Một số điều cần biết về Luật Nghĩa vụ quân sự

Thứ năm - 26/12/2024 08:04 27 0
Luật Nghĩa vụ Quân sự số 78/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Đây là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc - nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Luật gồm 9 chương, 62 Điều quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý vi phạm… Một số nội dung cơ bản của Luật được quy định như sau:

Độ tuổi gọi nhập ngũ.

Luật quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 đến hết 25 tuổi, công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Đối với công dân đến 17 tuổi, có nguyện vọng vào học tập tại các nhà trường quân đội để phục vụ lâu dài trong Quân đội nhân dân, nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được tiếp nhận, khi vào học tập tại các nhà trường quân đội sẽ được công nhận là binh sĩ tại ngũ.

Thời gian phục vụ tại ngũ.

Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và có chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân Việt Nam được đăng ký nghĩa vụ quân sự và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ. Luật quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ thêm một thời gian không quá 06 tháng nhằm bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

Để đảm bảo cho công dân chủ động chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ, Luật đã quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 02 hoặc tháng 03 hàng năm. Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hàng năm, tương ứng với 1 đợt gọi nghĩa vụ quân sự vào tháng 02 hoặc tháng 03.

Các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có nêu rõ có 05 trường hợp được miễn Nghĩa vụ quân sự

Thứ nhất, Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

Thứ hai, Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

Thứ ba, Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

Thứ tư, Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

Thứ năm, Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Quyền lợi khi tham gia Nghĩa vụ quân sự.

Hạ sĩ quan binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi, mỗi năm được nghỉ phép theo chế độ, để khuyến khích hạ sĩ quan, binh sĩ được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ trên 24 tháng, từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng; được nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác; được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự, cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức. Khi xuất ngũ, được trợ cấp xuất ngũ, tiền tàu xe, phụ cấp đi đường; được trợ cấp tạo việc làm. Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các nhà trường được bảo lưu kết quả và tiếp nhận vào học ở các trường đó; đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm…

Luật Nghĩa vụ quân sự là nền tảng pháp lý quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mỗi công dân đối với Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Minh Triết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay845
  • Tháng hiện tại8,592
  • Tổng lượt truy cập1,380,087
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây