Phần cuối cuốn sách in bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tiêu đề: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân uỷ Trung ương - một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trong bài viết dài này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (thời điểm năm 2012) kể lại đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc xây dựng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị khoá XIII về Chiến lược quốc phòng Việt Nam.
“Chỉ khi được làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của ông trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc phòng từ năm 2012 đến năm 2018, xuyên qua từ nhiệm kỳ Đại hội XI cho tới giữa nhiệm kỳ Đại hội XII, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bậc thầy về các vấn đề chiến lược quốc phòng, quân sự, ông hiểu rất nhanh, nhìn trúng điểm được và chưa được của lĩnh vực quốc phòng và quân đội”.
Cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (bìa phải) và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến công tác
Trả lời mười ba câu hỏi của Tổng Bí thư
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đóng vai trò của người đứng đầu mà còn là một nhà chiến lược, kiến tạo nên những định hướng cơ bản và then chốt trong đường lối bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời đại mới” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết.
Ông viết tiếp: “Tôi báo cáo với Tổng Bí thư một số vấn đề về ý định xây dựng chiến lược và về công tác đối ngoại của quân đội, trong đó có những vướng mắc mà mình gặp phải trong quá trình công tác và nhu cầu cấp thiết của việc cần phải có một văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược quốc phòng, quân sự.
Tôi trình bày với Tổng Bí thư: “Theo suy nghĩ của em, chiến lược này chỉ là một văn kiện thôi. Nhưng nếu chúng ta xây dựng đúng và trúng thì nó sẽ là một thành tựu “phi vật thể” vô cùng quan trọng để hiện thực hoá và tăng cường sức mạnh thực chất cho đất nước và quân đội”.
Ông ngồi nghe, không phản ứng gì. Nhưng với phong cách làm việc của một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, nên trong nhiều cuộc làm việc với Tổng Bí thư, tôi chưa hề cảm thấy ngần ngại khi nêu các câu hỏi hoặc đề xuất những vấn đề bất cập mà bản thân mình còn băn khoăn, trăn trở.
Tôi xin phép đặt một câu hỏi và được ông đồng ý. Tôi nói: “Thưa Thủ trưởng, nếu mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc đồng thời với bảo vệ hoà bình thì việc ra một chiến lược quốc phòng, quân sự Việt Nam đã là định hướng hoạt động cho toàn bộ hệ thống chính trị, cho toàn dân và đồng thời chỉ đạo, chỉ huy mọi mặt công tác quân đội so với việc mua hàng tỷ đôla vũ khí thì việc nào cấp bách hơn?”. Rồi tôi đưa tài liệu để ông tham khảo.
“Khi tôi đặt câu hỏi thì ông không trả lời ngay mà chỉ tủm tỉm cười: “Tôi là dân ngoại đạo, phải xem xét, suy nghĩ cái đã; sau đó mới trả lời được. Nhưng qua nghe chú nói thì tôi thấy có một số vấn đề như thế này...”.
Câu hỏi đầu tiên Tổng Bí thư nêu ra lại chính là vấn đề mà chúng tôi luôn đau đáu trong quá trình nghiên cứu: “Hiện nay ta đã có đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, quân sự chưa? Có cần thiết xây dựng hai văn kiện này không? Nó có vai trò như thế nào trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc?”.
Và suốt buổi hôm đó, ông không bàn về chiến lược quốc phòng mà lấy tư cách của một nhà triết học, một nhà lý luận để nói cho tôi rõ những điều cốt yếu về thế nào là việc đúc rút những bài học từ thực tiễn để nâng lên thành lý luận trong quốc phòng, quân sự. Từ lĩnh vực quốc phòng, quân sự thuần tuý chuyển sang lĩnh vực chính trị như thế nào... Hết buổi làm việc, tôi để lại tài liệu và xin được gặp lại ông sau vài tuần”- tác giả viết.
“Cũng phải nói rõ rằng, việc nêu cao mục tiêu bảo vệ hoà bình không đồng nghĩa với tư tưởng “hoà bình chủ nghĩa”. Bởi hơn ai hết, người Việt Nam chúng ta hiểu rất rõ giá trị của hoà bình, nhưng đồng thời cũng không bao giờ quên rằng muốn có hoà bình thực sự thì phải luôn sẵn sàng đối phó với mọi nguy cơ chiến tranh. Vì vậy, quan điểm bảo vệ hoà bình cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới hơn trong củng cố sức mạnh quân sự của đất nước. Điều này được khẳng định ngày càng cụ thể hơn trong các văn kiện Đại hội của Đảng ta” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
“Khoảng một tuần sau, tôi lại đến gặp Tổng Bí thư để trả lời về câu hỏi đầu tiên mà ông đưa ra lần trước. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ngay khi gặp, ông nói: “Hiện tại chưa nên gọi đây là văn kiện chiến lược, mà tạm gọi đây là một công trình nghiên cứu khoa học.
Nhưng đúng là cần phải nghiên cứu về vấn đề này. Trên cơ sở các tài liệu được cung cấp, tôi có một số câu hỏi muốn được các anh giải đáp”. Cụ thể, Tổng Bí thư đặt ra một loạt câu hỏi: Đường lối quân sự Việt Nam trong thời kỳ hiện nay đã có chưa? Có cần thiết phải xây dựng tư tưởng về chiến lược quốc phòng và đường lối định hướng không? Văn kiện này có vai trò như thế nào trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc? Tính chất chiến tranh trong tương lai sẽ như thế nào? Xu thế phát triển của khoa học - kỹ thuật ra sao? Mặt trận nào, lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm? Đối tác, đối tượng là ai? Ai sẽ là đồng minh tin cậy của Việt Nam? Mục tiêu chiến đấu của ta là gì? Quân đội Việt Nam cần được xây dựng lực lượng như thế nào? Bố trí thế trận quốc phòng, khu vực phòng thủ ra sao? Mô hình tổ chức, cơ chế lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với quân đội như thế nào? Cuối cùng là cần có một quan điểm tổng thể như thế nào về quốc phòng - quân sự? Khi về và đọc lại 13 câu hỏi ấy, tôi cùng nhóm soạn thảo rất ngỡ ngàng và ngạc nhiên, bởi Tổng Bí thư là người chưa từng kinh qua môi trường chiến tranh và chưa tham gia quân đội.
Công việc của ông cũng không gần với lĩnh vực quân sự (trừ vị trí Bí thư Thành uỷ kiêm Bí thư Đảng uỷ Quân sự Hà Nội). Ông cũng chưa được đào tạo về nghệ thuật quân sự bao giờ. Nhưng những vấn đề ông nêu ra đều rất “trúng huyệt”, trong đó có nhiều việc chúng ta đang còn yếu kém, là những vấn đề còn tồn đọng.
Chúng tôi đọc, nghiên cứu và nghiền ngẫm rất kỹ để trả lời 13 câu hỏi của Tổng Bí thư mà “toát mồ hôi” vì nó quá trúng, mà cũng quá khó. Những câu hỏi đó hàm chứa rất nhiều nội dung mà nếu trả lời đúng thì đã bao trùm được tất cả những vấn đề mà lâu nay chúng tôi đau đáu suy nghĩ, tâm huyết, mong mỏi được đưa vào chiến lược quốc phòng Việt Nam vốn đã ấp ủ suốt nhiều năm trời.
Toàn bộ 13 câu hỏi ban đầu của Tổng Bí thư đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng về sự am hiểu tường tận của ông về những vấn đề của nền quốc phòng Việt Nam. Nhưng đồng thời những câu hỏi này cũng giúp chúng tôi có định hướng để nghiên cứu tiếp, đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ cho nhóm nghiên cứu. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu và trả lời 13 câu hỏi đó.
Hoà bình - giá trị thiêng liêng của đất nước
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển, nhưng phải gắn với bảo vệ hoà bình, và hoà bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước”.
Có thể nói, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao hàm một ý tưởng vô cùng độc đáo; nhưng cũng là một giá trị phổ quát của thời đại: đó là lấy bảo vệ môi trường hoà bình làm mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự trong dài hạn.
Nếu không có mục tiêu này, thì sẽ không có yếu tố đột phá tư duy trong xây dựng Chiến lược quốc phòng thời kỳ mới. Hoặc giả mục đích cốt lõi chưa đúng, chưa trúng thì chiến lược sẽ sai, sẽ đi chệch hướng.
Như vậy, cần phải hiểu rằng, bảo vệ Tổ quốc không chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà còn mở rộng thành bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định để đất nước phát triển, bảo vệ Đảng và Nhân dân.
Đặc trưng nòng cốt của quốc phòng là sức mạnh quân sự, thế nhưng trong mục tiêu của “Chiến lược quốc phòng Việt Nam” thời đại mới, thì nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ hoà bình của đất nước, bên cạnh những yếu tố mà ta đang có như chủ quyền, độc lập, tự chủ, chủ nghĩa xã hội” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết.
“Có hai khái niệm “hoà bình” cần phải tránh. Đó là hoà bình giả hiệu, hai nữa là nền hoà bình mong manh, mất ổn định. Hoà bình là phải bền vững. Chúng ta cần một nền hoà bình lâu dài để xây dựng kế hoạch phát triển đất nước; đồng thời cũng để bạn bè quốc tế có lòng tin tham gia hợp tác với chúng ta trong điều kiện ổn định chính trị và nền hoà bình bền vững của đất nước” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ghi lại lời của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết 24.
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc