Kỷ niệm 78 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2024): Biểu tượng sinh động của khát vọng hòa bình

Thứ năm - 19/12/2024 07:48 29 0

Kỷ niệm 78 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2024): Biểu tượng sinh động của khát vọng hòa bình

Cách đây 78 năm, ngày 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, đặc biệt là ở các đô thị, đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trên quy mô cả nước chống thực dân Pháp xâm lược.

Đó không chỉ thể hiện ý chí, sức mạnh của quân và dân ta trong bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, mà vượt lên trên hết đó còn là biểu tượng sinh động về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Một khẩu đội pháo của Vệ Quốc đoàn tại trận địa pháo đài Láng, tháng 12-1946.

Chủ trương đúng đắn, sáng tạo

Sau khi nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ hai, thực dân Pháp từng bước mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, chỉ rõ: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng” [1]. Tiếp đó, ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, nêu rõ “Mục đích” cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. “Tính chất” cuộc kháng chiến là trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến… [2].

Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” đã thể hiện đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến, tiến hành trên tất cả các mặt của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc: Về chính trị, huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc và quốc tế; về quân sự là triệt để dùng “du kích vận động chiến”; về kinh tế, tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc; về văn hóa, chống nạn mù chữ, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính…

Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành đàm phán, thương lượng với Pháp nhằm tránh cuộc chiến tranh không mong muốn xảy ra. Song, thực dân Pháp trắng trợn vi phạm Hiệp định Sơ bộ 6-3; thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị (ngày 1-6-1946) và tổ chức Hội nghị Liên bang Đông Dương (ngày 1-8-1946) hòng chia cắt Việt Nam; không thực tâm đàm phán và phá hoại Hội nghị Phôngtennơblô được tổ chức tại Pháp (từ ngày 6-7 đến 10-9-1946); đặc biệt là vi phạm Tạm ước ngày 14-9-1946, với việc gia tăng vũ lực quân sự tại các tỉnh phía Bắc vĩ tuyến 16, trực tiếp là tại Thủ đô Hà Nội…

Trước dã tâm và hành động trắng trợn của Pháp, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.[3].“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng của Người về cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược.

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Thực hiện chủ trương của Đảng, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mệnh lệnh Bộ Tổng chỉ huy, lực lượng vũ trang các tỉnh Bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng. Tại Thủ đô Hà Nội, 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân (101, 77, 212, 145 và 523), 1 đại đội pháo binh, 8 trung đội công an xung phong, một đại đội tự vệ chiến đấu, 28.500 dân quân tự vệ ngày đêm kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng căn nhà, góc phố. Trong 60 ngày đêm, quân và dân Hà Nội đánh gần 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch (đa số là lính Âu - Phi), phá hủy hơn 100 xe, bắn chìm 1 ca nô, bắn rơi và phá hủy 5 máy bay.

Phối hợp với Hà Nội, tại Hải Dương, Trung đoàn 44 (Chiến khu 3) cùng tự vệ, du kích tiến công làm tê liệt một số đơn vị quân Pháp ở Trường Nữ học, cầu Phú Lương, đường số 5; ngăn chặn quân tiếp viện của Pháp từ Hải Phòng lên Hà Nội...

Trải qua gần hai tháng liên tục chiến đấu, quân và dân ta chủ động bao vây, tiến công địch trong các thành phố giành thắng lợi, làm thất bại âm mưu đánh úp cơ quan đầu não ta tại Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở các thành phố lớn của thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố đã cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Vẹn nguyên giá trị

Đã 78 năm trôi qua, chủ trương, đường lối của Đảng cũng như “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị.

Trước hết, đó là kết quả từ một quá trình đấu tranh cách mạng đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trước thử thách ngặt nghèo, mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Đồng thời, khẳng định bài học lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc. Bởi hơn bao giờ hết, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh tới việc khơi dậy khát vọng độc lập tự do, khát vọng đưa dân tộc

Việt Nam tiến lên hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ trước đến nay đều đến từ hai nguyên nhân chủ yếu nhất: Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã biểu đạt hai yếu tố đó.

Do vậy, phải tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, cầm quyền, nâng cao sức chiến đấu của mình. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng luôn luôn là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn, kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975).

Trong công cuộc đổi mới, để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình lâu dài của đất nước, tư tưởng, khát vọng hòa bình được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lên từ ngày đầu phát động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã luôn soi đường, chỉ lối cho nhân dân và các lực lượng vũ trang ta tập trung vào thực hành và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng hòa bình, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ phá hoại, xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do đất nước ta không chỉ được nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy trong mọi tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang ta, mà còn được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể trong xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rõ rằng, phải lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, không bao giờ được phép nhân nhượng những vấn đề có tính nguyên tắc. Thực tế, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã thấm đượm phương châm, phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chính là cái “bất biến” trong muôn vàn cái “vạn biến” trong thời đại hiện nay. Trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc là những điều kiện thiết yếu bảo đảm cho những điều “bất biến” ấy.

-------------------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.26; [2] tr.150.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534.

Tác giả bài viết: BTG

Nguồn tin: Báo Hà Nội mới:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay1,101
  • Tháng hiện tại42,424
  • Tổng lượt truy cập1,413,919
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây