ta thường cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động thì cũng có thể nói nhà nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động, hành động để giải phóng con người, hành động vì lòng yêu thương con người.
Mục đích của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng là đề xây dựng một xã hội mới không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội giàu mạnh, công bằng, văn minh với những con người có những phẩm chất cao đẹp, có trình độ phát triển toàn diện. Những con người được đào tạo, giác ngộ ấy chính là động lực của sự phát triển: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người chủ nghĩa xã hội là con người phát triển toàn diện, hoàn toàn đi đến không có chủ nghĩa cá nhân.
Do đó, tư tưởng xây dựng con người, giải phóng con người về mặt phẩm chất, nhân cách cũng như tài năng, trí tuệ là một bộ phận quan trọng của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Người vạch rõ:“Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu, mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng”. Tuy nhiên “thiện” và “ác” không phải tự nhiên mà có, mà phần lớn do giáo dục mà ra. Vì vậy, thái độ của người cách mạng là “Phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”.
Trong giải phóng con người, Hồ Chí Minh chú ý kết hợp hài hòa giữa cá nhân và tập thể, cộng đồng. Trong bài Đời sống mới, Người nêu : “Nói chung, thì đời sống mới có thể chia làm hai thứ. Một là đời sống mới riêng, từng người. hai là đời sống mới chung, từng nhóm người, như các bộ đội, các nhá máy, các trường học, các công sở... . Đồng thời, người chỉ ra sự tác động giữa cái chung và cái riêng, cá nhân và nhóm người: “ do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại thành nhà nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu thì thành làng xấu nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt thì thành làng tốt nước mạnh. Người là gốc của nước mạnh. Nếu mọi người cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường.
Người đặc biệt quan tâm và tôn trọng “ tính cách riêng”, “sở trường riêng”, “cuộc sống riêng”, quyền lợi riêng của mỗi người, nhằm phát huy đến mức cao nhất vai trò, khả năng của từng người, vì lợi ích riêng chính đáng của mỗi người và lợi ích của cả cộng đồng. Đối với người lầm đường lạc lối hay có sai lầm, và ngay cả những binh sĩ địch, lòng thương yêu của người mở rộng thánh lòng khoan dung. “ Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngon dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại ở bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này , thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên phải khoan hồng đại độ”.
Trước và trong suốt quá trình lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì tìm kiếm khả năng cứu vãn hòa bình và luôn chủ trương giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng hòa bình trong điều kiện có thể. Người đã nhiều lần chính thức gửi thư kêu gọi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp hãy tìm mọi cách để chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Trong nhiều bài viết, điện thư gửi các nước đồng minh và bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam và kêu gọi các tổ chức, các lực lượng hòa bình thế giới có hành động thiết thực để sớm kết thúc “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương. Khi dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng đứng lên tự vệ bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà, thì không tránh khỏi những mất mát, hy sinh, tang tóc điêu tàn cho cả nước Việt Nam và cả nước Pháp. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu, người Pháp hay người Việt đều là người”, nên Người đã tìm mọi cách để hạn chế tới mức thấp nhất những thương vong trên chiến trường cho quân ta và cho cả quân địch. Đối với tù binh, hàng binh Pháp bị bắt trong chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi đồng bào và chiến sĩ phải nêu cao tinh thần chính nghĩa, nhân đạo theo truyền thống của cha ông: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, đối xử khoan hồng đối với họ
Nhân dịp Noel năm 1946, chỉ sau 5 ngày chiến tranh nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các tù binh Pháp, ngày 24/12/19463. Trong đó, Người coi họ như là những người bạn và bày tỏ sự thông cảm trước cảnh ngộ hiện nay của họ. Họ cũng là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược do bọn thực dân Pháp phản động gây ra vì quyền lợi ích kỷ của chúng. Người mong một ngày gần đây, nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam sẽ có thể cùng nhau hơp tác trong hòa bình và thân ái để mưu cầu hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc. Cuối thư viết: “Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi, cho đến khi hết chiến tranh, khi đó các bạn sẽ được tự do”.
Yêu thương con người vận dụng vào trong Đảng, trong tổ chức là phải "có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại: Vào dịp tháng 5 các năm 1966, 1968, 1969, Bác đều cho mang bản Di chúc đã viết năm 1965 ra để bổ sung, sửa chữa. Năm 1966, bên cạnh câu đã đánh máy từ năm 1965: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng", Bác ghi thêm vào cùng dòng câu: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Chỉ một dòng này thôi, cho thấy sự trăn trở của Người về việc không ngừng rèn luyện đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bản tự tay đánh máy năm 1965, Bác gạch chân 5 chữ: Tự phê bình và phê bình. Song dường như việc nhấn mạnh, kể cả đặt chữ tự phê bình lên trước phê bình chưa làm Người yên tâm, nên năm 1966 Người bổ sung thêm câu: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đây chính là đòi hỏi xác định động cơ, hay nói chính xác hơn là cái Tâm của người phê bình. Bởi khi phê bình nhau, cần đúng lúc đúng chỗ đã khó, song mục đích phê bình để giúp đỡ nhau tiến bộ mới quan trọng hơn, cái vũ khí phê bình ấy phải trở thành văn hoá phê bình, chứ không phải là cớ để sát phạt, bới móc nhau.
Như vậy, tư tưởng yêu thương con người của Hồ Chí Minh thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, truyển thồng văn hóa Việt Nam : kề thừa tư tưởng nhân văn, nhân đạo trong văn hóa phương đông, phương tây; phát triển chủ nghĩa nhân đạo hiện thực của chủ nghĩa Mác. Đó là chủ nghĩa nhân văn “chân chính”, chủ nghĩa nhân văn hiện thực của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, lòng thương yêu nhân dân, thương yêu người củng khổ gắn với tình thương yêu nhân loại. lòng thương yêu thống nhất với lòng tin, sự tôn trọng và ý chí cùng hành động triệt để cùng giải phóng nhân dân,nhân loại. Bản thân Hồ Chí Minh là hình mẫu củ con người thời đại mới, thời đại kết hợp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội với giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn với tự do hạnh phúc, với chủ nghĩa xã hội.
nguồn: Phạm Tú - Chúng tôi yêu Việt Nam