Hành trình trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga

Thứ hai - 28/10/2024 15:26 10 0
Mùa hè năm 1923, Nguyễn Ái Quốc nhận giấy mời đến Liên Xô tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Ngày 30-6 năm đó, trên chuyến tàu biển từ Hamburg (Đức), với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”, Người đã cập cảng Petrograd, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga.
Hành trình trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga

“Nguyễn Ái Quốc – người An Nam duy nhất ở Moskva, người đại diện của chủng tộc Mã Lai cổ xưa. Anh trông như một cậu thiếu niên gầy gò, linh hoạt, mặc chiếc áo dệt len. Anh sử dụng tiếng Pháp, ngôn ngữ của kẻ áp bức, nhưng phát âm không được rõ ràng, giọng buồn giống như tiếng chuông khe khẽ của tiếng mẹ đẻ. Nguyễn Ái Quốc có vẻ khó chịu khi nói đến từ “văn minh”. Anh ấy hầu như đã đi khắp các nước thuộc địa, đến cả Bắc Phi và Trung Phi và tận mắt thấy đủ điều…”. Đây là lời kể về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của nhà báo, nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam đăng trên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, sau khi ông lần đầu tiên được gặp Người đến thăm Quốc tế Cộng sản tại Moskva năm 1923.

“Cách mạng Tháng Mười vĩ đại có một sức lôi cuốn kỳ diệu vô cùng”

Ngày 5-6-1911, trong công việc là người phụ bếp trên tàu buôn “Đô đốc Latouche-Tréville”, chàng trai trẻ 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu cuộc hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, tìm “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Từ năm 1912-1917, Người đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, sau đó từ Anh trở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, Nguyễn Tất Thành đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Ngày 13-8-1920, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc vui sướng được tham gia cuộc mít tinh lớn của Đảng Xã hội Pháp, nghe Marcel Cachin, giám đốc báo “L’Humanite” (Nhân đạo) của Pháp, người vừa trở về từ Nga và được gặp trực tiếp Lênin, nói chuyện về nước Nga và Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc cùng các đại biểu dự mít tinh hát vang Quốc tế ca, hô vang các khẩu hiệu “Lênin muôn năm!”, “Các Xô viết muôn năm!”. Người say sưa nghe kể về tình hình nước Nga Xô viết, nơi nhân dân đã nắm chính quyền.      

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái hàng ngồi) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản của tại Moskva, Nga từ ngày 17-6 đến 8-7-1924. Ảnh: Tư liệu/TTXVN 

Khi công bố “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã ngạc nhiên và bị thu hút bởi tư tưởng của vị lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới. 

“Lênin đã chinh phục và thu hút trái tim của các dân tộc châu Á không những bằng thiên tài của mình, mà còn bằng sự coi thường cuộc sống xa hoa, bằng tình yêu lao động, bằng đời sống cá nhân trong sạch, đức tính giản dị, đạo đức cao cả và sự cao quý của một người thầy”, Người viết.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại có một sức lôi cuốn kỳ diệu vô cùng. Từ khi nghe tin cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, Bác liền có ý định đi Nga, mặc dù lúc đó chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc cách mạng ấy. Một hôm, Đảng Cộng sản Pháp gọi Bác đến và bảo ‘Đồng chí sẽ được đi dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là đại biểu của nhân dân các nước thuộc địa’. Tin đó làm cho Bác sung sướng ngất trời”.

Và rồi, mùa hè năm 1923, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời đến Liên Xô tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản.

Giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”

Ngày 27-6-1923, Nguyễn Ái Quốc trong tay với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang” rời cảng Hamburg trên con tàu mang tên nhà cách mạng Đức Karl Liebknecht. Ngày 30-6-1923, Người đến thành phố Petrograd (nay là Saint-Petersburg) – cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Sự xuất hiện của một người nước ngoài không làm gia tăng sự chú ý của nhân viên an ninh địa phương. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin về thời gian gần 2 tháng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lưu lại ở thành phố Petrograd.

Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Đức cấp cho Nguyễn Ái Quốc, bí danh “Chen Vang”, ngày 16-6-1923. Ảnh tư liệu 

“Do yêu cầu khi đó về việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động bí mật và việc trao đổi thông tin khó khăn, nên có thể đoán được rằng, hoặc Đảng Cộng sản Pháp đã không thông báo kịp thời cho Moskva về việc đại diện của Đông Dương sẽ đến, hoặc Moskva không cho chính quyền Petrograd biết về việc này”, Tiến sĩ Evgeny Kobelev, Lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận định.

Ông nói thêm: “Thời gian 2 tháng Nguyễn Ái Quốc trải qua ở Petrograd vẫn là một trong ít “điểm trắng” chưa được biết tới trong tiểu sử đầy ắp những hoạt động chính trị của Người. Người đã sống ở đâu, làm gì trong khoảng thời gian này tại Petrograd? Những tư liệu có thể trả lời cho câu hỏi này có lẽ vẫn đang được lưu trữ ở đâu đó”.

Một số nguồn tin cho rằng, Nguyễn Ái Quốc phải lưu lại Petrograd là do gặp một số vấn đề về thủ tục giấy tờ: Trong giấy tùy thân của Người không có chỗ nào ghi là đảng viên cộng sản đến để dự hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Do vậy, người ta buộc phải chất vấn đại diện của Đảng Cộng sản Pháp tại Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản để người đó chứng thực nhân thân của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Chỉ sau khi chấp hành đầy đủ các thủ tục, Người mới có thể lên đường đến Moskva.

Tại thủ đô Moskva, Nguyễn Ái Quốc ở khách sạn Lux trên phố Tverskaya, nơi mỗi sáng sớm Người thích đi dạo đến khu vực Quảng trường Đỏ. Đối diện Thư viện Bảo tàng Rumyantsevsky (nay là Thư viện mang tên V.I. Lênin) là trụ sở của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, nơi Nguyễn Ái Quốc khi vừa đến đã trở thành cán bộ Phòng châu Á.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngồi trên sàn) cùng những người đảm bảo phục vụ kỹ thuật cho Đại hội V Quốc tế Cộng sản, tháng 6-1924. Ảnh tư liệu

“Trong thời gian lần đầu đến Liên Xô, tôi đã chứng kiến đất nước Xô viết khởi đầu con đường của mình trong điều kiện gian nan như thế nào. Thật khó để kể về chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất, về sự hy sinh của những người công nhân và nông dân khi bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, rõ ràng là, nhân dân Liên Xô đã đạt được những thành tựu đầu tiên. Sự tiến bộ nhanh chóng của đất nước Xô viết, bất kỳ thành công nào của nước này cũng mang đến niềm vui và hạnh phúc trong tim mỗi người làm cách mạng, cho chúng ta niềm tự hào về sự nghiệp của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại”, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại.

“Nỗi đau lớn nhất trong đời tôi…”

Một trong những mong mỏi thiết tha nhất của người cộng sản nhiệt huyết Nguyễn Ái Quốc là được gặp Lênin. Dù biết tình hình sức khỏe của Lênin đang trầm trọng, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn không nguôi hy vọng bệnh tình sẽ qua đi, và thần tượng của Người sẽ có thể tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, vốn đã được hoàn tất mọi khâu chuẩn bị.

Tuy nhiên, ngày 21-1-1924, Liên Xô phát đi tin buồn: Lênin qua đời.

“Khi đang ăn sáng tại nhà ăn ở tầng một khách sạn, chúng tôi nhận được tin Lênin từ trần. Không ai muốn tin đó là sự thật, nhưng khi nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy trên tòa nhà Hội đồng Moskva đã treo cờ rủ. Chúng tôi ai nấy đều vô cùng đau buồn. Lênin đã qua đời! Thế là tôi không được gặp Lênin rồi, đây là nỗi đau lớn nhất trong đời tôi…”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại sự kiện ngày hôm đó.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Commons.wikimedia.org 

Trong suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự tôn kính đối với vị lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Người cho rằng, trong mắt nhân dân các nước phương Đông, V.I. Lênin không chỉ là vị lãnh tụ: “Lênin là người có sức thu hút rất lớn… Sự tôn kính của chúng tôi đối với Lênin là lòng tôn kính của người con đối với cha mẹ, điều này ở đất nước chúng tôi được coi là một trong những phẩm chất cơ bản của con người. Đối với những người từng phải trải qua nhiều đau khổ và sự nhạo báng như chúng tôi, thì Lênin là hiện thân của lòng bác ái chân chính”.

Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản khai mạc ngày 17-6-1924 tại Nhà hát Lớn ở Moskva, diễn ra không có sự tham dự của người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản và người cổ vũ tư tưởng – lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới V.I. Lênin.

Những năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thổ lộ rằng, thời gian ở nước Nga là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời Người. Mặc dù vậy, Người vẫn hiểu là nên trở về Tổ quốc để biến ước mơ về một đất nước Việt Nam độc lập, tự do thành hiện thực. “Ngay từ nhỏ và cả khi trưởng thành, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác được tự do, niềm vui vô bờ bến và niềm hạnh phúc như lúc ở Moskva. Và dù sao, tôi vẫn ngồi đếm từng ngày trước khi diễn ra Đại hội của Quốc tế Cộng sản, để ngay sau bế mạc là tôi có thể lập tức lên đường và bắt đầu sự nghiệp hoạt động cách mạng trên thực tế của mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại.

Tình cảm và lòng tôn kính của người Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Thị trưởng Moskva Yury Mikhailovich Luzhkov từng viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được xếp vào những nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của thế kỷ XX. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh khốc liệt, nặng nề, dai dẳng đã thoát khỏi ách thuộc địa và bảo vệ được nền tự do, độc lập trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Thực hiện di huấn của người Thầy và Lãnh tụ của mình, các thế hệ sau này đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và thịnh vượng, chiếm một vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới… Thành phố Moskva luôn trân trọng giữ gìn những ký ức trong sáng về đồng chí Hồ Chí Minh. Một quảng trường của thành phố đã được đặt tên Người, giữa quảng trường dựng tượng đài tuyệt đẹp của Người sáng lập nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.

Tiến sĩ Grigory Mikhailovich Lokshin, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga nhớ lại lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1960 tại Hà Nội, khi ông sang Việt Nam thực tập ở Đại sứ quán Liên Xô: “Ông đã chinh phục tôi chủ yếu ở sự bình dị và dễ gần hoàn toàn tự nhiên (không chút mảy may cố tình). Và điều đó có được bởi xuất phát từ sự tôn kính vô bờ không chỉ của những người cộng sự gần gũi Ông, mà cả quảng đại đồng bào của Ông. Đó là sự tôn kính, không phải là sự “tôn sùng cá nhân” theo quan niệm thời đó và hiện nay của chúng tôi, mà là sự sùng kính của tình yêu và khâm phục đối với con người, mà cả cuộc đời Ông là minh chứng cho lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp tự do và hạnh phúc của nhân dân mình đang được Ông dẫn dắt đến thắng lợi”.

QUỐC KHÁNH (theo spb.aif.ru, “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh”)

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay1,297
  • Tháng hiện tại29,073
  • Tổng lượt truy cập1,306,823
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây