Giấc mơ phổ cập bơi lội cho 10.000 trẻ của chàng trai từng là giáo viên thể dục đã hoàn thành sau 6 năm. Và giờ đây, anh ấy đang "nâng tầm" giấc mơ, mong dạy bơi cho 1 triệu trẻ em.
Chứng kiến vụ đuối nước thương tâm năm 2016 khiến 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) tử vong, anh Huỳnh Đức Linh (37 tuổi, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cùng cộng sự của mình tìm mọi cách để thực hiện giấc mơ phổ cập bơi lội cho 10.000 trẻ em. Sau 6 năm, giấc mơ ấy đã hoàn thành.
Mấy ngày qua, thông tin Chính phủ có công điện về phòng chống đuối nước cho trẻ khiến anh Linh lại "sôi người". Và dù nhóm khởi nghiệp từ hồ bơi lắp ghép cũng kẻ đến người đi, anh Linh vẫn kiên định với con đường mình đã chọn và "nâng tầm" giấc mơ, với con số 100.000 - 1 triệu trẻ em biết bơi.
Đường ta đi vốn chẳng có hoa hồng
Hẹn gặp anh Linh mấy lần rồi có khi giờ chót anh xin khất vì "phải đi gấp": lúc anh cùng đồng nghiệp ở Công ty TNHH Sapaga (TP Đà Nẵng) đi thi công hồ bơi để kịp ở Bình Định, ở Quảng Trị, khi thì thi công hồ bơi cho tổ chức phi chính phủ ở vùng quê khác.
"Cực lắm, đường ta đi vẫn chẳng hoa hồng. Sau mấy năm tôi vẫn là thằng hừng hực khí thế khởi nghiệp dù hiện chỉ đủ trang trải cho những chuyến đi và chi phí cho anh em", anh Linh nói.
Kể về cuộc khởi nghiệp bằng hồ bơi của mình, anh Linh bảo rằng khi chứng kiến vụ đuối nước khiến 9 em học sinh tử vong ở sông Trà Khúc, nhóm anh Linh gồm 3 người trẻ tính đến chuyện "rẻ hóa" hồ bơi. Thế là hồ bơi lắp ghép ra đời.
"Thời điểm đó, anh em đồng lòng khởi nghiệp, lắp ráp rất nhiều hồ bơi trên cả nước. Nhưng rồi tuổi trẻ, với những va vấp, xung đột. Nhóm tan rã, mỗi người rẽ mỗi hướng. Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ dang dở ngày xưa. Theo mãi đến giờ", anh Linh tâm sự.
37 tuổi, anh Linh đã thoái hóa cột sống nặng, ngồi một tí lại ê ẩm. Đó là kết quả của những năm tháng lái xe từ Bắc chí Nam. Nơi nào có người cần tư vấn, thi công hồ bơi là anh lại tìm đến nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
3 năm trước, anh Linh vào TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), chẳng ai hình dung được dạy thế nào với hồ bơi lắp ghép bằng khung sắt và vải bạt. Thuyết phục không được, anh Linh tìm mặt bằng, đầu tư 2 công viên nước ở Cam Ranh và Cam Lâm.
Vận hành thành công, những khóa dạy bơi thu hút đông cha mẹ đến đăng ký. Lúc vận hành ổn định, anh Linh quyết định sang nhượng lại cho người dân địa phương. Anh bảo rằng vận hành thì có lợi nhuận.
"Miễn là có thêm hồ bơi và trẻ em được học bơi"
Chông gai vẫn đầy trên hành trình của anh Linh, hiện anh vẫn còn 3 công viên nước và lớp dạy bơi tại quê nhà Quảng Ngãi, 4 công viên nước ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Huế. Trong 6 năm qua, mục tiêu phổ cập bơi cho 10.000 trẻ em anh đã thực hiện được lâu rồi.
Đó là động lực để anh tiếp tục. "Nếu tính trên diện rộng, những hồ bơi tôi thi công, hướng dẫn vận hành, dạy bơi thì con số các em biết bơi từ các hồ này phải lên đến vài trăm ngàn em là ít. Chính tôi cũng không nhớ chính xác số hồ bơi đã thi công. Ít gì phải vài trăm cái rồi", anh Linh chia sẻ.
Anh Linh lập Công ty TNHH Sapaga và tiếp tục hành trình khởi nghiệp. Sau 2 năm dịch COVID-19 mà nhiều khi phải "chạy ăn" nuôi quân thì anh Linh nói đến lúc này vẫn còn nguyên giấc mơ, khi "máu" thể thao dường như đã ăn sâu vào chàng trai từng là giáo viên thể dục này.
Tính đến nay anh Linh đã hợp tác và lắp đặt hồ bơi cho nhiều đơn vị trên cả nước như dự án phòng chống đuối nước trẻ em của Cục Trẻ em thực hiện năm 2019, thi công lắp đặt cho 8 điểm trường trên cả nước ở Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Rồi lại thêm trường ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam... "Nhiều quá mà giờ chỉ xem lại hợp đồng mới nhớ hết. Giờ thì không chỉ hồ hơi lắp ghép, tôi còn thi công cả hồ bơi bêtông, khu liên hợp thể thao...
Nói chung, có là làm, thường làm dự án của các quỹ, hội tài trợ tôi luôn để mức giá thấp nhất có thể. Nói chứ mình làm giá thấp, thì dư tiền sẽ có thêm hồ bơi làm ở nơi khác", anh Linh chia sẻ.
Dù có kinh nghiệm và năng lực làm hồ bơi lắp ghép đủ sức làm thầu chính, nhưng với giấc mơ bơi lội cho trẻ em, chưa khi nào anh Linh từ chối làm thầu phụ, cần hỗ trợ thì nhào đến phụ. Đó là chuyện từ 2 trường ở Đà Nẵng và ngược lên đến Trường THCS Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum), ai cần phụ thì phụ ngay thôi.
"Miễn là có thêm hồ bơi và trẻ em được học bơi" - anh Linh chia sẻ.
Cố gắng có 1 triệu trẻ biết bơi
Dự tính những ngày đến, anh Linh sẽ đi Quảng Trị tham gia chương trình "Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán về phòng chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn năm 2022" do Bộ GD-ĐT tổ chức quy tụ giáo viên 17 tỉnh (từ Quảng Trị đến Bình Dương).
Anh Linh nói phải đi để gặp nhiều giáo viên là bạn bè đang phổ cập bơi cho học sinh ở các tỉnh lâu rồi chưa chuyện trò, động viên nhau. Đây cũng là dịp để anh nghe được chủ trương của Chính phủ, bộ ngành liên quan đến phổ cập bơi.
Sau đó, sẽ tiếp tục rong ruổi, đi tìm những vùng đất còn "trắng" hồ bơi để tiếp tục vừa tạo sân chơi, vừa tạo nơi dạy bơi cho trẻ, hoạt động ổn lại bàn giao.
Giấc mơ 10.000 trẻ em biết bơi của anh Linh đã xếp lại, chuyển sang giấc mơ 1 triệu trẻ em biết bơi. Tất nhiên hành trình ấy còn rất dài và khó, nhưng anh Linh nói rằng sẽ cố gắng hết sức mình.
theo tuoitre.vnÝ kiến bạn đọc