“Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới” đã và sẽ mãi mãi là khẩu hiệu hành động của Đảng ta

Thứ năm - 28/04/2022 23:14 48 0

“Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới” đã và sẽ mãi mãi là khẩu hiệu hành động của Đảng ta

“Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới” đã và sẽ mãi mãi là khẩu hiệu hành động của Đảng ta

Sau thành công Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng với những phương thức, thủ đoạn và giọng điệu khác nhau. Hiện nay, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, vẫn giọng điệu cũ, họ lại ra sức xuyên tạc cả những vấn đề thuộc về tôn chỉ, mục đích của Đảng.

[caption id="attachment_19260" align="aligncenter" width="733"] Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Nguồn: Chinhphu.vn)[/caption]

Họ cho rằng, khẩu hiệu nổi bật kết bằng hoa cúc vàng và hoa hồng thắm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới” tại Đại hội XII của Đảng là những thứ của người ta, Đảng Cộng sản Việt Nam vơ vào thành của mình(!). Đó là sự “cầm nhầm” - giống như kẻ gian lấy của người khác thì gọi là “cầm nhầm”.

Về đoàn kết, họ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam “là nhân tố chia rẽ và đối kháng dân tộc”(!). Như vậy, là họ cố tình lờ đi thực tiễn đất nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX, dân số chưa đến 30 triệu người, kinh tế rất lạc hậu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đoàn kết muôn người như một (chỉ bằng sức người) làm nên Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng có một không hai trong lịch sử dân tộc -  đã đánh đổ thực dân Pháp và phát xít Nhật, lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, quyết tâm cao và niềm tin chiến thắng, chỉ với đôi vai và xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm của người Việt Nam mà đã chiến thắng phương tiện vận chuyển bằng cơ giới của thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Không có sự đoàn kết, sao người Việt Nam lại làm được điều đó?

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nếu không có sự đoàn kết thì làm sao khắp các chiến trường cả miền Nam và miền Bắc đều đồng lòng đánh Mỹ. Quân xâm lược đi đến đâu cũng gặp phải thiên la địa võng, khiến chúng không có đường đi và không nơi ẩn náu, chấp nhận thất bại. Phải chăng họ “quên” lịch sử dân tộc: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nếu không có đoàn kết, làm sao nhân dân Việt Nam lại giành được “những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhân dân ghi nhận cuộc sống của mình được nâng lên không ngừng.

Về dân chủ, họ cho rằng: “Trên thế giới, không nước nào thực hiện kiểu “đảng chọn, dân bầu’’ mà có thể được coi là dân chủ”. Ngược dòng lịch sử dân tộc cho thấy, không có nước nào, đảng phái nào mang lại quyền con người, quyền công dân cho nhân dân Việt Nam cả. Thực tế cho thấy, các thế lực xâm lược còn áp đặt chế độ thống trị trên cơ sở bảo tồn chế độ phong kiến thối nát, tàn bạo. Các quyền con người, quyền công dân chỉ đến với nhân dân Việt Nam qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành lập hiến, lập pháp…, có đầy đủ các cơ quan của bộ máy nhà nước, bảo đảm Nhà nước Việt Nam sánh vai với các nước trên thế giới. Khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải lãnh đạo duy trì hoạt động của Nhà nước mà mình đã lập nên để phục vụ nhân dân. Vì vậy, việc bầu ra đại biểu của bộ máy nhà nước cũng phải do Đảng lãnh đạo và các tổ chức, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể triển khai thực hiện theo Luật Bầu cử và nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.

Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Việt Nam năm 2015 có quy định về Hội nghị Hiệp thương. Đây là hội nghị giữa các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội nghị Hiệp thương cùng với vai trò của Hội đồng bầu cử Quốc gia là cơ chế dân chủ quan trọng trong bầu cử Quốc hội, nhằm bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu (bảo đảm đầy đủ các giai cấp, tầng lớp, thành phần dân tộc, giới tính, tôn giáo,… tham gia) và tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Nếu không có Hội nghị Hiệp thương thì không thể có một danh sách đề cử mang đầy đủ tính đại diện cho cơ quan quyền lực. Do đó, không thể bảo đảm quyền của người dân tham gia vào công việc quản lý Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, cử tri thường dựa vào kết quả hiệp thương để cân nhắc khi bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Vì vậy, qua 13 lần bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta, đa số ứng cử viên của Đảng đã trúng cử và khẳng định xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Điều này không có gì là bất thường cả! Bởi, ở các quốc gia theo chế độ đa đảng, cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng mà họ lựa chọn.

Do đó, số đại biểu của các đảng chính trị trong nghị viện, quốc hội thường chiếm đa số. Sự trúng cử của số đại biểu tự do là rất ít. Ở Việt Nam cũng như những quốc gia theo chế độ một đảng lãnh đạo, đương nhiên, đại biểu quốc hội (nghị viện), đảng viên của đảng chiếm đa số. Vậy nên, cho rằng “đảng chọn, dân bầu” không có dân chủ là họ đã “quên” mất Hội nghị Hiệp thương và “quên” luôn cả các cách bầu cử của các quốc gia khác. Bởi thế, họ mới rêu rao lên rằng, ở Việt Nam không có dân chủ.

Về kỷ cương, họ cho là xã hội Việt Nam còn nhiều tệ nạn nên không thể gọi là kỷ cương. Đúng là, đất nước ta còn nhiều tệ nạn, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam có môi trường hòa bình đã và đang là nơi hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn ra thế giới cho thấy, các vụ khủng bố ở nơi này, nơi khác diễn ra liên tục. Năm ngoái là ở thủ đô Pa-ri của Pháp và vừa qua, là khủng bố ở thủ đô Bruc-xen của Bỉ - trái tim của châu Âu, ở Pakixtan, xa hơn nữa là các vụ khủng bố ở nước Mỹ,...  Vậy, nói ở Việt Nam có kỷ cương không đúng sao?

Về đổi mới, theo họ: “cũng là khái niệm “cầm nhầm” (!). Họ lý giải: “Đổi mới từ năm 1986 chỉ hé chút ít về kinh tế như cho tư nhân kinh doanh, cho một số công dân xuất ngoại, nhưng không hề có đổi mới gì về chính trị” (!). Có thật ở Việt Nam không có đổi mới về chính trị? Nhìn lại 30 năm đổi mới cho thấy, dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt một số kết quả quan trọng. Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện; hiệu lực, hiệu quả được nâng cao,...

Chúng ta cũng không phủ nhận đổi mới chính trị còn chậm hơn đổi mới kinh tế. Vấn đề này, Đảng ta đã nhìn thấy và Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) xác định: Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn; trong đó, có quan hệ “giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”[2]. Điều này, được quán triệt ở các nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[3], “Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[4], “Tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”[5], “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh,…”[6], .... Đây chẳng phải là những đổi mới về thể chế kinh tế và thể chế chính trị đó sao?

Cuối cùng, họ đòi hỏi: “Đổi mới duy nhất cấp bách và có giá trị là dân chủ hóa thật sự theo mô hình đa nguyên”. Vậy là, cái mặt nạ của họ đã bị tụt xuống. Đúng là “cái kim giấu mãi cũng lòi ra”. Cái mà họ đòi hỏi là đa nguyên, đa đảng - thứ mà nhân dân Việt Nam không có nhu cầu, vì không phù hợp với thể chế chính trị của nước ta.

Đúng là những luận điệu trên chỉ là sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng! ------------------ [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38.

[2] , 3, 4, 5, 6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 80, tr.77, tr.79, tr.79, tr.80.

Nguyễn Tiến Hải - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)

Nguồn: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay195
  • Tháng hiện tại30,668
  • Tổng lượt truy cập1,308,418
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây